Yêu thương dành cho những học sinh “nói” bằng ngôn ngữ ký hiệu

Bài, ảnh: N.Minh
18/11/2022 - 20:02
Yêu thương dành cho những học sinh “nói” bằng ngôn ngữ ký hiệu

Những học sinh khiếm thính biểu diễn tiết mục văn nghệ trong Lễ kỷ niệ 45 năm thành lập trường PTCS Xã Đàn

45 năm thành lập trường PTCS Xã Đàn (1977-2022) là biết bao thế hệ học trò điếc và khiếm thính được yêu thương, dạy dỗ bởi những thầy cô giáo tận tâm, yêu nghề.

Trường PTCS Xã Đàn được thành lập vào năm 1977 trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP. Hà Nội với tên gọi Trường dạy trẻ câm điếc Hà Nội có nhiệm vụ phục hồi chức năng, chữa bệnh, dạy văn hóa cho trẻ em câm điếc. Từ năm 1998, trường chính thức đổi tên thành trường PTCS Xã Đàn với mô hình dạy liên cấp gồm mầm non, tiểu học và trung học cơ sở trực thuộc Sở Giáo dục & Đào tạo Hà Nội. Đến nay, trường PTCS Xã Đàn là một trong những cơ sở giáo dục có uy tín nhất tại Việt Nam về nuôi dạy trẻ em điếc, khiếm thính. Hiện trường có 425 học sinh, 27 lớp học.

Yêu thương dành cho những học sinh “nói” bằng ngôn ngữ ký hiệu - Ảnh 1.

Hiệu trưởng trường PTCS Xã Đàn nhận bằng khen trong lễ kỷ niệm 45 năm thành lập trường

Thầy giáo Phạm Văn Hoan - Hiệu trưởng nhà trường, cho biết, ngoài việc dạy kiến thức, nhà trường thường xuyên tạo ra nhiều sân chơi cho học sinh được hoạt động trải nghiệm, sáng tạo, được giao lưu với các trường top đầu trên địa bàn Hà Nội  để giúp học sinh sống có trách nhiệm, biết yêu thương, quan tâm tới nhau, mở rộng hiểu biết và giúp các học sinh khuyết tật hoà nhập tốt.

Đặc biệt, việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh và công tác dạy nghề cho học sinh khuyết tật được thực hiện tốt. Năm học 2021-2022, được sự giúp đỡ của Hội Cứu trợ trẻ em khuyết tật thành phố Hà Nội, nhà trường đã kết hợp được với trường Trung cấp nghề Nấu ăn, nghiệp vụ du lịch và thời trang Hà Nội tổ chức thành công 1 lớp nghề khuyết tật chế biến món ăn, 1 lớp nghề khuyết tật pha chế đồ uóng. Đầu năm học 2022-2023 tiếp tục khai giảng lớp nghề khuyết tật làm bánh. Đến thời điểm này, đảm bảo 100% học sinh khuyết tật trên 15 tuổi của nhà trường đều được trang bị ít nhất một nghề trong tay. Học sinh khuyết tật tốt nghiệp lớp nghề, nêu không đi học lên cao thì cũng có một nghề ổn định, tự nuôi sống bản thân và hoà nhập tốt với xã hội.

Yêu thương dành cho những học sinh “nói” bằng ngôn ngữ ký hiệu - Ảnh 2.

Học sinh trường PTCS Xã Đàn dự lễ kỷ niệm 45 năm thành lập trường

Theo thầy hiệu trưởng Phạm Văn Hoan, trường PTCS Xã Đàn từ chỉ nhận dạy học sinh khiếm thính, hiện nay trường tổ chức dạy học cho cả học sinh bình thường. Với sự pha trộn này, các học sinh khiếm thính có được sự chăm sóc tốt hơn, sự quan tâm từ phía bạn bè giúp các em hòa nhập tốt hơn. Trong khi đó, những học sinh bình thường cũng có thể giúp đỡ học sinh khiếm khuyết, từ đó sẽ rèn giũa được lòng nhân ái, bao dung của các em. Ban đầu nhiều phụ huynh có con bình thường e ngại khi cho con em mình học chung với học sinh khuyết tật nhưng lâu dần ngày càng có nhiều phụ huynh gửi gắm con mình trường.  Để trường PTCS Xã Đàn được nhiều phụ huynh tin tưởng, gửi gắm con em, theo thầy Phạm Văn Hoan, đó là nhờ đội ngũ các thầy cô giáo luôn lấy mục tiêu giáo dục trẻ thơ, trẻ đặc biệt làm lẽ sống của mình.

Yêu thương dành cho những học sinh “nói” bằng ngôn ngữ ký hiệu - Ảnh 3.

Các học sinh khiếm thính biểu diễn văn nghệ

Cô Phạm Chung Thuỷ, tổ trưởng tổ THCS, là một giáo viên như vậy. Tốt nghiệp ĐHSP Hà Nội, cô từng là giáo viên ở một trường THPT. Thế nhưng, trong một vài lần tiếp xúc với các em học sinh khuyết tật, cô quyết định học văn bằng 2 là Khoa Giáo dục đặc biệt (ĐHSP Hà Nội) và xin dạy ở trường PTCS Xã Đàn.

Có biết bao khó khăn khi dạy trẻ điếc, khiếm thính, thế nhưng cô Thuỷ luôn tìm thấy niềm vui trong công việc "trồng người" của mình: "Các em học kiến thức từ tôi, còn tôi học ngôn ngữ ký hiệu từ các em. Việc học hỏi lẫn nhau như vậy khiến tình cảm cô trò rất gần gũi, gắn bó. Năm 2004 là năm đầu tiên tôi về trường, cũng là năm đầu tiên trường mở khối THCS. Nhiều học sinh ra trường từ lâu hoặc đi làm ở xa cũng về trường để học. Có không ít học sinh còn lớn tuổi hơn cô giáo. Cô trò gần tuổi nhau nên rất dễ chia sẻ. Chúng tôi đã coi nhau như gia đình", cô Thuỷ bộc bạch.

Yêu thương dành cho những học sinh “nói” bằng ngôn ngữ ký hiệu - Ảnh 4.

Cô giáo Phạm Chung Thuỷ cùng các học trò

Điều khiến cô Thuỷ trăn trở là khả năng tiếp thu của trẻ điếc, khiếm thính rất hạn chế, thế nhưng đến giờ vẫn chưa có bộ SGK dành cho học sinh khuyết tật. Cô Thuỷ cho biết, các giáo viên trong trường đã phải biên soạn lại kế hoạch, chương trình giảng dạy, hạ chuẩn nhất để các con có kiến thức cơ bản (ở mức độ thông hiểu).

Điều khiến cô Thuỷ và các giáo viên ở trường PTCS Xã Đàn dù khó khăn nhưng vẫn luôn gắn bó với nghề, đó là tình yêu dành cho học trò rất lớn. "Có những em nhà ở xa (cách trường 40km), phải đi 5 chặng xe bus, nhưng các em rất thích đi học. Đó là do, các em rất khó hoà nhập ở bên ngoài. Ở trường PTCS Xã Đàn, các con có các bạn cùng hoàn cảnh với mình, các con lại được hoà nhập với các bạn bình thường. Các con nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ từ bạn bè, không bị bạn bè kỳ thị. Chúng tôi rất thương các con, đặc biệt là những con kém may mắn. Bởi tình cảm các con dành cho thầy cô cũng rất chân thành, gắn bó. Càng gắn bó với nghề, tôi càng thấy yêu những đứa trẻ", cô Thuỷ chia sẻ. Cô Thuỷ cũng cho biết, điều mà cô mong muốn là xã hội ghi nhận một cách chính xác công sức của những người làm giáo dục đặc biệt.

Yêu thương dành cho những học sinh “nói” bằng ngôn ngữ ký hiệu - Ảnh 5.

Các em luôn được nhận những tình cảm ấm áp từ các thầy cô

Trường PTCS Xã Đàn đang đối mặt với không ít khó khăn. Theo thầy giáo Phạm Văn Hoan, hiện cả thầy và trò đang phải làm việc, học tập trong điều kiện cơ sở vật chất còn hạn chế, một số phòng chức năng đã xuống cấp. Bên cạnh đó, trường không có khu vực nội trú nên nhiều học sinh ở xa đã rất vất vả khi di chuyển đến trường. May mắn, nhà trường đã nhận được sự hỗ trợ của nhiều tổ chức, doanh nghiệp. Trong đó, Tập đoàn Phát triển thịnh vượng Việt Nam hỗ trợ Nhà trường trong các hoạt động phát triển sự nghiệp giảng dạy các môn năng khiếu ngoại khoá như vẽ, múa hát…, tặng học sinh vở và đồ dùng học tập. 

Yêu thương dành cho những học sinh “nói” bằng ngôn ngữ ký hiệu - Ảnh 6.

Đại diện Tập đoàn Phát triển thịnh vượng Việt Nam tặng quà hỗ trợ nhà trường

Bà Nậm Trà - Chủ tịch HĐQT, TGĐ tập đoàn Phát triển thịnh vượng Việt Nam, cho biết, Tập đoàn đã đề xuất cùng Nhà trường tổ chức cuộc thi vẽ tranh cho các học sinh khiếm thính với chủ đề " BỮA CƠM GIA ĐÌNH NGÀY TẾT " sẽ phát động vào cuối tháng 11/2022 ngay sau 20/11 nhằm khơi gợi tư duy văn hoá ngày Tết cổ truyền trong lăng kính của trẻ em và Tập Đoàn cũng mong muốn bán đấu giá các bức tranh này cùng bộ quà Tặng Tết của tập đoàn để gây quỹ tài trợ tiền học phẩm mỹ thuật cho nhà trường trong mùa Tết nguyên đán 2023.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm