Winnie - bóng hồng kiên cường của “người tù thế kỷ”

17/04/2018 - 06:33
Chuyện tình lãng mạn, đầy tinh thần cách mạng nhưng cũng nhiều sóng gió giữa bà Winnie Madikizela - Mandela (vừa qua đời ngày 2/4/2018 ở tuổi 81) và cố Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela được viết lại trong nhiều tác phẩm và dựng trong phim ảnh. Bà Winnie được coi là cầu nối quan trọng cho cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa Apartheid do “người tù thế kỷ” Mandela lãnh đạo trong suốt 27 năm ông bị giam cầm.
Cú sét ái tình định mệnh

Sinh ngày 26/9/1936 ở tỉnh Eastern Cape, miền Nam Nam Phi, bà Winnie đã học đại học chuyên ngành công tác xã hội, một ngành nghề mà hiếm có một phụ nữ da đen nào được phép tham gia vào thời điểm đó.

Bà Winnie và ông Mandela tay trong tay ra khỏi nhà tù Victor Verster ở Cape Town năm 1990


Câu chuyện tình của hai người nổi tiếng này bắt đầu vào giữa thập niên 1950. Bà Winnie gặp ông Nelson Mandela (40 tuổi) khi bà chỉ mới 23 tuổi. Khi là luật sư năm 1957, trên đường từ tòa án về qua một ngã tư đường, ông Nelson Mandela chợt thấy một cô gái đang đứng chờ xe bus. 

Nét đẹp của nàng cuốn hút Mandela nhưng ông biết khó mà có dịp gặp lại nàng. Như mối duyên tiền định, một hôm, khi đang ngồi làm việc trong văn phòng luật sư vừa mới lo tái trang bị, ông Mandela gặp lại cô lần nữa.

Cô gái tên là Nomzamo Winifred Madikizela và thường được gọi tắt là Winnie. Từ đó, họ gặp nhau bất cứ khi nào có thể. Họ ăn trưa với nhau và cùng nhau đi dạo trên cánh đồng cỏ xanh giống như cánh đồng cỏ ở quê hương Transkei. Mandela chia sẻ với Winnie những khó khăn nhưng đầy hy vọng và bà Winnie hiểu, chấp nhận tất cả.

Đám cưới của hai người được tổ chức ngày 14/6/1958 tại một nhà thờ nhỏ và do không có tiền, họ cũng chẳng có tuần trăng mật bên nhau. Vợ chồng bà Winnie sớm có 2 người con gái nhưng hạnh phúc nhanh chóng không trọn vẹn khi ông Mandela bị bắt giữ năm 1963 vì chống lại chế độ Apartheid thượng tôn của người da trắng ở Nam Phi.

Do vậy, dù hôn nhân giữa nhà lãnh đạo Nelson Mandela và Madikizela kéo dài 38 năm nhưng phần lớn thời gian đó, ông Mandela bị cầm tù. Trong suốt 27 năm ông Mandela bị giam giữ, bà Winnie trở thành gương mặt đại diện cho chồng và can đảm tiếp tục cuộc đấu tranh chống chế độ phân biệt chủng tộc ở Nam Phi.

Bà Winnie cũng đã bị bắt giam nhiều lần vì tham gia chống lại chế độ Apartheid và vận động thả ông Mandela cả trong lẫn ngoài nước.

Năm 1969, bà Winnie bị ngồi tù 13 tháng. Đến năm 1973, bà lại bị  6 tháng tù giam, rồi sau đó là 7 năm tù do lãnh đạo các phong trào sinh viên chống chủ nghĩa Apartheid. Bà bị tra tấn và căn nhà bà sống thường trực bị canh phòng cẩn mật nhưng bà không sợ hãi hay dừng bước. Bà đã bị chế độ đương thời đe dọa, giam cầm, cách ly khỏi xã hội nhưng không gì ngăn cản được bước tiến của người phụ nữ kiên cường này.

Bà Winnie Mandela vẫn luôn là ngọn đuốc soi đường cho cuộc đấu tranh do ông Mandela lãnh đạo. Những năm tháng bị giam cầm đã tôi luyện ý chí của người phụ nữ này, khiến bà cảm thấy “không gì có thể khiến tôi sợ hãi nữa, chính phủ không thể làm gì nổi tôi, chẳng có nỗi đau nào mà tôi chưa trải qua”.

Trong thời gian chồng bị cấm đọc báo chí, bà trở thành cầu nối giữa ông với thế giới bên ngoài, bà nói với chồng về những thay đổi tại quê nhà, trở thành tiếng nói của chồng và sát cánh trong hoạt động chống lại chính quyền phân biệt chủng tộc Apartheid tại Nam Phi. Năm 1986, bà Winnie đã có một câu nói nổi tiếng: “Chúng tôi không có súng, chúng tôi chỉ có đá, hộp diêm và xăng. Tất cả chúng tôi, tay trong tay, với hộp diêm và lốp xe, chúng tôi sẽ giải phóng đất nước”.

Cảm phục sự cống hiến của bà Madikizela cho đất nước, người dân Nam Phi coi bà là một nữ anh hùng và gọi bà bằng cái tên trìu mến “Mẹ Châu Phi” (Mama Africa).
 
Ngày 11/2/1990, hình ảnh bà và ông Mandela tay trong tay ra khỏi nhà tù Victor Verster ở Cape Town giữa sự hân hoan của những người ủng hộ da màu đã đi vào lịch sử. Ông Mandela trở thành Tổng thống da màu đầu tiên của Nam Phi năm 1994.
 
Cái kết không trọn vẹn

Thời gian gần 27 năm xa cách cũng đã gây ra những rạn nứt về tình cảm của bà đối với chồng. Sự chung thủy của Winnie đối với chồng chỉ còn trong lý tưởng đấu tranh chính trị, còn tình cảm trong người phụ nữ này đã bị xói mòn và cạn kiệt theo năm tháng đợi chờ. Bà Winnie từng viết trong hồi ký: “Tôi có rất ít thời gian để yêu chồng”.

Sau khi Mandela ra tù, hai vợ chồng bà mới khám phá ra họ còn cách nhau xa hơn khi Mandela còn ở trong tù. Năm 1990, ông Mandela không còn là lực sĩ quyền Anh, một luật sư xông xáo và một thanh niên lãng mạn mà là một cụ già 72 tuổi ốm yếu, bệnh tật. Ngay cả trong sinh hoạt hàng ngày, hai người cũng khác. Mandela theo thói quen vẫn ăn ngủ đúng giờ của nhà tù từng quy định trong khi bà Winnie, trẻ hơn chồng 17 tuổi thì thức khuya và dậy muộn.

Những ngôn ngữ tình yêu chất chứa trong những lá thư chỉ còn là kỷ niệm. Trong phòng ngủ của hai vợ chồng, tấm thiệp Giáng sinh cuối cùng Nelson Mandela gởi bà Winnie vào tháng 12/1989 với hàng chữ “Darling, I love you!” (Em yêu, anh yêu em) chỉ còn là kỷ niệm. Họ chính thức ly dị vào năm 1996 sau 4 năm ly thân. Khi được hỏi về khả năng hòa giải năm 1994, bà Winnie tuyên bố bà “không chiến đấu để trở thành Đệ nhất phu nhân, không phải kiểu phụ nữ mặc váy hoa và trở thành vật trang trí cho người khác”.

Dù ly dị, bà vẫn giữ họ Mandela. Bà Winnie vẫn tiếp tục hiện diện trong cuộc đời của ông Mandela nhiều năm sau mặc dù ông đã tái hôn vào năm 1998. Mỗi ngày, bà Winnie đều đến thăm ông lúc đó nằm điều trị tại bệnh viện trung tâm ở Pretoria.

Nam Phi sẽ tổ chức quốc tang

 Bà Winnie Madikizela-Mandela

Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa tuyên bố sẽ tổ chức tang lễ cấp quốc gia đối với bà Winnie Madikizela-Mandela từ ngày 3/4 đến 14/4 cùng với các nghi lễ quân sự. Bày tỏ niềm thương tiếc trước sự ra đi của bà Winnie, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa cho biết: “Bà là bóng cây, chỗ trú ẩn và an toàn cho người dân Nam Phi chống phân biệt chủng tộc. Chúng ta buồn khi cây, cuối cùng, đã ngã. Bà không chỉ là một nguồn cảm hứng, mà bà thực sự đã chạm vào cuộc sống của hàng triệu người Nam Phi trong những ngày đen tối”.

Lễ tưởng niệm chính thức bà Madikizela-Mandela sẽ được tổ chức tại Nhà thờ Regina Mundi ở thành phố Johannesburg và lễ tang chính thức sẽ được tiến hành tại sân vận động Orlando ngày 7/4. Nam Phi cũng sẽ treo cờ rủ trên cả nước và  tại các đại sứ quán của Nam Phi trên khắp thế giới cho đến ngày 14/4.


Sau khi Nam Phi chuyển sang chế độ dân chủ, bà Winnie vướng vào các bê bối pháp lý với 43 cáo buộc lừa đảo và 25 cáo buộc trộm cắp tài sản công. Năm 1991, bà Madikizela bị cáo buộc “vi phạm nhân quyền nghiêm trọng” vì liên quan tới vụ bắt cóc và sát hại một cậu bé 14 tuổi. Những cáo buộc này khiến bà phải từ chức khỏi vị trí lãnh đạo cấp cao đảng Đại hội Dân tộc Phi cũng như mất ghế tại quốc hội Nam Phi. Năm 2004, tòa án tối cao tuyên bà 3 năm 6 tháng tù treo với tội danh lừa đảo.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm