Xây dựng hệ sinh thái từ sâm Bố chính

Mong muốn gây dựng, phục hồi vùng dược liệu quê hương, lan tỏa giá trị sản phẩm từ dược liệu gắn với phát triển du lịch cộng đồng, trong đó nổi bật là sâm Bố chính, chị Nguyễn Thị Bình (Giám đốc HTX Nông nghiệp và Dược liệu Thiên Phúc, xã Minh Lập, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên, đã quyết từ bỏ công việc ổn định để khởi nghiệp.

Chia sẻ về cơ duyên gắn bó cùng cây sâm Bố chính cũng như xây dựng vùng dược liệu nơi "đất khách", câu chuyện của chị Nguyễn Thị Bình đưa chúng tôi về với những ngày đầu khởi nghiệp, vất vả cũng nhiều, nhưng luôn đầy ắp niềm vui và hy vọng.

Xây dựng hệ sinh thái từ sâm Bố chính - Ảnh 1.

Chị Nguyễn Thị Bình, Giám đốc HTX Nông nghiệp và Dược liệu Thiên Phúc

Quê ở Nghệ An, lấy chồng về xóm Minh Tiến, xã Minh Lập, giữ vai trò quản lý trong một tập đoàn có tiếng tại tỉnh Thái Nguyên, cuộc sống của chị Bình là mơ ước của bao người phụ nữ khác. Khi bản thân gặp vấn đề về sức khỏe, với căn bệnh viêm đa khớp, tay chân thường xuyên đau nhức, còn mẹ chồng chị bị huyết áp cao lâu ngày gây ho kéo dài không khỏi, chị Bình đã ấp ủ tìm kiếm những sản phẩm dược liệu giúp chăm sóc sức khỏe. Đó cũng là khi chị tình cờ biết và sử dụng sản phẩm từ sâm Bố chính. Từ kiểm chứng của bản thân và những người trong gia đình, chị Bình quyết định nghỉ việc để dành trọn tình yêu cho cây sâm Bố chính tại Thái Nguyên.

Chị Nguyễn Thị Bình chia sẻ về ý tưởng khởi nghiệp với cây sâm Bố chính

Năm 2022, chị Nguyễn Thị Bình đã mạnh dạn liên kết với các hộ dân, những người cùng chí hướng để thành lập HTX Nông nghiệp và Dược liệu Thiên Phúc, tập trung vào nghiên cứu, kết hợp với một số thầy thuốc tại địa phương phục hồi và bảo tồn những loài cây dược liệu. Vùng chuyên canh của HTX Thiên Phúc rộng khoảng 35ha trồng chủ yếu sâm Bố chính, cát sâm, ba kích cùng một số loại dược liệu khác của địa phương. Trong đó, HTX xác định sản phẩm chế biến từ sâm Bố chính là mặt hàng chủ lực.

Xây dựng hệ sinh thái từ sâm Bố chính - Ảnh 2.
Xây dựng hệ sinh thái từ sâm Bố chính - Ảnh 3.

Sâm Bố chính là một trong những sản vật quý được người xưa trồng để tiến vua

Giới thiệu về sâm Bố chính, chị Bình không giấu được niềm tự hào: Sâm Bố chính được biết đến đầu tiên tại Quảng Bình cách đây khoảng 300 năm, được đánh giá là vị thuốc quý trong dân gian với sự phong phú về hàm lượng dinh dưỡng và hoạt chất đặc biệt, một trong những sản vật quý được người xưa trồng để tiến vua. Sâm Bố chính trồng từ 4 đến 6 tháng sẽ ra hoa, khoảng hơn một năm rưỡi có thể thu hoạch củ. Trong rễ sâm Bố chính chứa rất nhiều dưỡng chất như phytosterol, coumarin, acid béo, acid hữu cơ, acid amin… 

Loại sâm này cũng có mặt trong hơn 20 bài thuốc dân gian và có thể dùng làm nguyên liệu để sản xuất nước giải khát, ngâm rượu, mỹ phẩm.

Xây dựng hệ sinh thái từ sâm Bố chính - Ảnh 4.

Các sản phẩm chính của HTX

Từng bước chinh phục khó khăn

Khởi nghiệp cùng sâm Bố chính, thuận lợi chị Bình nhận được là điều kiện về thổ nhưỡng, khí hậu tại địa phương, rất phù hợp để phát triển cây dược liệu. Các thành viên trong HTX đều áp dụng phương pháp hữu cơ để trồng và chăm sóc cây để giảm chi phí chăm bón và công lao động nhờ không xuất hiện các loại sâu bệnh gây hại. 

Tuy nhiên, giống như nhiều phụ nữ khởi nghiệp khác, vấn đề đau đầu chị Bình gặp phải là thiếu hụt nguồn vốn để phát triển HTX. Bên cạnh đó, việc tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm gặp không ít khó khăn vì đây đều là những sản phẩm mới có mặt trên thị trường. Để tiếp cận được khách hàng cần thời gian dài thuyết phục, kiểm chứng. 

Sau 2 năm miệt mài nghiên cứu và tìm thị trường, đi khắp các tỉnh, thành phố tham gia hội chợ, hội nghị xúc tiến thương mại, sản phẩm của HTX đã bắt đầu được nhiều khách hàng tin dùng và lựa chọn làm quà biếu, tặng.

Đặc biệt, do ảnh hưởng chung của kinh tế toàn cầu, sức tiêu thụ của sản phẩm cũng bị hạn chế. Nhìn nhận được những trở ngại đó, chị Bình chia sẻ, chị đã không ngại khi tìm đến các cơ quan chuyên môn, chuyên gia đầu ngành về dược liệu, ẩm thực để học hỏi, tham khảo kinh nghiệm. Từ đó, nghiên cứu sáng tạo ra các dòng sản phẩm đặc trưng mang dấu ấn riêng.

Hiện nay, HTX chế biến chuyên sâu các sản phẩm từ sâm Bố chính như bột sâm, cao sâm, trà sâm cùng nhiều loại thực phẩm, thức uống cao cấp được kết hợp sâm Bố chính như: Các món tráng miệng từ sâm, cốt lẩu sâm, gà H'Mông hầm sâm…

Xây dựng hệ sinh thái từ sâm Bố chính - Ảnh 5.

Chị Nguyễn Thị Bình đón tiếp Đoàn công tác TƯ Hội LHPN Việt Nam và Hội LHPN tỉnh Thái Nguyên tham quan mô hình

Xây dựng hệ sinh thái bảo tồn, phát triển nguồn dược liệu địa phương

Luôn tâm niệm và mong muốn thành lập HTX về dược liệu để kết nối, tạo đầu ra ổn định cho gia đình và quê hương, chị Nguyễn Thị Bình quyết định xây dựng hệ sinh thái tuần hoàn khép kín để gia tăng giá trị cho dược liệu. 

Chị Bình giải thích: "Vòng tròn sản xuất nông nghiệp của HTX bắt đầu từ các loại cây dược liệu, rồi chúng tôi nuôi gà, cho gà ăn phế phụ phẩm từ cây dược liệu; phân gà thải ra lại được ủ men vi sinh để làm phân hữu cơ chăm bón cho dược liệu. Sau đó, gà và dược liệu sẽ trở thành nguyên liệu chính để chế biến nhiều món ăn như nước cốt lẩu, gà hầm sâm, cháo sâm… Nhờ quy trình khép kín, HTX chủ động được nguồn nguyên liệu đầu vào nên không có chất nguy hại, người tiêu dùng có thể an tâm".

Xây dựng hệ sinh thái từ sâm Bố chính - Ảnh 6.

Các sản phẩm của HTX

Không chỉ trồng và cung cấp sản phẩm dược liệu ra thị trường, chị Nguyễn Thị Bình đang triển khai xây dựng cơ sở tại nhà thành một điểm đón du khách đến tham quan, trải nghiệm, thưởng thức các món ngon chế biến từ dược liệu. 

"Chúng tôi hy vọng đây sẽ là một điểm dừng chân của du khách để chụp ảnh, trải nghiệm thu hoạch và sơ chế sâm, thưởng thức ẩm thực độc đáo chế biến từ sâm và mua sắm một số sản phẩm dược liệu về làm quà cho bạn bè và người thân. Từ đó góp phần cùng các điểm đến du lịch tại địa phương tạo thành chuỗi du lịch sinh thái cộng đồng mang lại những trải nghiệm ấn tượng cho du khách trong hành trình khám phá du lịch Thái Nguyên …", chị Bình chia sẻ.

Xây dựng hệ sinh thái từ sâm Bố chính - Ảnh 7.

Với những nỗ lực trên hành trình khởi nghiệp, Dự án "Ứng dụng khoa học phát triển chuỗi liên kết nông nghiệp dược liệu tuần hoàn theo hướng hữu cơ tạo năng lượng xanh" của chị Nguyễn Thị Bình đã đoạt giải 3 toàn quốc và giải nhì khu vực phía Bắc tại Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp với chủ đề "Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh" năm 2024 do Hội LHPN Việt Nam tổ chức.

Thông tin liên hệ: HTX Nông nghiệp và Dược liệu Thiên Phúc

Địa chỉ: Xóm Minh Tiến, xã Minh Lập, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên

Fanpage: https://www.facebook.com/htxduoclieuthienphuc/

Lê Hoa
06/05/2025 16:00