Hơn 60 năm trước, mẹ tôi, Vũ Thị Mận, xóm Thái Tây, xã Hà Thái, huyện Hà Trung, Thanh Hóa, là một thôn nữ xinh đẹp, lọt vào mắt xanh của bố, người học hành cao hồi ấy. Dù biết mẹ lớn hơn tuổi, bà nội vẫn gói ghém trầu cau gặp bà ngoại lấy cớ đi mua lạc giống. Như duyên tiền định, hai bà hợp chuyện, bà ngoại nói câu để đời: “Thì ra bà đi hỏi “người giống” chứ có phải “lạc giống” đâu!”.
Thoáng bóng cháu nội về, mẹ lại cố rướn người khập khiễng chạy ra, hai bà cháu dắt díu nhau xoa đầu bám cổ, bà lôi ra nào bánh, nào quà, nào nho khô, mít sấy gói ghém để dành từ khi nào “Đợi con Hải Vân về rồi cho nó”. Lần nào thấy cảnh bà chọn, cháu cầm, tôi cũng nghẹn ngào.
Mẹ cần mẫn một đời gồng gánh cho gia đình. Lương giáo viên của bố ba cọc ba đồng, năm nay được phân đi dạy chỗ này, mai đẩy chỗ kia. Một mình mẹ nuôi các chị em tôi đi qua những ngày trống giục liên hồi, thanh la não bạt tù và đinh tai nhức óc giục đi hộ đê vỡ. Những ngày giáp hạt, hai bơ gạo trộn nguyên một rổ sảo rau má, nồi cơm bê xuống đặt giữa lũ con vây quanh, xanh lè một màu nhức nhối.
Những ngày đạp chiếc xe cà tàng đi đổi mắm, đổi cá khô trên mạn ngược, lấy sắn lấy khoai về nuôi con. Lúc về được đến nhà, hơn 12 tiếng không hột gì bỏ bụng, nhìn lũ con nheo nhóc thấp cao ngồi nguyên bậu cửa ngóng chờ, lại tất tả tháo bọc, lôi đùm lấy gạo nấu con ăn. Những ngày sốt rét run người, lôi hết chăn chiếu ra đắp vẫn run lên bần bật, ngó cổ dậy gọi xin hớp nước, lũ con dại khờ vẫn đánh khăng, đánh đáo dưới sân. Mẹ đã làm gì để đi qua những ngày ấy, ơi mẹ của con!
Hồi xa nhà đi học đại học, thi thoảng mẹ ra thăm. Nhà có gì mẹ đem xuống Cổ Nhuế cho tôi hết. Lúc lên xe ôm ra bến về lại xứ Thanh, vẫn mếu máo quay đầu lại dặn con nhớ ăn uống đầy đủ mà học hành cho tử tế. Tiền trong bao áo trúc bâu cổ tròn đặc sệt quê chắc vừa vặn đủ mua một chiếc vé tàu...
Sau 2 năm tôi ra trường vất vưởng ở thủ đô vẫn không một đồng lận túi. Nghe bạn rủ, tôi khăn gói vô Nam. Ngày về chào bố mẹ để đi, mẹ vét hết tiền rồi đem từ gà đến trứng ra chợ cóc đầu làng bán được một món tiền, nhất định bắt tôi cầm, vì “sẩy nhà ra thất nghiệp”. Lúc tiễn tôi, mẹ ngồi tựa cửa trên chiếc ghế con dùng để ăn cơm, nghẹn ngào đứt quãng: “Đi nhé con, đi cho thỏa nguyện, nếu không thành thì lại về với mẹ, đói no rau cháo nhưng có mẹ có con...”.
Nhớ cái Tết xa nhà đón Giao thừa nơi chênh Hà Nội 7 múi giờ, buồn bã, rét buốt, cô đơn nên gọi về liên tục. Nhưng lần nào hỏi mẹ cũng đều không gặp. Mãi đến chiều mùng Ba mới thấy tiếng mẹ đầu dây. Mới a-lô xong, bà đã nức nở đầm đìa: “Con ăn Tết ra răng, ba ngày qua mẹ không cầm máy vì sợ không kìm được, năm mới khóc lóc con lại đen đủi cả năm. Cả tuần nay cứ mỗi lần nghe tiếng xe máy đi qua cổng nhà mình, mẹ lại tưởng con về...”.
Cháu nội sinh khi mẹ đã hơn 70 tuổi, bà vẫn dứt khoát bắt con đưa ra để chăm cháu, chăm con. Ngày hai bữa thịt nạc rim, canh rau ngót leo từ tầng một lên tầng hai, cơm bưng nước rót cho con dâu. Có hôm, hai tay hai tô bước hụt, không thể bám cầu thang nên bị ngã, cố lau dọn rửa ráy xong xuôi đâu đấy, bà lết xuống chiếc ghế dài nằm lịm cả buổi chiều...
Ông bà không nhớ chính xác năm sinh của mẹ. Nhưng bóng mẹ đổ dài như bóng cây cổ thụ, thấm đẫm hy sinh, tươi mát, trong lành, yêu thương con vô điều kiện. Đi ra từ cái bóng đổ buông dài đó, đến tận bây giờ con vẫn thấy mình bé nhỏ, luôn được ôm ấp, chở che...
Chẳng có gì bền chắc trong cái thế giới đầy biến chuyển, đổi thay này, nhưng một điều như hàng ngày mặt trời vẫn mọc từ đằng Đông, có hai người đàn bà không bao giờ phản bội con, đó là người sinh ra con và người con sinh ra.