1/2 số phi hành gia mới của NASA là nữ

Nhu Thụy
30/01/2020 - 08:00
1/2 số phi hành gia mới của NASA là nữ
Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) vừa chào đón 13 phi hành gia mới, tăng số lượng người đủ điều kiện cho các nhiệm vụ trên không gian trong thời gian tới. Trong số 13 người đó, có 6 nữ phi hành gia được kỳ vọng sẽ đặt chân lên Mặt Trăng năm 2024 và thám hiểm Sao Hỏa năm 2035.

Chọn 13 nhân tài trong 18.000 ứng viên

Trung tâm vũ trụ Johnson được xây dựng tại Houston (Texas, Mỹ) năm 1961 với mục tiêu đưa con người lên Mặt Trăng của Tổng thống John F. Kennedy và chỉ 8 năm sau, mục tiêu này đã trở thành sự thật với chuyến thám hiểm của phi hành gia Neil Armstrong và Buzz Aldrin trên con tàu Apollo 11 vào ngày 20/7/1969. 

Ngày nay, trung tâm vẫn tiếp tục đóng vai trò là trạm chỉ huy sứ mệnh cho NASA và là căn cứ huấn luyện cho quân đoàn phi hành gia của nước Mỹ. Trung tâm Johnson vừa tổ chức lễ tốt nghiệp cho 11 phi hành gia người Mỹ và 2 phi hành gia người Canada nhằm chuẩn bị cho sứ mệnh quay lại Mặt Trăng và lần đầu tiên thám hiểm Sao Hỏa của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA). Cùng với các học viên vừa tốt nghiệp, đội ngũ phi hành gia hiện hữu của NASA tăng lên 48 người và cơ quan này còn có kế hoạch tuyển dụng thêm trong năm nay.

13 học viên vừa tốt nghiệp

13 học viên vừa tốt nghiệp

Được chọn lựa gắt gao từ con số kỷ lục là hơn 18.000 ứng viên và bắt đầu được huấn luyện từ năm 2017, nhóm phi hành gia gồm 7 nam và 6 nữ đã được tốt nghiệp ngày 10/1/2020. Mỗi học viên được đeo một huy hiệu bạc với biểu tượng của Mercury 7 - nhóm phi hành gia đầu tiên được NASA chọn năm 1959. Họ sẽ được trao huy hiệu vàng sau khi hoàn tất chuyến du hành vũ trụ đầu tiên.

Trong 2 năm qua, những học viên này được học lý thuyết, thực hành, thử nghiệm trong điều kiện không trọng lực, làm quen với các hệ thống trên Trạm không gian quốc tế (ISS) và học tiếng Nga. Các ứng cử viên được đào tạo, thực hành và thử nghiệm về không gian vũ trụ, robot, hệ thống ISS… Các kỹ năng mới sẽ giúp họ phát triển tàu vũ trụ, hỗ trợ các đội hiện đang ở trong vũ trụ và cuối cùng gia nhập hàng ngũ chỉ khoảng 500 người có vinh dự được lên vũ trụ. Những kỹ năng này sẽ giúp họ làm việc hiệu quả trên ISS - Trạm không gian sắp kỷ niệm 20 năm ngày đón phi hành gia đầu tiên vào tháng 11/2020 tới.

Phi hành gia NASA Jasmin Moghbeli vui mừng trong lễ tốt nghiệp

Phi hành gia NASA Jasmin Moghbeli vui mừng trong lễ tốt nghiệp

Sứ mệnh mới mở đường đưa người lên sống trên Mặt Trăng

NASA đang chuẩn bị đưa các phi hành gia trở lại bề mặt Mặt Trăng năm 2024. Chương trình có tên Artemis (em gái song sinh của thần Apollo trong thần thoại Hy Lạp - biểu tượng của Mặt trăng khuyết). Kế hoạch đổ bộ lên Mặt Trăng là một phần của việc thử nghiệm công nghệ để đưa con người lên thám hiểm Sao Hỏa năm 2030. NASA sẽ sử dụng những công nghệ hiện đại nhất khám phá Mặt Trăng, cùng với sự phối hợp của lĩnh vực tư nhân và các đối tác quốc tế. Theo NASA, sứ mệnh Apollo nhằm đưa con người đặt những bước chân đầu tiên lên Mặt Trăng thì sứ mệnh Atemis nhằm giúp con người lần đầu tiên lên sinh sống và làm việc tại đây.

Alyssa Carson

Alyssa Carson

Cô Alyssa Carson (18 tuổi) đang được NASA đào tạo để đến năm 2033, Alyssa sẽ là một trong những người đầu tiên đặt chân lên sao Hỏa và thử sống ở trên đó từ 2 đến 3 năm. Tại đây, nữ phi hành gia này sẽ mang sứ mệnh nghiên cứu, trồng trọt thực phẩm, thực hiện những thí nghiệm khoa học và tìm kiếm những dấu hiệu của sự sống trong khoảng thời gian 2-3 năm.

Người phụ nữ truyền cảm hứng

Phi hành gia Christina Koch (40 tuổi) thuộc NASA vừa phá kỷ lục về nữ phi hành gia có thời gian du hành không gian liên tục lâu nhất trong lịch sử. Phi hành gia này có mặt tại Trạm Không gian quốc tế (ISS) ngày 14/3/2019. Tính đến ngày 28/12/2019, cô đã du hành không gian được 289 ngày, phá kỷ lục 288 ngày của nữ phi hành gia Peggy Whitson. Theo lịch trình của NASA, cô Koch sẽ tiếp tục ở lại ISS đến tháng 2/2020 và tổng số ngày dự kiến sẽ chỉ đứng sau kỷ lục của 1 phi hành gia NASA tên Scott Kelly là 340 ngày.

Phi hành gia Christina Koch

Phi hành gia Christina Koch

Việc nghiên cứu liên quan tới cô Christina Koch sẽ giúp nhóm chuyên gia hiểu rõ hơn cơ chế thích nghi của các nữ phi hành gia trong các khoảng thời gian làm việc kéo dài ở môi trường vũ trụ. Trong thời gian lưu trú được NASA kéo dài, cô Koch sẽ thu thập thêm dữ liệu về ảnh hưởng của các chuyến bay vũ trụ trong thời gian dài. Cô cho biết việc này sẽ giúp chúng ta thấy được một khía cạnh mới về khả năng con người bị ảnh hưởng bởi tình trạng không trọng lực trong không gian. Điều này thật sự quan trọng cho các kế hoạch du hành vũ trụ trong tương lai đến Mặt Trăng và sao Hỏa.

Kỹ sư Kristine Davis sẽ tham gia thám hiểm không gian

Kỹ sư Kristine Davis sẽ tham gia thám hiểm không gian

Trước đó, ngày 18/10/2019, cô Christina Koch và Jessica Meir đã đánh dấu lịch sử khi họ bước ra khỏi ISS trong chuyến đi bộ trong không gian toàn nữ lần đầu tiên để thay một tấm năng lượng bị lỗi thiết kế. Việc phụ nữ bước ra ngoài không gian là một bước tiến rất có ý nghĩa. Theo dự định, cô Koch sẽ tiếp tục thực hiện 2 lần đi bộ ngoài không gian nữa vào tháng 1/2020 cùng với cộng sự Jessica Meir. Những phi hành gia này chứng minh rằng phụ nữ có thể làm được tất cả nếu họ có đủ nghị lực, quyết tâm và lòng say mê cống hiến.

Nguồn: Madame Figaro, NASA
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm