Gặp mấy bạn thân, chị Giang rên rỉ: Không hiểu sao đau thế, đau từ các khớp chân, đầu gối cho tới thắt lưng. Lúc đau nặng, lúc nhẹ nhưng gần như chả khi nào hết đau. Đôi khi mình đang ngồi nhặt rau, đứng dậy đảo nồi thịt, mà phải tay vịn vào nghế, tay chống vào hông, từ từ đứng lên như bà bầu sắp sinh. Tối lên giường ngủ, nhiều hôm mình có cảm giác các đốt xương sống từ từ rơi xuống giường, nửa người từ thắt lưng trở xuống như tê dại. Chưa hết, khớp gối đau hơn khi vận động, đứng ngồi và đôi khi có tiếng lạo xạo khi co duỗi, giống như cái bàn cũ bị tác động nhẹ.
Nghe chị Giang than thở, các bạn khuyên chị đủ thứ. Nào là uống thuốc này, tiêm thuốc kia; đắp lá, châm cứu... Ai cũng đưa ra dẫn chứng người thân mình đã khỏi bệnh hoàn toàn sau khi uống thuốc, trị liệu. Chị Giang muốn nhanh khỏi bệnh, cho dù thuốc đó có đắt đỏ đến đâu nhưng với mê hồn trận cách chữa kia, chị quyết định tìm gặp bác sĩ để xin tư vấn.
Bác sĩ cho chị biết, các bệnh về xương khớp, liên quan mật thiết tới thời tiết thay đổi, đặc biệt là khi độ ẩm không khí cao. Bởi khi đó, các mô trong cơ thể dễ nở ra, tạo áp lực cho khớp; độ ẩm tăng góp phần gây nên sưng mỏi khớp. Ở độ tuổi trung niên, khi các tế bào xương dần bị lão hóa, các hormone sinh dục giảm, hấp thụ can xi và vitamin giảm nên rất dễ bị loãng xương, thoái hóa khớp và dễ bị đau mỏi khớp mỗi khi thời tiết tay đổi. Vì vậy, càng về già, chị sẽ càng đau nếu không có biện pháp hỗ trợ cho “bộ khung” của mình.
Chị em cần có chế độ ăn uống, luyện tập hợp lý để hạn chế nguy cơ loãng xương và thoái hóa khớp ở tuổi trung niên. (Ảnh minh họa)