pnvnonline@phunuvietnam.vn
Xây nhà cho hộ nghèo nơi biên giới Nghệ An: Đòn bẩy để thoát nghèo
Bộ Công an và Công an tỉnh Nghệ An đã xây dựng được 2.820 căn nhà tặng hộ nghèo, hộ khó khăn tại nhiều huyện miền núi tỉnh Nghệ An
Giấc mơ có thật
Xã Tiền Phong, huyện Quế Phong (tỉnh Nghệ An), nơi phần lớn là người Thái và người Khơ Mú sinh sống, còn rất khó khăn khi tỷ lệ hộ nghèo chiếm đến 40%. Gia đình chị Lương Thị Phiêng (49 tuổi, trú bản Phương Tiến 2) là một trong những số đó.
Hôn nhân trắc trở, chị Phiêng phải đưa con gái 11 tuổi về nhà bố mẹ nương náu. Bố mẹ qua đời, để lại cho chị căn nhà cũ nát và người chị gái hơn 60 tuổi bị ung thư giai đoạn cuối. Đất đai sản xuất ít, 3 miệng ăn chỉ trông chờ vào 2 đám ruộng lúa nước và khoản trợ cấp mẹ đơn thân nuôi con của chị Phiêng.
Nhìn căn nhà ván thưng mủn dần, đôi chỗ hở hoác có thể luồn cả bàn tay vào, chị không khỏi ngậm ngùi. Chị không lo cho thân mình, nhưng thương đứa con gái đang tuổi lớn và người chị đang chống chọi với bệnh tật co ro trong gió lùa mùa đông.
Người mẹ nghèo đơn thân không thể quên ngày hôm ấy, cán bộ xã, cán bộ bản, mấy anh công an, bộ đội biên phòng, đoàn thanh niên đến, giúp tháo dỡ căn nhà cũ, đào đất, đổ móng mới. Hai ngày sau, lại có một đoàn nữa đến dựng cột thép, lợp mái nhà. Chỉ 4 ngày, căn nhà lắp ghép kín đáo, vững vàng đã hoàn thành.
Ngày 10/4, cả bản xúm lại, kê giường, kê bàn ghế giúp mẹ con chị và người chị gái chuyển vào nhà mới ở. "Đã mấy tháng trôi qua rồi mà tôi vẫn chưa dám tin mình có nhà mới để ở. Nửa đời người rồi, tôi mới có căn nhà lành lặn, kín trên, vững dưới như thế này. Mùa đông này tôi sẽ không còn lo lạnh nữa, giấc mơ của tôi đã thành hiện thực", chị Phiêng xúc động.
Không chỉ có chị Phiêng, huyện Quế Phong đã được hỗ trợ xây dựng 398 căn nhà lắp ghép, trong đó có 198 nhà từ nguồn Bộ Công an và 200 căn nhà từ Công an tỉnh Nghệ An. Riêng xã biên giới Tri Lễ được hỗ trợ xây mới 109 căn.
Ông Dương Hoàng Vũ - Chủ tịch UBND huyện Quế Phong cho biết: "Chúng tôi huy động tổng lực hệ thống chính trị, đoàn thể xã hội tham gia tháo dỡ nhà cũ, vận chuyển nguyên vật liệu, san nền, làm móng cho các hộ dân được thụ hưởng. Bên cạnh đó, huyện cũng đề nghị các địa phương hỗ trợ lẫn nhau về nhân lực, hoàn thành sớm nhất nền nhà, đảm bảo về chất lượng và kỹ thuật.
Đối với các điểm khó, các bản làng vùng sâu, vùng xa, đi lại khó khăn, huyện phân công cho các đơn vị vũ trang như công an, quân sự, biên phòng đảm trách. Riêng xã biên giới Tri Lễ, chỉ trong vòng 17 ngày đêm đã làm xong 109 móng nhà bằng bê tông. Có những điểm anh em phải gùi từng bao cát, viên gạch, thắp đèn làm đêm để hoàn thành móng cho đơn vị thi công triển khai lắp ghép", ông Vũ cho biết.
Tại huyện nghèo Kỳ Sơn, có 1.087 hộ nghèo, hộ khó khăn về nhà ở được thụ hưởng chương trình hỗ trợ nhà ở của Bộ Công an và Công an tỉnh Nghệ An. Cụ thể, Bộ Công an hỗ trợ 587 căn nhà tại 11 xã biên giới, Công an tỉnh hỗ trợ 500 căn nhà tại 9 xã nội địa. Là địa phương có số nhà hỗ trợ nhiều nhất tỉnh, cũng là địa phương có diện tích rộng, địa hình, giao thông khó khăn bậc nhất Nghệ An nhưng chỉ ít tháng triển khai, hàng nghìn ngôi nhà cho hộ nghèo tại Kỳ Sơn đã hoàn thành và bàn giao cho người dân.
Tại huyện Tương Dương, 230 căn nhà cho các hộ nghèo, gia đình khó khăn về nhà ở, đồng bào dân tộc thiểu số cũng đã được xây dựng. Riêng Nhôm Mai - xã nghèo và xa nhất huyện này được thụ hưởng 131 căn nhà lắp ghép đáp ứng 3 tiêu chí nền cứng, khung - vách cứng và mái cứng, thay thế cho những căn nhà tạm bợ, xuống cấp của người dân tại 11 bản. Trong đó, 2 bản tách biệt trong khu vực lòng hồ thủy điện Bản Vẽ là Piêng Luống và Phia Òi được hỗ trợ 46 căn nhà.
"Nếu như những bản khác chỉ mất 1-2 ngày để vận chuyển vật liệu xây dựng thì Phiêng Luống, Phia Òi phải mất 4-5 ngày. Để vào được tới nơi, chúng tôi phải chở xe máy từ điểm tập kết đến bờ lòng hồ rồi thay nhau vác xi măng, thép, cát xuống thuyền.
Thuyền vượt lòng hồ, đưa sang bờ bên kia lại tiếp tục "tăng bo" lên các bản. Chúng tôi huy động cán bộ xã, công an, biên phòng, quân sự... tham gia vận chuyển vật liệu đến hai bản lòng hồ, hoàn thành trước mùa cạn bởi khi nước rút, thuyền không di chuyển được", ông Lữ Ngọc Tinh - Chủ tịch UBND xã Nhôn Mai cho biết.
An cư, phát triển kinh tế
Hưởng ứng Chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh Nghệ An của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, sau gần 4 tháng triển khai xây dựng, đến đầu tháng 8/2023, tỉnh đã hoàn thành xây dựng 2.820 nhà ở hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ có khó khăn tại các huyện biên giới.
Trong đó 1.420 nhà từ nguồn Bộ Công an vận động, ủng hộ được phân bổ tại 27 xã biên giới thuộc các huyện: Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong, Con Cuông, Anh Sơn, Thanh Chương; 1.000 nhà từ nguồn Công an tỉnh Nghệ An vận động, ủng hộ và 400 nhà từ nguồn hỗ trợ của Cục Cảnh sát kinh tế (C03 - Bộ Công an).
Tổng kinh phí vận động hỗ trợ là 141 tỷ đồng, trong đó nguồn kinh phí Bộ Công an vận động được 71 tỷ đồng, C03 vận động được 20 tỷ đồng và Công an tỉnh Nghệ An vận động được 50 tỷ đồng. Giá trị mỗi ngôi nhà được tài trợ là 50 triệu đồng.
Theo bà Võ Thị Minh Sinh - Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nghệ An, đến đầu năm 2023, Nghệ An còn hơn 55.000 hộ nghèo, hơn 53.000 hộ cận nghèo; trong đó có 15.300 hộ đang gặp khó khăn về nhà ở. Hưởng ứng cuộc vận động của tỉnh, đã có trên 140 cơ quan, đơn vị, đăng ký ủng hộ 11.000 căn nhà tặng hộ nghèo, hộ khó khăn.
Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nghệ An đánh giá, đây là chương trình có ý nghĩa và hết sức nhân văn. Những căn nhà trên kín, dưới lành, đủ vững chãi không chỉ giúp nhân dân an cư, lạc nghiệp, yên tâm phát triển kinh tế, tăng thu nhập, từng bước cải thiện cuộc sống mà còn là một trong những giải pháp để thực hiện đồng bộ đề án "Xã biên giới sạch ma túy" từ "làm sạch" đến giữ vững kết quả xã sạch ma túy, tiến tới mở rộng và xây dựng huyện sạch ma túy, từng bước đưa Nghệ An ra khỏi địa bàn trọng điểm về ma túy.
Phát biểu tại Lễ tổng kết xây dựng 2.820 căn nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh Nghệ An, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý nói rằng: "Với những ngôi nhà mới khang trang, vững chãi, được hoàn thành, bàn giao, đưa vào sử dụng sẽ góp phần quan trọng giúp các hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn ở biên giới của tỉnh có mái ấm để an cư, ổn định cuộc sống, nỗ lực vươn lên có cuộc sống tốt đẹp hơn.
Đây cũng là tiền đề quan trọng, là giải pháp bền vững góp phần bảo đảm an ninh, trật tự trên tuyến biên giới, thực hiện thắng lợi Đề án xây dựng xã biên giới sạch về ma túy, tiến tới xây dựng huyện sạch về ma túy".