pnvnonline@phunuvietnam.vn
Xây dựng giá trị gia đình: Khi cha mẹ cũng cần phải học
Ảnh minh họa
Thay đổi quan niệm "giáo dục" thành "tự giáo dục"
Bên cạnh những bài tham luận mang tính nghiên cứu, học thuật, Hội thảo Quốc gia "Đưa Nghị quyết XIII vào cuộc sống: Vun đắp giá trị gia đình Việt Nam: Nhận diện và giải pháp" do Hội LHPNVN phối hợp với Viện Hàn lâm KHXHVN, Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới phối hợp tổ chức sáng 28/6 còn nhận được nhiều ý kiến thảo luận sôi nổi từ các khách mời.
Là người có nhiều năm gắn với công tác gia đình, trẻ em, TS Nguyễn Thị Mai Hoa - Ủy viên Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội - nhìn nhận, cần có thêm nhiều phân tích khảo sát để thấy rằng giá trị gia đình đang có nhiều thay đổi theo thời gian, thế hệ và ngay trong nội tại các thành viên gia đình. Cách tiếp cận với các thành viên có sự đồng thuận ở mức độ khác nhau về giá trị gia đình. Cùng với đó, nhiều giá trị mới về gia đình được hình thành trước tác động của bối cảnh khách quan.
Bà Mai Hoa đơn cử về quan niêm "hy sinh" của người vợ, người mẹ trong gia đình. "Phụ nữ hiện đại rõ ràng là đức hy sinh khác nhiều so với ngày xưa rồi. Vậy sự hy sinh trong thời đại này là như thế nào. Nếu trước đây người phụ nữ được tôn vinh, ảnh hưởng con cái lớn thì bây giờ chưa hẳn. Mong muốn của tôi là có các nghiên cứu sâu hơn về những vấn đề như vậy", TS Mai Hoa nói.
Theo bà Mai Hoa, dù ở bối cảnh nào thì người phụ nữ trong gia đình vẫn có vai trò quan trọng không dễ ai thay thế. Hội LHPNVN với vai trò, chức năng của mình theo đó cần nghiên cứu sâu để thấy vai trò của phụ nữ trong việc tác động để các thành viên cùng tham gia vào việc giáo dục con cái trong gia đình. "Nói cách khác, thay vì "gánh" hết trên vai như trước đây, người vợ, người mẹ trong gia đình hãy biến giáo dục thành "tự giáo dục" để vừa giải phóng phụ nữ, vừa vươn tầm giáo dục phù hợp với thời đại mới", TS Mai Hoa đánh giá.
Cũng theo bà Mai Hoa, phụ nữ tham gia vào kinh tế gia đình hiện nay bên cạnh việc có thu nhập vẫn đối mặt với việc đi làm xa và rời xa gia đình. Vấn đề này cần được giải quyết căn cơ, mà theo bà là "Hội LHPNVN cần thể hiện vai trò của mình, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia để làm sao gia đình ly nông nhưng không ly hôn, việc tìm kiếm việc làm ngoài địa phương với phụ nữ làm sao hạn chế hơn để phụ nữ gần hơn với gia đình, thể hiện vai trò của mình tốt hơn".
Một đề xuất nữa, theo bà Mai Hoa là hiện nay vẫn thấy sự lúng túng của cha mẹ trong giáo dục con cái. "Hội LHPNVN cần tiếp cận việc cung cấp cách thức, phương pháp cho bố mẹ có cách giáo dục con cái đúng hướng hơn, phù hợp với tình hình mới. Còn nếu theo kiểu truyền thống thì con cái khó tiếp nhận, từ đó mâu thuẫn xung đột càng nhiều hơn", bà Mai Hoa nhìn nhận.
Dạy trẻ bằng kỷ luật tích cực
Ở góc độ giáo dục con cái, bà Nguyễn Thị Thanh Hòa, nguyên Chủ tịch Hội LHPNVN, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, gợi mở về phương pháp dạy trẻ bằng Kỷ luật tích cực cho cha mẹ. Bởi theo bà Thanh Hòa, bản thân cha mẹ cần hiểu được trẻ em có bao nhiều quyền, hay trẻ cần có sự phát triển lành mạnh như thế nào, hiểu được những vấn đề này thì cha mẹ mới nuôi dạy con hiệu quả.
"Chúng ta cần trang bị cho các bậc cha mẹ, đặc biệt là các người mẹ, về cách làm cha mẹ, cách giáo dục con. Có phương pháp thay thế không cần phải đánh đập quát mắng con, đó chính là kỷ luật tích cực mà theo tôi, đây là nền tảng là xác định mục tiêu lâu dài trong nuôi dạy con. Đơn cử, muốn con trở thành người nhân ái nhưng bố mẹ quát mắng con suốt ngày thì không dễ để con trở thành người nhân ái như mong muốn được", bà Thanh Hòa nêu quan điểm.
Nói về phương pháp kỷ luật trẻ tích cực, bà Nguyễn Thị Thanh Hòa cho rằng, cha mẹ cần hiểu được trẻ suy nghĩ và có cảm xúc như thế nào, từ đó mới giải quyết được vấn đề "Nói không với bạo lực" cả về thể chất lẫn tinh thần.
"Là hướng dẫn viên, chúng tôi đã thử nghiệm nhiều lớp học và thấy hiệu quả nhất định. Chúng ta nói nhiều giá trị gia đình nhưng làm thế nào, cụ thể hóa bằng hành động là điều không đơn giản. Tôi đề xuất Hội LHPNVN hãy thí điểm mở lớp hướng dẫn cha mẹ kỷ luật tích cực, thử nghiệm một vài lớp cho cha mẹ theo phương pháp này, chắc chắn phần nào sẽ thấy sự khác biệt so với các phương pháp giáo dục khác", bà Thanh Hòa đề xuất.
Hai vấn đề gợi mở
Phát biểu bế mạc Hội thảo, TS Đặng Xuân Thanh - Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam - đánh giá cao về những ý kiến, thảo luận được đưa ra. Theo ông, điều mà các diễn giả, chuyên gia cùng đồng tình, đó là gia đình Việt Nam đang bảo lưu tốt trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc nhưng đồng thời cũng đang biến đổi mạnh mẽ, ngày càng đa dạng, phân hóa. Vấn đề đặt ra ở đây là làm sao xây dựng gia đình với chức năng là thiết chế, nền tảng, là tế bào của xã hội.
TS Đặng Xuân Thanh khẳng định, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã định hướng xây dựng "gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh" nhằm giữ gìn các giá trị truyền thống tốt đẹp gia đình Việt Nam, đồng thời đặt ra yêu cầu xây dựng và phát huy vai trò của gia đình trong xây dựng và phát triển bền vững đất nước.
"Hội thảo hôm nay đã thể hiện đầy đủ tinh thần chỉ đạo của văn kiện, thảo luận sâu sắc nhiệm vụ cần thiết để triển khai tinh thần, nội dung Nghị quyết của Đảng cũng như Chỉ thị của Ban Bí thư về vun đắp giá trị gia đình Việt Nam", ông Thanh khẳng định.
Từ các ý kiến khác nhau, Hội thảo đặt ra một số vấn đề cần tiếp tục trao đổi sau đây:
Thứ nhất, về mặt lý luận cần tiếp tục có những nghiên cứu làm rõ hơn những giá trị gia đình của lõi, nền tảng của từng nhóm xã hội cụ thể. Phổ biến kết quả nghiên cứu về các giá trị gia đình và người dân Việt Nam hiện nay đang ủng hộ từ các nhà lập pháp, hoạch định chính sách, quản lý nhà nước về gia đình để nắm rõ các giá trị gia đình hiện nay, đặc biệt là điểm khác biệt xã hội về giá trị gia đình.
Đẩy mạnh các nghiên cứu nhằm đưa ra các khuyến nghị đảm bảo sự gắn kết xã hội, vai trò chăm sóc gia đình, các chính sách với gia đình hướng đến mục tiêu không ai bị để lại phía sau.
Thứ hai, Hội LHPNVN tiếp tục xem xét, nghiên cứu thực hiện các phong trào, cuộc vận động, tiêu biểu là Cuộc vận động "xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch" theo hướng vừa tiếp tục các tiêu chí hiện nay vừa thí điểm bổ sung những tiêu chí mới gắn với những giá trị gia đình đang chuyển đổi mà Hội thảo đã thảo luận.
Bên cạnh đó, triển khai các nhiệm vụ liên quan đến việc thực hiện vun đắp giá trị gia đình Việt Nam, bảo vệ các giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam, giúp các gia đình có khả năng chống chịu trước những thách thức của môi trường khách quan. Tất cả vì mục tiêu hướng đến gia đình văn hóa, là nơi an toàn cho mỗi cá nhân, vợ chồng cùng bình đẳng, cùng nhau xây dựng gia đình thịnh vượng, góp phần phát triển xã hội bền vững, hạnh phúc.