Chị trưởng phòng trầm cảm tuổi khó chiều

08/08/2015 - 12:22
Chị Hoàng Tú Mai, 48 tuổi, ở Hải Phòng, đang rơi vào trạng thái không ai dám... đụng đến, chẳng ai chiều nổi. Bác sĩ khuyên chị nên thay đổi lối sống để không phải dùng thuốc trầm cảm.

Thỉnh thoảng chị cáu gắt khiến cả phòng náo loạn. Nhưng thà chị cáu gắt mọi người còn biết cơn ức chế của chị được giải tỏa. Chứ bình thường, chị cứ lầm lầm lì lì, mặt mũi trầm ngâm, ít nói, cười khiến đồng nghiệp ít tuổi khiếp vía.

Là trưởng phòng, suốt ngày duyệt công văn nên mỗi lần cấp dưới vào xin chữ ký, ai cũng phải hít một hơi thở sâu rồi lấy can đảm vào gặp chị. Đi ăn trưa, không ai dám ngồi gần chị, hay trò chuyện cũng chỉ dăm câu ba điều rồi nhanh chóng chào tạm biệt.

Mỗi khi phòng có việc gì cần tiếng nói quyết định của chị, chị đều lên tiếng gay gắt, mắng hết người này người kia rồi cuối cùng ra một quyết định chẳng giống ai, khiến đám nhân viên dưới chị cảm thấy ức chế vô cùng.

Không phải chị Mai không nhận ra đã có lúc quá lời với người thân, bạn bè xung quanh nhưng để nhận lỗi với chị thật khó. (Ảnh minh họa)

Chưa hết, về nhà chị cũng có những hành xử khiến ông xã và con cái không thể giải thích được. Chị về nhà, lặng lẽ nấu ăn, không nói không rằng, cả buổi ăn cơm cũng chẳng buồn trò chuyện, hỏi han chồng, con. Con mắc lỗi gì, chị mắng xa xả cứ như hắt nước đổ đi. Mặc kệ chồng khuyên bảo, con cái giận dỗi, chị vẫn một mình một tính.

Một ngày, dường như thấy mình... quá đáng, chị xin lỗi chồng, con và thú nhận, chị cũng không thể hiểu nổi vì sao mình lại như thế. Không phải chị không nhận ra mình đã có lúc quá lời với người thân, bạn bè xung quanh nhưng để nhận lỗi, với chị còn khó hơn… lên trời. Chị càng thất vọng với bản thân lại càng khó kiềm chế.

Thấy vậy, chồng chị đã khuyên chị nên đi khám bác sĩ. Chị đồng ý đi gặp và tại đây, chị được biết, hóa ra nhiều phụ nữ cũng rơi vào tình trạng như thế, một dạng trầm cảm ở lứa tuổi sắp mãn kinh. Đây là giai đoạn mà những thay đổi hormone mạnh mẽ trong cơ thể khiến họ thay đổi tâm tính, sinh ra trầm cảm. Đặc biệt, chị còn có tiền sử bệnh về tuyến giáp nên việc rối loạn cảm xúc càng dễ xảy ra. Trước, trong và sau thời kỳ mãn kinh khoảng 2 năm là thời gian dễ bị trầm cảm nhất.

Để giảm thiểu tình trạng này, bác sĩ khuyên chị nên thay đổi lối sống để giảm bớt nguy cơ như tăng cường thể dục, giảm chất béo, tránh căng thẳng, giảm bớt cường độ công việc. Chị chưa đến mức phải sử dụng thuốc trầm cảm nhưng nếu có triệu chứng bất thường hơn, cần phải quay lại để được bác sĩ thăm khám và tư vấn thêm.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm