Yêu cói, cói không phụ lòng

Đình Nguyên
20/09/2021 - 16:53
Yêu cói, cói không phụ lòng

Ngày ngày, bà Trần Thị Việt (trái) vẫn miệt mài giữ nghề ở làng cói Nga Sơn

Nghệ nhân ưu tú Trần Thị Việt (70 tuổi, trú tại xóm 5, xã Nga Thanh, huyện Nga Sơn, Thanh Hóa) đã dành gần trọn cuộc đời mình để gắn bó với nghề cói Nga Sơn. Từ nhỏ, bà đã được học làm chiếu cói. Yêu nghề, trăn trở cùng nghề, đến nay, bà đã xây dựng cơ sở sản xuất, tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương.
Thăng trầm nghề cói

Nhớ lại khi mới lập nghiệp, năm 1986, bà Trần Thị Việt cùng chồng dệt chiếu cói. Có thời điểm, chiếu cói được giá, gia đình bà thu được lợi nhuận khá cao. Đến năm 2001, với số vốn có được, bà đã đầu tư 5 tỷ đồng vào Cụm làng nghề truyền thống liên xã Nga Mỹ, Nga Hưng, Nga Thanh để mở công ty chuyên sản xuất, xuất khẩu chiếu cói và đồ mỹ nghệ bằng cói. Năm 2003, công ty Doanh nghiệp tư nhân sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu Việt Trang đi vào hoạt động, tạo việc làm thường xuyên cho 20 lao động và khoảng 400 lao động thời vụ, lao động tại nhà.

Những năm 2008 - 2009, Việt Trang đứng trước nguy cơ phá sản bởi người dân không mặn mà với chiếu cói nữa. Bằng tình yêu với cây cói và nghề cói quê hương, bà đã tìm mọi cách để duy trì sản xuất, chuyển hướng tìm thị trường mới. Bà Việt đã dày công tìm hiểu nhu cầu của những thị trường khó tính như Nhật Bản, Mỹ... Với sự quyết tâm, nghệ nhân Trần Thị Việt đã mang hàng trăm mẫu sản phẩm làm từ cây cói ra thế giới. "Yêu cói, cói không phụ lòng. Cứ đam mê với nghề càng tạo được sức sống cho nghề", bà Việt nói.

Doanh thu vẫn tăng trong mùa dịch

Đến thăm cơ sở tư nhân sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu Việt Trang, các thành phẩm được xếp đặt cẩn thận trước khi đưa lưu kho để giao hàng. "Đa dạng hóa sản phẩm từ cói là một chiến lược để phát triển nghề đan lát gắn với cây cói, vì nếu chỉ làm chiếu thì chúng tôi khó bám trụ với nghề. Năm nay, tuy dịch Covid-19 hoành hành nhưng công ty vẫn vượt kế hoạch tổng doanh thu hơn 20 tỷ đồng", bà Việt cho biết.

“Yêu cói, cói không phụ lòng” - Ảnh 1.

Sản phẩm được làm từ cói

Bà Trần Thị Nhuận, 60 tuổi, ở đội 2, thôn Giáp Nội, xã Nga Giáp, làm việc cho công ty hơn 2 năm nay, cho biết: "Những ngày nông nhàn, tôi tranh thủ lên đây làm cho bà Việt. Một tháng thu nhập được khoảng 3 triệu- 9 triệu đồng, tuỳ theo số lượng công việc mình nhận".

Đến nay, sản phẩm của Công ty TNHH Việt Trang đã xuất khẩu sang 17 nước. Ngoài chiếu cói Nga Sơn, một loạt sản phẩm mới được ra đời với nguyên liệu cói hoặc kết hợp với các nguyên liệu khác. Công việc bận rộn nhưng nghệ nhân Trần Thị Việt không ngừng học hỏi, sáng tạo ra các mẫu mới. Chính nhờ phát triển sản phẩm cói mỹ nghệ, nghệ nhân Trần Thị Việt đã giúp vùng nguyên liệu cói của các xã quanh cụm làng nghề có nơi tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm.

"Tôi rất mừng vì các con tôi cũng yêu và gắn bó với nghề, góp phần gìn giữ và phát triển nghề truyền thống của quê hương, góp phần xóa đói giảm nghèo, giúp bà con hàng xóm làm giàu trên chính mảnh đất Nga Sơn", bà Việt tâm sự.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm