Xâm hại trẻ em gia tăng, diễn biến phức tạp, nguy hiểm

27/08/2019 - 21:52
Tính từ đầu năm 2015 đến hết tháng 6/2019, địa bàn Hà Nội có hàng trăm trẻ em bị xâm hại dưới nhiều hình thức. Trong số này, phần lớn số trẻ bị xâm hại tình dục, bị bạo lực với mức độ nghiêm trọng. Thủ đoạn, phương thức xâm hại trẻ được đánh giá là ngày càng tinh vi, mức độ xâm hại gia tăng nhanh theo từng năm.

5 năm, hơn 320 trẻ em bị xâm hại

Tại buổi làm việc với Đoàn giám sát tối cao Quốc hội ngày 27/8 về chuyên đề xâm hại trẻ em, đại diện UBND TP.Hà Nội dẫn số liệu từ Sở LĐTBXH Hà Nội cho biết,  trong vòng 5 năm, có 322 trẻ bị xâm hại với nhiều hình thức khác nhau Trong đó, có 29 trẻ bị xâm hại tình dục (XHTD), 51 trẻ bị bạo lực. Đặc biệt, số trẻ bị bỏ rơi, bỏ mặc trên toàn địa bàn có 235 trẻ. Có 7 vụ mua bán trẻ em, trong đó có 3 trẻ bị mua bán liên quan đến đối tượng có quốc tịch nước ngoài bị mua bán tại Hà Nội. 

Trong khi đó, theo số liệu của cơ quan công an thành phố, số vụ xâm hại trẻ em trong vòng 5 năm (từ đầu năm 2015 đến tháng 6/2019) là 336 vụ, trong đó có đến 179 trẻ bị xâm hại tình dục dưới nhiều hình thức khác nhau như dâm ô, giao cấu, hiếp dâm.

Qua tổng hợp các vụ việc xâm hại trẻ em thời gian qua trên địa bàn, UBND TP.Hà Nội cho biết, địa bàn xảy ra các hành vi xâm hại thường là tại cộng đồng, nhà trường và trong chính gia đình của trẻ. Các đối tượng đã sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn khác nhau để đạt được mục đích của mình.

chau-be-6.jpg
Vụ bé gái ở Chương Mỹ bị xâm hại hồi đầu năm 2019 gây bức xúc dư luận 

Điều đáng lưu tâm là đa phần đối tượng xâm hại trẻ em là người có mối quan hệ thân quen với trẻ em, và nghiêm trọng nhất là XHTD trẻ em. Thủ đoạn của đối tượng là lợi dụng lòng tin của trẻ em, lợi dụng sự hồn nhiên, trong sáng, không cảnh giác của trẻ/cha mẹ trẻ để thực hiện các hành vi xâm hại.

Những trẻ em có nguy cơ bị XHTD cao là trẻ em trong các gia đình thiếu vắng sự quan tâm chu đáo của cha mẹ (có thể cha mẹ ly hôn, cha mẹ làm ăn xa nên sống với ông bà, người thân; có thể trẻ sống trong các gia đình có vấn đề về xã hội...), trẻ em thiếu kỹ năng sống nói chung và kỹ năng tự bảo vệ nói riêng là các trẻ em mà đối tượng xâm hại trẻ hướng đến.

Trong tất cả trẻ em bị xâm hại đều bị ảnh hưởng, tổn thương theo các mức độ khác nhau về thể chất, tinh thần, có thể trực tiếp hoặc gián tiếp đến sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm, sự phát triển bình thường của trẻ về tâm lý, giới tính… Bên cạnh đó, hậu quả mà hành vi này gây ra cho xã hội là không thể phủ nhận, đó là ảnh hưởng đến trật tự trị an xã hội, sự tấn công trực diện đến các nền tảng đạo đức của xã hội, gây tâm lý hoang mang, mất lòng tin, lo sợ trong dư luận xã hội.

Ông Ngô Văn Quý – Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội cho hay, ngoài những nguyên nhân mang tính khách quan, theo ông Ngô Văn Quý, vẫn còn nhiều yếu tố mang tính chủ quan, khiến vấn nạn xâm hại trẻ em ngày càng nghiêm trọng hơn, như nhận thức vấn đề bảo vệ trẻ em của một bộ phận người dân, cha mẹ, người chăm sóc trẻ còn hạn chế; công tác quản lý trẻ em trong gia đình, nhà trường còn chưa chặt chẽ.

Nhiều gia đình tập trung làm ăn kinh tế, sao nhãng, bỏ mặc trẻ em hoặc gia đình có hoàn cảnh khó khăn, cha mẹ ly hôn, ly thân, mắc các tệ nạn xã hội...dẫn đến tình trạng trẻ em bị xâm hại. Bản thân trẻ em còn non nớt về thể chất, tinh thần, sự kháng cự chưa có, dễ bị đối tượng dụ dỗ, lợi dụng, lôi kéo; kỹ năng sống nói chung và kỹ năng tự bảo vệ bản thân của trẻ em nói riêng còn thiếu và yếu.

Công tác giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, nhà trường chưa được đầu tư đúng mức; các thành viên trong gia đình, giáo viên chưa có đầy đủ các kiến thức, kỹ năng để bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em.

Dự báo thời gian tới, ông Quý cho rằng, sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế, xã hội, tốc độ đô thị hóa của thành phố Hà Nội trong thời gian tới cũng như sự phát triển như vũ bão của thế giới công nghệ số đã và sẽ tiếp tục tác động rất lớn tới tư duy, nhận thức, quan điểm, hành vi, đạo đức, lối sống của cả người lớn và trẻ em với cả mặt tích cực và tiêu cực.

Xâm hại trẻ em vượt ra ngoài môi trường gia đình, lớp học

Phát biểu tại cuộc họp giám sát, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, qua một ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, cuộc giám sát cơ bản đạt được yêu cầu đặt ra. HN là một trung tâm siêu đô thị lớn về chính trị kinh tế văn hóa khoa học giáo dục, quốc tế… với mật độ dân số rất cao, hơn 8 triệu người theo thống kê, nhưng số lượng dân cư vào HN có thể lên đến 10 – 11triệu người, chưa kể mức tăng cơ học dân số hàng năm.

Mỗi năm, số lượng trẻ em mẫu giáo vào lớp một tăng thêm 30 – 35.000 cháu… Theo ông, những số liệu này phản ánh nhiều mặt trong chăm sóc giáo dục bảo vệ trẻ em.

img_2963.JPG
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu kết luận tại buổi giám sát. Ảnh: D.H 

Ông Uông Chu Lưu nhấn mạnh, vấn nạn xâm hại trẻ em là mối lo chung không chỉ riêng Hà Nội. Qua báo cáo các tỉnh thành phố mà cơ quan Quốc hội nhận được, cơ bản đều có đánh giá chung, đó là tình hình xâm hại trẻ em có xu hướng gia tăng, diễn biến phức tạp, tính chất mức độ ngày càng nguy hiểm hơn. Các thủ đoạn, hành vi xâm hại trẻ em đa dạng phong phú, diễn ra nhiều khu vực, nhiều lĩnh vực khác nhau, vượt ra ngoài môi trường gia đình, nhà trường.

Hậu quả của các hành vi xâm hại trẻ em là rất nặng nề, nghiêm trọng và lâu dài cho cả trẻ em, gia đình và xã hội. Dự báo các yếu tố khách quan, chủ quan tác động cho thấy tới đây, tình hình xâm hại trẻ em cũng gia tăng. Đối tượng xâm hại và bị xâm hại cũng đa dạng. Càng ngày trẻ em bị xâm hại ở độ tuổi nhỏ ngày càng nhiều.

Liên quan đến số liệu chênh lệch từ cơ quan điều tra và sở LDDTBXH thành phố, Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu đề nghị UBND và các sở, ngành tiếp tục rà soát đối chiếu so sánh để thống nhất số liệu, tránh tình trạng vênh nhau giữa các báo cáo về số liệu.

“Những số liệu thống kê vi phạm của Hà Nội trong báo cáo chưa phải là bức tranh thực tế. Trong xã hội, gia đình và nhà trường, hành vi xâm hại dưới nhiều hình thức khác nhau thực tế còn có thể cao hơn. Nhưng rõ ràng qua số liệu các năm, số lượng vụ việc có tăng lên” – ông Lưu nhấn mạnh.

Qua nhiều ý kiến của đại biểu, đặc biệt là ý kiến từ Hội LHPNVN, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, Hà Nội cần tăng cường nhiều hơn các hình thức phong phú, đa dạng để huy động tối đa sự tham gia của các lực lượng, đoàn thể, nhất là vai trò của Hội LHPNVN và cộng đồng nói chung trong phòng chống xâm hại trẻ em; lưu ý đến đề xuất các mô hình tốt của Hội LHPNVN để nghiên cứu vận dụng trong thời gian tới.

Cũng theo ông, Hà Nội nên xác định phòng ngừa là biện pháp hàng đầu, cơ bản và lâu dài. Việc tuyên truyền phổ biến pháp luật, thông tin không chỉ cho đối tượng trẻ em mà còn dành cho người thân, các đối tượng liên quan đến trẻ em. Bên cạnh đó, việc tuyên truyền đến trẻ em cần chú ý việc phân loại đối tượng trẻ em để có giải pháp phù hợp.

Với đối tượng xâm hại trẻ em, ông Lưu đề nghị thành phố Hà Nội cần có đánh giá, phân tích sâu hơn. Bởi qua báo cáo, đối tượng xâm hại trẻ em chủ yếu là người thân, hàng xóm, người quen biết. Trên cơ sở đó, cần đưa ra các giải pháp khác biệt, cụ thể hơn với đối tượng xâm hại đặc thù này.

Cũng theo ông, với sự phát triển bùng nổ của thông tin, không thể không quan tâm đến vai trò của gia đình trong giáo dục con cái, trách nhiệm của nhà trường trong giáo dục học sinh. “Vừa rồi Quốc hội có rất nhiều phiên chất vấn liên quan đến bạo lực học đường, tình hình này hiện tại diễn ra như thế nào, có còn nhiều nữa hay không, nổi lên các điểm nào… cũng là điều cần được đánh giá và đưa ra giải pháp phù hợp” – ông Uông Chu Lưu nhấn mạnh. 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm