Nhiều cha mẹ lúng túng khi biết con luôn bắt nạt các bạn. Ảnh minh họa internet. |
Rất nhiều phụ huynh có ý kiến về việc con bị Xuân Bách (con chị Hoàng Mai) bắt nạt. Bạn thì bị Xuân Bách đẩy ngã vào vũng nước bẩn, bạn lại bị vẩy mực vào quần áo, bạn lại bị giựt tóc… Có phụ huynh bức xúc đề nghị chuyển Xuân Bách sang lớp khác.
Trước phản ứng rất gay gắt của các phụ huynh, chị Hoàng Mai đã xin lỗi và hứa sẽ dạy con thật cẩn thận. Dù biết con là đứa trẻ ngổ ngáo, thích bắt nạt bạn bè nhưng chị không thể ngờ con lại có vấn đề nghiêm trọng như vậy ở trường.
Theo các chuyên gia tâm lý, bắt nạt chính là hành vi hung hăng trong một mối quan hệ mà đứa trẻ muốn nắm giữ quyền lực hơn đứa trẻ khác. Hành vi bắt nạt gồm 3 hình thức: Bắt nạt thể chất (đánh, đấm, xô đẩy); bắt nạt bằng lời nói (trêu chọc, đe dọa); bắt nạt kiểu hội đồng (lan truyền tin đồn và nói những trẻ khác tránh xa, không chơi với một đứa trẻ nào đó).
Khi con có hành động bắt nạt bạn, cha mẹ cần phải tế nhị, vừa giải quyết cân bằng cảm xúc của gia đình “nạn nhân”, vừa chỉ đạo hành vi của con đi theo hướng tích cực.
Cha mẹ cần tìm cách chấm dứt hành vi bắt nạt của con, bởi nếu không, đó sẽ là bước khởi đầu cho hành vi xấu hơn. Ảnh minh họa internet |
Cha mẹ cần nghĩ cách hỗ trợ con trong việc thoát khỏi những hành vi xấu. Bởi hành vi bắt nạt người khác là bước khởi đầu cho những hành vi xấu hơn.
Khi con đánh bạn dẫn đến hậu quả, cha mẹ cần xin lỗi và trấn an gia đình nạn nhân bằng việc cam kết sửa chữa hành vi của con. Hãy để con viết lời xin lỗi bạn. Với một số gia đình nạn nhân nóng tính, cha mẹ cần tiếp cận họ thông qua giáo viên chủ nhiệm.
Điều quan trọng nhất là cha mẹ cần tìm hiểu nguyên nhân hành vi bắt nạt bạn của con. Đôi khi, đó có thể là hành vi bắt chước khi ở nhà người lớn thể hiện sự tức giận hoặc trẻ cảm thấy bị áp lực, bị trẻ khác bắt nạt…
Hãy nói chuyện nhẹ nhàng với trẻ, không trách móc và thảo luận với trẻ về việc làm cho người khác cảm thấy hạnh phúc, khó chịu hay sợ hãi. Hãy giúp trẻ hiểu được cảm xúc của chúng và giải thích cho chúng với tât cả kinh nghiệm mà bố mẹ có. Cần nhấn mạnh với trẻ, hành động bắt nạt là không tốt và không được phép.
Cha mẹ cần dạy trẻ biết chịu trách nhiệm cho hành động của mình và sửa lỗi khi làm tổn thương người khác. Ảnh minh họa internet. |
Bắt nạt là hành vi khá nguy hiểm. Vì vậy, người lớn phải truyền đi thông điệp bắt nạt là “sai lầm, gây tổn thương và không thể chấp nhận được”.
Cha mẹ cần dạy trẻ biết chịu trách nhiệm cho hành động của mình và sửa lỗi khi trẻ làm tổn thương người khác. Cảnh báo con, nếu lặp lại hành vi đó thêm một lần nữa sẽ có hình phạt thích hợp.
Tuy nhiên, cha mẹ cần tránh những hình phạt khắc nghiệt có thể làm bẽ mặt con trước bạn bè. Có thể lựa chọn một vài hình phạt như hủy bỏ một vài ngày vui chơi của trẻ, cấm làm điều gì mà bình thường trẻ thích trong một thời gian... Nếu muốn con cái có cách hành xử đúng đắn, không đầu gấu khi ở trường thì điều quan trọng mà cha mẹ cần ghi nhớ là hãy hành động đúng đắn cả trong lời nói và hành động, là tấm gương cho con soi vào.