Xóa cảnh 'chồng chúa, vợ tôi'

19/09/2015 - 14:51
Bạo lực với phụ nữ và trẻ em, nạn tảo hôn và ép cưới từ lâu đã bị cấm ở làng Awra Amba (miền Bắc Ethiopia). Nam nữ trong làng được tự do tìm hiểu và đi đến hôn nhân.
Ước mơ "không tưởng" thành sự thật
Zumra Nuru, người thành lập làng năm 1972, cho biết, trước kia ông luôn nhìn thấy phụ nữ trong làng suốt ngày phải làm lụng vất vả, còn đàn ông say xỉn tối ngày, đánh đập vợ con. Thuở nhỏ, cậu bé Nuru phải lăn lộn ngoài đồng thay vì cắp sách đến trường, mẹ thì gánh vác việc gia đình nhiều hơn cha... Đau với nỗi đau của mẹ, của chị, của phụ nữ trong làng, bản thân không biết chữ và sống trong cảnh nghèo đói của làng đã nhen nhóm trong Nuru khao khát về một cộng đồng phi tôn giáo, không đói nghèo, ở đó nam nữ cùng sẻ chia công việc.

Ông Zumra Nuru vui trước những đổi thay tích cực của ngôi làng

Khi trưởng thành, cùng với 19 người chung chí hướng, Nuru đứng ra xây dựng cộng đồng dân cư theo một mô hình đặc biệt mà ông từng mơ ước và đặt tên là Awra Amba. Ngày nay, làng Awra Amba có khoảng 500 nhân khẩu, được xem là điển hình về giảm nghèo và thúc đẩy bình đẳng giới ở đất nước vẫn còn nặng tính gia trưởng như Ethiopia.
Chỉ số phát triển con người (HDI) của Ethiopia xếp thứ 173 trong tổng số 187 nước. Nhưng điều kiện sống ở làng Awra Amba đã có nhiều cải thiện đáng kể và mô hình này đang được áp dụng để nhân rộng ra toàn quốc, tạo nên một luồng gió mới khiến chính phủ Ethiopia có cách nhìn khác hơn về bình đẳng giới.
Ông Nuru hồi tưởng: “Khi tôi nói với mọi người trong gia đình và trong làng rằng tôi muốn thay đổi nếp nghĩ "chồng chúa, vợ tôi", ai cũng cho tôi là điên. Nếu buông xuôi theo mọi người, chắc hẳn chúng tôi không có được thành quả như ngày hôm nay”. Bạo lực với phụ nữ và trẻ em, nạn tảo hôn và ép cưới từ lâu đã bị cấm ở Awra Amba. Nam nữ trong làng được tự do tìm hiểu và đi đến hôn nhân. Vì thế, nhà nhà sống trong hạnh phúc, trong tiếng cười vui của con trẻ. Nam giới cùng san sẻ việc nhà, việc đồng áng… với vợ con.

Vợ chồng cùng chăm con

Đơn cử như cô Birtukan Kibret (32 tuổi), hiện là hướng dẫn viên du lịch. Điều hạnh phúc là sau một ngày bận rộn, Kibret trở về nhà thì chồng là anh Muluneh Alemu đã chuẩn bị cơm tối cho cả gia đình 5 thành viên. Vợ chồng cô đều có quyền chia sẻ ý kiến và cùng thống nhất trong mọi quyết định tài chính hay chuyện học hành của con.
Làng còn đa dạng hóa các lĩnh vực kinh tế. Nghề quay tơ dệt vải mang lại thu nhập chính cho dân làng. Ngoài ra, làng còn có nhà máy xay bột, quán cà phê, nhà nghỉ cho khách du lịch… Mọi người làm việc và được hưởng theo năng lực, vì thế ai cũng tích cực lao động trong bầu không khí sôi nổi, hào hứng. Chính các hoạt động sản xuất, sinh hoạt tập thể đã kéo cư dân xích lại gần nhau. Ở đây không có sự tồn tại của tệ nạn xã hội, mọi người luôn quan tâm, chăm sóc, chia sẻ cùng nhau.

Phương châm của làng: Phụ nữ làm việc của đàn ông và ngược lại

Chăm chút cho mọi thế hệ
Không có thánh đường hay đền thờ uy nghi lộng lẫy nhưng mỗi khi có du khách đến tham quan, dân làng tự hào giới thiệu thư viện đơn sơ, trong đó có phòng học dành cho trẻ em 3-5 tuổi trước khi nhập học trường huyện. Cư dân Awra Amba đồng lòng ủng hộ xây dựng hệ thống cấp thoát nước, làm đường và gây quỹ giáo dục cho trẻ em. “Giáo dục có ý nghĩa rất quan trọng đối với cộng đồng chúng tôi”, Asnake Gebeyehu, thông dịch viên tiếng Anh cho du khách nước ngoài, chia sẻ. Gebeyehu cũng là 1 trong số 8 thanh niên của làng sẽ vào đại học trong năm nay. Ở ngôi làng này, ngày càng có nhiều thanh niên đỗ đại học, sau đó trở về giúp làng.

Thư viện với những cuốn sách hấp dẫn về bình đẳng giới

Một trong số đó là Gebreyehu Desalo, cựu sinh viên ngành kinh tế nông nghiệp và giờ trở về làm ở văn phòng tài chính của làng. Anh tâm sự : "Tôi không muốn cuộc sống của mình tách khỏi mảnh đất này. Tôi lớn lên và thấm nhuần tinh thần tương thân tương ái ở đây. Tôi cùng nhiều bạn trẻ khác đều mong mang sức mình xây dựng quê hương phát triển hơn". Những con người nhiệt huyết như Desalo đã mở thêm những lớp học ở các cấp, khuyến khích người làng khác cho con sang Awra Amba học chữ. Thế hệ này tiếp nối thế hệ khác đang dần giúp Awra Amba "thay da đổi thịt".

Dân làng hài lòng với cuộc sống hiện tại

Ngôi làng này còn nổi bật với hệ thống an sinh xã hội cho người dân. Làng có nhà dưỡng lão với nhân viên túc trực 24/24 và ủy ban chăm sóc bà mẹ, trẻ em. Phụ nữ Ethiopia thường sinh con ở nhà nên có nhiều nguy cơ biến chứng. Song ở Awra Amba, mọi người chú trọng hơn đến vệ sinh. Bác sĩ thôn bản thường tư vấn sức khỏe sinh sản cho thai phụ cũng như theo dõi sát sao quá trình vượt cạn nên hầu hết các ca sinh nở đều an toàn.

Theo ông Mohammed Musa, chuyên gia tư vấn phát triển nông thôn đang thực hiện đề án nghiên cứu về ngôi làng này cho Ngân hàng Thế giới (WB), Awra Amba là gương điển hình về bình đẳng giới, đạo đức lối sống và an sinh xã hội, không chỉ cho các cộng đồng ở Ethiopie mà cả những quốc gia khác ở châu Phi. Hằng năm, Awra Amba đón tiếp hàng nghìn du khách cũng như những nhà hoạch định chính sách các nước đến để tham khảo mô hình bình đẳng nơi đây.
Tôi hoàn toàn bị chinh phục khi đến thăm ngôi làng này. Đây là mô hình để thế giới suy ngẫm các vấn đề về bình đẳng giới”, Tim Clarke, Đại sứ Liên minh châu Âu tại Ethiopia, nhìn nhận.
 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm