pnvnonline@phunuvietnam.vn
Xây dựng Luật Nhà giáo - Bài 2: Băn khoăn về đề xuất nhà giáo phải có chứng chỉ hành nghề
Ảnh minh họa: Trung Anh
Theo Dự thảo Luật Nhà giáo, chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo là văn bản xác nhận tư cách nhà giáo do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp cho người đạt tiêu chuẩn chức danh nhà giáo theo quy định.
Trước đây, theo quy định, giáo viên ở mỗi hạng phải có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp theo hạng. Mỗi giáo viên có thể phải có 3 chứng chỉ chức danh nghề nghiệp nếu có nhu cầu thăng hạng chức danh nghề nghiệp.
Từ ngày 30/5/2023, khi Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT chính thức có hiệu lực, giáo viên vẫn phải có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp, tuy nhiên mỗi cấp học chỉ còn quy định 1 chứng chỉ duy nhất là chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên của cấp học đó.
Ví dụ, giáo viên mầm non thì chỉ cần 1 chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non. Đây là giấy tờ không bắt buộc mọi giáo viên phải có, mà chỉ phục vụ cho trường hợp giáo viên cần thăng hạng chức danh nghề nghiệp. Những giáo viên không có chứng chỉ này vẫn được đi dạy bình thường.
Trong khi đó, chứng chỉ hành nghề được quy định trong Dự thảo Luật Nhà giáo là chứng chỉ bắt buộc để giáo viên được đứng trên bục giảng.
Chị Nguyễn Thu Thảo, giáo viên Trường THCS An Ấp (huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình), cho rằng, chứng chỉ hành nghề có thể thay thế cho quyết định công nhận hoàn thành chế độ tập sự và chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp nhà giáo hiện nay. Tuy nhiên, trường hợp giáo viên sắp về hưu hoặc giáo viên đã lớn tuổi, không có chứng chỉ hành nghề mà phải thi để có chứng chỉ hành nghề thì không hợp lý.
Bên cạnh đó, chị Thảo cũng đặt câu hỏi về việc giáo viên đã tốt nghiệp Sư phạm, đã được học và có chứng chỉ sư phạm, quá trình tuyển dụng để được nhận vào công tác tại đơn vị, bằng cấp, chứng chỉ cũng đã được thẩm định thì việc có thêm chứng chỉ hành nghề có dẫn đến tình trạng chồng chéo các loại giấy tờ.
"Việc cấp chứng chỉ hành nghề theo tôi chỉ dành để bồi dưỡng cho những sinh viên hay người tốt nghiệp ở các ngành khoa học cơ bản khi có nhu cầu tham gia công tác giảng dạy", cô Thảo bày tỏ.
Để chứng chỉ không trở thành "giấy phép con"
Tiến sĩ Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ GD&ĐT, cho rằng: "Chứng chỉ hành nghề nhằm nâng tầm vị thế, vai trò của nhà giáo khi nhà giáo được phân biệt với nghề khác, đặc biệt phân biệt giữa người đủ tư cách dạy học với người không đủ tư cách dạy học nhưng tự nhận là "nhà giáo" và hiện tượng này đang rất phổ biến, nhất là trên mạng xã hội".
Theo Tiến sĩ Vũ Minh Đức, chứng chỉ hành nghề tạo thuận lợi cho nhà giáo nếu có những thay đổi nơi hoạt động nghề nghiệp. Chứng chỉ hành nghề có giá trị sử dụng toàn quốc nên dù nhà giáo dạy học ở đâu cũng không phải thực hiện lại chế độ tập sự; giảm được thủ tục cho nhà giáo khi thuyên chuyển và ký hợp đồng làm việc không thời hạn, hợp đồng có thời hạn, thỉnh giảng hoặc dạy liên trường; khi nhà giáo thuyên chuyển từ cơ sở giáo dục công lập sang cơ sở giáo dục ngoài công lập hoặc ngược lại; khi nhà giáo đã nghỉ hưu nhưng vẫn tham gia giảng dạy theo nhu cầu của cơ sở giáo dục.
Liên quan đến băn khoăn liệu thầy, cô giáo đang làm việc có phải tham gia khảo sát để được cấp chứng chỉ hành nghề hay không, ông Vũ Minh Đức thông tin: "Để không gây xáo trộn khi áp dụng quy định về chứng chỉ hành nghề, Dự thảo Luật Nhà giáo đã tính toán phương án chuyển tiếp thuận lợi cho 1,6 triệu nhà giáo được tuyển dụng vào ngành trước khi Luật có hiệu lực.
Theo đó, những nhà giáo này sẽ được cấp chứng chỉ hành nghề mà không cần sát hạch. Những nhà giáo đã nghỉ hưu nếu có nguyện vọng cũng được cấp chứng chỉ hành nghề để ghi nhận sự cống hiến cho sự nghiệp giáo dục hoặc sử dụng để tiếp tục hoạt động nghề nghiệp".
TS. Lê Đông Phương, cán bộ Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, cho rằng, những nghề khi làm việc ảnh hưởng đến cuộc sống, sức khỏe của con người đều cần có cấp phép hành nghề, điển hình như: ngành Kiến trúc, ngành Y tế...
"Trong khi đó, giáo viên là một nghề có ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách của con người trong tương lai nên rất cần cấp giấy phép. Đối tượng đầu vào của nghề giáo hiện nay đa dạng, ngay cả trường sư phạm cũng cần tìm hiểu thêm mô hình giáo dục. Do đó, việc cấp phép sẽ đảm bảo rằng, những người đứng lớp đáp ứng được các yêu cầu của nghề giáo", ông Phương nói.
Còn theo GS.TS Đinh Quang Báo, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, nếu cấp chứng chỉ hành nghề, trước tiên, Bộ GD&ĐT cần khảo sát, xem lại chương trình đào tạo của các trường sư phạm đã đảm bảo đủ điều kiện để người học ra hành nghề hay chưa.
Trong trường hợp chương trình đào tạo chưa đảm bảo để sinh viên ra trường có thể dạy học ngay thì cần xem xét việc cấp chứng chỉ bổ sung. Lâu nay, việc cấp chứng chỉ vốn chỉ dành cho những người học trái ngành muốn ra làm giáo viên. Nếu áp dụng đồng loạt trên toàn quốc thì cần xem xét lại một số nội dung, bao gồm chất lượng các trường sư phạm và chương trình thực tập hiện nay.
"Khi tốt nghiệp, sinh viên vẫn phải trải qua 1 năm tập sự. Nếu cấp chứng chỉ hành nghề thì có cần áp dụng thời gian tập sự này hay không? Về đối tượng được cấp chứng chỉ, với những người đã về hưu, thậm chí có nhiều năm công tác trong ngành, việc cấp chứng chỉ có thực sự cần thiết hay không? Nếu có cơ quan cấp chứng chỉ, cũng cần quy định rõ cơ quan nào thu hồi chứng chỉ? Việc thanh tra, kiểm tra được thực hiện như thế nào", GS.TS Đinh Quang Báo đặt câu hỏi.
Ngoài ra, ông Báo cũng cho rằng, việc cấp chứng chỉ cần nghiên cứu kỹ để không trở thành "giấy phép con" gây áp lực cho nhà giáo.
Bài sau: Cần trao thêm quyền cho ngành giáo dục