Vượt qua cú sốc con sinh đôi tự kỷ

17/07/2018 - 20:12
Gia đình chị Nga - anh Minh (Q.Ba Đình, Hà Nội) đã lấy lại cân bằng và có cuộc sống vui vẻ nhẹ nhõm như hôm nay là một hành trình đẫm nước mắt, suốt 7 năm trời chăm bẵm 2 con trai tự kỷ.
Lo lắng tăng theo sự lớn lên của con
Ngày chị Nga siêu âm và biết kết quả sẽ sinh đôi 2 con trai, cả hai bên nội ngoại đều vui mừng khôn tả vì anh chị đều là con một. Đến tháng thứ 8, hầu như chị Nga phải nằm nhà dưỡng thai vì hai chân phù sưng to, chị có dấu hiệu tiểu đường thai kỳ. Và sau 8 tháng 23 ngày mang bầu, tăng 22kg, chị Nga hạ sinh 2 chàng trai, cháu trước 2,6kg, cháu sau 2,3kg, trắng trẻo, dễ thương.
 
Ông bà ngoại “chuyển hộ khẩu” sang nhà ông bà nội để cả nhà cùng chăm cháu. Anh Minh đi làm thì thôi, về đến nhà lại phấn khởi vì chứng kiến những khoảnh khắc cả nhà rộn ràng như mở hội. Hai thằng cu sởn sơ, mỗi ngày lại biết thêm nhiều trò đập chân, đập tay, với đồ đạc.
 
Nhưng lạ là cả 2 đứa trẻ đã tuổi rưỡi, gần 2 tuổi mà vẫn không biết nói. Mỗi đứa thường nắm chặt trong tay 1 món đồ gì đó thì mới ngồi yên. Cứ ngồi gần nhau là lao vào cấu nhau rồi khóc váng nhà. Các ông bà có lần bị cháu cấu chảy máu, thế là ông bà khóc, cháu khóc. Một đứa đã khóc thì đứa còn lại cũng khóc, khóc như gào, cả tiếng không dừng, cho đến khi nào có cái gì đó phân tán được sự tập trung mới thôi. Và không đứa nào chủ động trong vệ sinh. Mỗi lần đi vệ sinh, cả hai cứ đứng như trời trồng trong toilet, không bao giờ chịu cởi quần, vì cởi quần ra thì lại không đi nữa.
 
Lúc nào hồi hộp điều gì thì cái tủ lạnh sẽ bị hai đứa trút giận. Mỗi đứa 1 bên đóng mở tủ lạnh ầm ầm. Buổi tối đi ngủ, cả hai có thói quen trồng cây chuối vào tường hoặc nằm trên giường thả đầu xuống đất, khiến ông bà bố mẹ nhiều lúc hét toáng lên vì nghĩ con, cháu gãy cổ hoặc lao đầu xuống đất. Cho các con ăn mỗi ngày một khó. Hôm nào thoải mái thì bữa ăn kéo dài chừng 1 tiếng, cơm và thức ăn vung vãi khắp nơi. Nhưng hôm nào bất an trong người thì ăn xong sẽ nôn tung tóe, cả nhà đánh vật với việc thu dọn, thay đồ...
 
Sự đau đớn, thương xót làm ông bà, bố mẹ gầy sọm. Anh Minh trở về nhà với trĩu nặng trong lòng...
8.jpg
Ảnh minh họa

 

Tìm mọi cách giúp trẻ thích nghi
Bắt đầu phát hiện các dấu hiệu khác lạ đầu tiên, chị Nga - anh Minh đã đưa các con đi khám. Nhưng cũng phải hơn 1 tháng sau, anh chị mới thích nghi được với việc 2 con cùng bị tự kỷ. Ngay lập tức, anh chị cho con theo lớp học trị liệu chuyên biệt, chi phí tới 30 triệu đồng mỗi tháng. Không thấy rõ sự cải thiện, vợ chồng bàn nhau, anh Minh quyết định đi học 1 khóa sư phạm dạy trẻ đặc biệt rồi đi dạy để kèm sát các con ban ngày và về nhà hỗ trợ con đúng phương pháp.
 
Hai anh chị “đào xới” về chứng tự kỷ đến thuộc lòng nhiều thông tin, kiến thức. Rồi lập một nhóm cha mẹ cùng cảnh để chia sẻ kinh nghiệm và động viên, khích lệ nhau. Mỗi khi có thông tin về điều trị hội chứng này, anh chị lại tìm mọi cách cho các con được thử. Tính đến nay, căn hộ nhỏ anh chị mua được khi mới cưới và ô tô ông bà nội cho ngày cưới đã “ra đi” theo mỗi lần chạy chữa cho con, kể cả tiêm tế bào gốc.
 
Các con đã có những thay đổi theo chiều hướng tốt. Các con đã có thể hiểu ngôn ngữ liên hệ với cuộc sống thường nhật. Ví dụ nói thắp hương là con biết bà hoặc mẹ sẽ lên bàn thờ dâng hương cúng cụ, đã chỉ đúng đồ vật theo tên gọi, biết cất đồ vào ngăn kéo...
 
Điều quan trọng hơn, cả ông bà nội ngoại và chị Nga - anh Minh đều đã khai thông tư tưởng buồn chán, ủ ê, đau khổ. Gia đình thuê thêm một bác giúp việc hỗ trợ chăm sóc nhà cửa và buổi tối chơi cùng 2 cháu khoảng 1 tiếng. Ông bà nội ngoại đổi nhau nghỉ ngơi ở nhà ông bà ngoại để việc chơi với cháu, quan sát các cháu không còn là áp lực.
 
Chị Nga và anh Minh thì chia nhau chơi với các con đều đặn 3-4 tiếng mỗi ngày. Các con đỡ tăng động hơn, biết tự đi vệ sinh. Thói quen gặm đồ vật và nghịch đồ đạc trong nhà đã đỡ nhiều. Người thân ít gặp bắt đầu có thể bắt tay được với các cháu. Hai cháu đã có thể ngồi cắt dán, tô màu cùng bác trông trẻ 30 phút mà không bị phân tán.
 
Có nhiều điều trong cuộc sống không như mình mong muốn, hãy chấp nhận và tìm cách sống chung với những điều không như ý ấy.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm