Nhiều quy định nhưng vẫn thiếu “chuẩn”
Việc ký kết Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) với Liên minh châu Âu (EU) mới đây được xem là cơ hội lớn cho Việt Nam trong việc gia nhập sâu rộng hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, cải cách thể chế và tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế. Song, EVFTA cũng đặt Việt Nam trước những thách thức lớn, trong đó có cải cách và hoàn thiện các chính sách của mình sao cho phù hợp.
Cùng với bảo hộ đầu tư, bảo hộ sở hữu trí tuệ, thì quy tắc xuất xứ hàng hóa (Rules Of Origin) được xem là yếu tố quan trọng nhất của EVFTA, bởi đó chính là điều quyết định “ai thắng, ai thua” trong cuộc cạnh tranh về thế mạnh hàng hóa xuất khẩu.
Không chỉ EVFTA, mà quy tắc xuất xứ hàng hóa cũng là trọng tâm của các FTA thế hệ mới, bởi đây là yếu tố quyết định để xác định chính sách về thuế quan, rằng sản phẩm đó có đủ điều kiện để hưởng các ưu đãi về thuế quan hay không. Ở góc độ khác, việc đảm bảo quy tắc xuất xứ hàng hóa không chỉ có ý nghĩa đem lại sự cạnh tranh công bằng cho các bên khi cùng tham gia sân chơi mậu dịch tự do, mà còn là công cụ hữu hiệu một cách gián tiếp để các quốc gia bảo hộ cho sản phẩm của mình.
Trong khi nhiều nước đã đưa ra quy định cụ thể về ghi nhãn xuất xứ hàng hóa nhằm mục tiêu bảo hộ ngành hàng sản xuất tại nước đó nói chung và bảo hộ thương hiệu của sản phẩm nói riêng thì Việt Nam lại tỏ ra khá chậm chạp. Thực tế, ngay từ khi Việt Nam gia nhập WTO (2007), vấn đề xây dựng và xác lập một bộ quy chuẩn về nhãn mác hàng Việt Nam đã từng được nhắc đến, song, cuối cùng đã bị bỏ lửng và rơi vào quên lãng.
Sau 12 năm tham gia “sân chơi lớn nhất thế giới” (WTO), hệ thống văn bản quy phạm pháp luật Việt Nam chưa có một quy định cụ thể nào để điều chỉnh việc hàng hóa được ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam, trong khi các quy định hiện hành chỉ có phạm vi điều chỉnh chủ yếu là nhãn hàng hóa, chỉ dẫn địa lý và thương hiệu.
Do chưa có quy định về tiêu chí ghi nhãn nước sản xuất hàng hóa, nên khái niệm “hàng hóa Việt Nam” (made in Vietnam) có thể được hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau như hàng hóa có xuất xứ Việt Nam để hưởng ưu đãi thuế quan theo cam kết hội nhập kinh tế quốc tế hoặc, hàng hóa có công đoạn sản xuất tại Việt Nam hoặc hàng hóa có thương hiệu của Việt Nam.
Cách hiểu khác nhau dẫn đến hệ quả là nhiều doanh nghiệp dựa vào quy định để “lách”, thay vì trực tiếp sản xuất thì chỉ nhập phụ kiện để gia công, tối giản chi phí rồi đưa ra thị trường và vẫn được xem là “hàng Việt Nam”. Trường hợp công ty Asanzo vừa qua chỉ là một trong số hàng trăm doanh nghiệp gia công tại Việt Nam hiện nay, đây sẽ là điểm yếu “chết người” của doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia các FTA thế hệ mới khi áp chuẩn quy tắc xuất xứ hàng hóa cũng như trở thành “nạn nhân bất đắc dĩ” trong cuộc thương chiến Mỹ - Trung hiện nay.
Mới đây, đại diện Bộ Công Thương cho hay, cơ quan này vừa xây dựng và trình dự thảo lần 1 về bộ tiêu chí quy định thế nào là “sản xuất tại Việt Nam” để áp dụng cho hàng hoá lưu thông trong thị trường nội địa, đây sẽ là hành lang pháp lý với mục tiêu phòng chống gian lận thương mại về xuất xứ hàng hóa và bảo vệ người tiêu dùng. Theo đó, khi cá nhân, tổ chức thực hiện ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam, hàng hóa bắt buộc phải đáp ứng tiêu chí và phải chứng minh việc đáp ứng tiêu chí đó khi được yêu cầu, như phải chứng minh được việc hàng hóa trải qua công đoạn sản xuất, gia công có phát sinh giá trị tại Việt Nam. Sau hàng chục năm, vấn đề “hàng hóa sản xuất tại Việt Nam” mới được xem xét một cách nghiêm túc. Nhưng dù chậm còn hơn không.
Quy chuẩn các nước: 'chặt' và 'mở'
Nhưng xây dựng một bộ tiêu chí làm quy chuẩn cho hàng Việt Nam sao cho thực sự khoa học và phù hợp dường như lại không dễ dàng.
Từng có quan điểm phổ biến nhất hiện nay là cơ quan chức năng nên xây dựng bộ tiêu chí hàng Việt Nam dựa trên sự phân loại thành từng nhóm. Cụ thể, đó là nhóm hàng “thuần Việt” và “không thuần Việt”. Theo quy định hiện nay, khái niệm cơ bản trong xuất xứ hàng hóa được giải thích “là quốc gia hoặc vùng lãnh thổ nơi sản xuất ra toàn bộ hàng hóa hoặc nơi thực hiện công đoạn chế biến cơ bản cuối cùng đối với hàng hóa trong trường hợp có nhiều nước hoặc vùng lãnh thổ tham gia vào quá trình sản xuất ra hàng hóa đó”.
Do đó, hiểu đơn giản, xuất xứ hàng hóa được xác định theo nguyên tắc phân chia thành xuất xứ thuần túy và xuất xứ không thuần túy. Do đó, cần phải có tiêu chí để xác định hai nhóm này. Hiểu theo cách đơn giản, một chiếc smartphone Samsung có thể được ghi nhãn “made in Vietnam”, nhưng thực tế đó là sản phẩm của Hàn Quốc và nó chỉ mang ý nghĩa là sản phẩm này được sản xuất và lắp ráp tại Việt Nam. Nhưng một sản phẩm “made in Vietnam” do người Việt nghiên cứu phát triển ra, hay nói cách khác là mang xuất xứ thuần túy tại Việt Nam (như vải thiều Lục Ngạn, xoài Sơn La) thì chắc chắn sản phẩm này là của Việt Nam, cần một tiêu chí xác định khác.
Hiện nay, sự nhập nhằng về khái niệm trong quy định “made in Vietnam” đang gây nên sự hiểu nhầm (dù cố tình hay vô ý), do đó hàng hóa được gắn dòng chữ “made in Vietnam” thì chưa chắc nguyên liệu làm nên hàng hóa đó có xuất xứ 100% từ Việt Nam. Đơn cử như các doanh nghiệp như may mặc, mặc dù hiện nay có khoảng 50% nguyên liệu vải sợi được nhập từ Trung Quốc nhưng sản phẩm được hoàn thiện tại Việt Nam nên hoàn toàn vẫn đáp ứng tiêu chí “made in Vietnam” (theo quy định hiện hành), song nguy cơ không nhận được ưu đãi thuế khi xuất khẩu sang EU hoặc bị trừng phạt khi vào thị trường Mỹ là rất cao bởi không đáp ứng được tiêu chí về nguồn gốc xuất xứ sản phẩm.
Tiêu chí hàng hóa Việt Nam nên được xây dựng theo hướng áp dụng phổ quát cho tất cả hay chỉ hướng đến những lĩnh vực cụ thể, những sản phẩm là thế mạnh, “mũi nhọn” xuất khẩu của Việt Nam cũng là vấn đề cần được tính đến.
Thực tế, hiện nay nhiều quốc gia khi đưa ra quy định cụ thể về ghi nhãn xuất xứ hàng hóa đều hướng đến mục tiêu bảo hộ ngành hàng sản xuất và thương hiệu của sản phẩm cụ thể. Tiêu chí và điều kiện ghi nhãn xuất xứ có thể được quy định chung như “made in…, produced in…” hoặc chi tiết đến từng công đoạn sản xuất, gia công hoặc chứa giá trị gia tăng cụ thể như “designed by/in…, assembled in…, processed in…, packaged in…, imported by/for”.
Tại Mỹ, tiêu chuẩn được coi là “made in USA” của Mỹ quy định một hàng hoá phải có toàn bộ hay hầu hết các thành phần chính được làm ở Mỹ và khâu hoàn thiện cuối trong biên giới nước này. Tiêu chuẩn “made in USA” rất chặt chẽ thì vẫn có 4 sản phẩm ngoại lệ không được quy định là vải dệt, len, da và ô tô.
Hiện nay, ở Mỹ không có bất kì chiếc ô tô nào đề nhãn “made in USA”. Thay vào đó, theo một đạo luật gọi là “American Automobile Labeling Act” được ban hành vào năm 1994, các xe ô tô sản xuất tại Mỹ thì đều phải dán nhãn với nội dung liệt kê tỷ lệ linh kiện làm tại Mỹ/Canada và nơi sản xuất hộp số, và linh kiện nào có từ 70% chi tiết làm tại Mỹ/Canada thì được coi là có nguồn gốc ở đây.
Sở dĩ có ngoại lệ đối với ngành sản xuất ô tô của Mỹ là do trong khoảng 2 thập niên trước các hãng xe từ châu Âu và Nhật ồ ạt đổ sang thị trường Mỹ làm nhà máy, còn chính bản thân những xe Mỹ như GM hay Ford lại… đầu tư sang các nước khác (Thái Lan, Trung Quốc vì có giá nhân công rẻ). Đã từng xảy ra chuyện ngành ô tô Mỹ tranh cãi kịch liệt khi không biết xe ô tô của hãng Ford với tỷ lệ khoảng 40% sản xuất ở Mỹ có được coi là Mỹ hơn một chiếc Honda (của Nhật) có tỷ lệ sản xuất tại Mỹ khoảng 60%. Năm 2019, sản phẩm Jeep Cherokee được xem là xe ô tô “đậm chất Mỹ”, thì cũng chỉ có tỷ lệ 72% linh kiện lắp ráp là của Mỹ (đứng thứ hai và thứ ba là Honda Odyssey và Honda Ridgeline của Nhật).
Hay như tại Úc, nơi được cho là có quy định về tiêu chí xuất xứ hàng hóa nói chung và hàng hóa Úc nói riêng rất chặt chẽ, thì nước này cũng chỉ nhắm đến những sản phẩm cụ thể là thế mạnh của mình. Ngược lại, “made Australia” không được áp dụng tràn lan.
Thực tế, ở Úc cũng có một logo tương tự là “Australian made”, xuất phát từ một phong trào kêu gọi mua hàng hóa Úc dưới thời thủ tướng Bob Hawke (1983 - 1991). Nhưng sau 10 năm tồn tại, logo này được chính phủ Úc chuyển giao cho một tổ chức tư nhân phi lợi nhuận (AMCL) quản lý. Sau khi mua lại, AMCL đưa ra các tiêu chí để được sử dụng logo “Australian made” của họ rồi thông báo cho bất kỳ cá nhân hay công ty nào thỏa mãn được các điều kiện thì chủ động tìm đến đăng ký sử dụng (tất nhiên phải trả phí dựa vào doanh số). AMCL đăng ký sở hữu thương hiệu (trademark) cho logo này và cấp phép lại cho những sản phẩm mà họ thấy đủ điều kiện. AMCL hoạt động như một doanh nghiệp cho thuê thương hiệu (brand).
Trong bối cảnh thương chiến Mỹ - Trung đang mở rộng và phức tạp, các quốc gia lớn hiện nay đang chú ý rất cao vào việc lẩn tránh xuất xứ đầu ra của sản phẩm xuất khẩu. Một thực tế không thể phủ nhận là trong suốt hàng chục năm qua, các ngành sản xuất, chế xuất của Việt Nam phần lớn đều dựa vào đầu tư của các doanh nghiệp FDI như sản xuất điện tử, may mặc, giày dép, thép... Nhưng đây cũng là những loại hàng hóa hiện nay rất nhạy cảm với các thị trường nhập khẩu lớn như Mỹ, EU.
Do đó, việc xây dựng một bộ tiêu chí để định danh đúng “hàng Việt Nam” sẽ càng khó khăn hơn khi đi giữa hai lằn ranh vừa phải đảm bảo tỉ lệ hàng nội địa (thuần Việt) để bảo hộ nhưng cũng vừa phải đảm bảo sao cho không tạo hiệu ứng ngược khiến các doanh nghiệp nội địa - vốn dĩ đã èo uột và đang phải dựa vào các doanh nghiệp FDI để sản xuất và xuất khẩu - sẽ ngày càng teo tóp. Bởi, để phát triển, sẽ không có bất cứ quốc gia nào có thể đứng ngoài chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị toàn cầu.