pnvnonline@phunuvietnam.vn
10 dấu ấn của phụ nữ thế giới năm 2020
Tháng 11/2020, bà Kamala Harris trở thành nữ Phó Tổng thống đắc cử đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ
Hãy cùng PNVN điểm lại 10 dấu ấn của phụ nữ và bình đẳng giới trong năm 2020.
1. Các nhà lãnh đạo nữ tỏa sáng khi đối phó với đại dịch Covid-19
Các chính phủ trên toàn thế giới đã nỗ lực để ứng phó với đại dịch Covid-19 và thực tế đã cho thấy, ở những nước có phụ nữ lãnh đạo, các phản ứng diễn ra nhanh hơn, hiệu quả hơn, mạnh mẽ hơn. Có thể kể đến các quốc gia New Zealand, Đức, Phần Lan, Bangladesh…, những hành động nhanh chóng và quyết đoán của những nữ lãnh đạo đã giúp cho số ca mắc và tử vong thấp hơn.
Đơn cử, New Zealand khá thành công trong việc khống chế đại dịch Covid-19 sau khi áp đặt một đợt phong tỏa nghiêm ngặt vào tháng 3 và đóng cửa biên giới. Trên toàn quốc chỉ có 25 người trong dân số 5 triệu người chết vì Covid-19. Theo Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern: “Điều cốt lõi trong cách ứng phó đại dịch của chúng tôi là một số nguyên tắc cơ bản xung quanh việc xét nghiệm, truy vết ca tiếp xúc, cách ly. Thêm vào đó là các hoạt động mà chúng tôi triển khai ở biên giới".
Mặc dù đại dịch Covid-19 đã chứng tỏ vai trò quan trọng của phụ nữ trong lãnh đạo và đưa ra quyết định, song tính đến tháng 12/2020, mới chỉ có 22 quốc gia có phụ nữ làm nguyên thủ quốc gia hoặc đứng đầu chính phủ các nước trên thế giới.
2. Hoa Kỳ có nữ Phó Tổng thống đầu tiên
Vào tháng 11/2020, bà Kamala Harris trở thành nữ Phó Tổng thống đắc cử đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ. Sau khi tuyên thệ nhậm chức vào tháng 1/2021, bà Harris sẽ gia nhập hàng ngũ các nữ phó tổng thống khác ở các quốc gia như: Bulgaria, Nicaragua, Liberia, Costa Rica, Venezuela, Gambia, Nam Sudan…
Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden cũng đã công bố một nhóm truyền thông cấp cao toàn phụ nữ - lần đầu tiên trong lịch sử Nhà Trắng.
3. Scotland phát miễn phí băng vệ sinh
Ngày 24/11, Quốc hội Scotland đã nhất trí thông qua dự thảo luật phát miễn phí băng vệ sinh do phát ngôn viên Bộ Y tế và Lao động Monica Lennon đề xuất. Theo đó, việc tiếp cận miễn phí với các sản phẩm như băng vệ sinh trở thành quyền lợi hợp pháp của mọi phụ nữ ở đây. Phụ nữ Scotland có thể lấy băng vệ sinh tại các cơ sở công cộng ở nhiều nơi. Chính quyền Scotland ước tính chi phí để triển khai đạo luật mới này khoảng 32 triệu USD/năm.
Sự kiện này đánh dấu một thắng lợi quan trọng của phong trào toàn cầu chống lại đói nghèo. Với 12,8% phụ nữ và trẻ em gái trên toàn thế giới sống trong cảnh nghèo đói, chi phí cho băng vệ sinh và các khoản thuế bổ sung khiến nhiều phụ nữ gặp khó khăn.
4. Tên mẹ sẽ được ghi trên giấy tờ tùy thân của con ở Afghanistan
Tại Afghanistan, Tổng thống Ashraf Ghani đã ký một đạo luật mới quy định rằng, lần đầu tiên các bà mẹ sẽ được ghi tên trên giấy khai sinh và thẻ căn cước của con mình, giúp phụ nữ dễ dàng nhận được giáo dục, chăm sóc sức khỏe và các giấy tờ khác cho con của họ. Thay đổi này sẽ đặc biệt có lợi cho những phụ nữ góa chồng, ly hôn hoặc đang nuôi con một mình.
Luật mới được đưa ra sau một chiến dịch truyền thông xã hội kéo dài 1 năm WhereIsMyName, ủng hộ quyền và trao quyền cho phụ nữ ở trong nước.
5. Các nhà lãnh đạo thế giới xác định lại tầm nhìn của Cương lĩnh hành động Bắc Kinh
Vào tháng 10/2020, dưới sự đồng chủ trì của Chủ tịch Đại hội đồng LHQ và UN Women, các nhà lãnh đạo đã cùng nhau tổ chức lễ kỷ niệm 25 năm Tuyên bố Bắc Kinh và Cương lĩnh hành động, lộ trình toàn diện nhất để thúc đẩy bình đẳng giới.
Hơn 100 quốc gia đã cam kết thực hiện các hành động cụ thể nhằm thúc đẩy việc thực hiện bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái ở mọi nơi. Một số cam kết bao gồm xóa bỏ phân biệt đối xử, chuẩn mực xã hội và định kiến giới; phù hợp với các cam kết về bình đẳng giới với nguồn tài chính phù hợp; củng cố các thể chế thúc đẩy bình đẳng giới; khai thác tiềm năng của công nghệ và đổi mới để cải thiện cuộc sống của phụ nữ và trẻ em gái; thường xuyên thu thập, phân tích và sử dụng số liệu thống kê về giới.
Sắp tới, mọi con mắt đang đổ dồn vào các hành động và cam kết mạnh mẽ để theo dõi nhanh quá trình thực hiện bình đẳng giới tại Diễn đàn Bình đẳng Thế hệ ở Mexico và Pháp vào năm 2021 và thông qua Liên minh Hành động Bình đẳng Thế hệ.
6. Trả lương bình đẳng cho các cầu thủ nữ ở Brazil và Sierra Leone
Brazil và Sierra Leone đã cùng với Australia, Anh, Na Uy và New Zealand công khai cam kết trả lương bình đẳng cho các cầu thủ bóng đá nữ và nam. Trên toàn cầu, chênh lệch lương theo giới là 16%, có nghĩa là lao động nữ kiếm được trung bình 84% so với thu nhập của nam giới. Đối với phụ nữ da màu, phụ nữ nhập cư và phụ nữ có con, sự khác biệt còn lớn hơn.
Ở Sierra Leone, cam kết bình đẳng bao gồm phí xuất hiện và tiền thưởng giành được cho đội tuyển nữ quốc gia. Tương tự như vậy ở Brazil, các tuyển thủ nữ sẽ được trả lương giống như các tuyển thủ quốc gia nam trong giai đoạn chuẩn bị và các trận đấu.
7. Kuwait ban hành luật mới để bảo vệ phụ nữ khỏi bạo lực gia đình
Vào tháng 9/2020, Kuwait đã ban hành luật mới về bảo vệ khỏi bạo lực gia đình, sau nhiều năm hoạt động tích cực từ các nhóm quyền phụ nữ Kuwait. Luật cho phép lập ra một Ủy ban quốc gia để đề ra các chính sách chống bạo lực gia đình và bảo vệ phụ nữ.
Luật cũng quy định việc thiết lập các nhà tạm trú và đường dây nóng để tiếp nhận các khiếu nại về bạo lực gia đình, cung cấp dịch vụ tư vấn và hỗ trợ pháp lý cho phụ nữ, đồng thời bảo vệ khẩn cấp để ngăn những kẻ lạm dụng tiếp xúc với nạn nhân của họ. Mặc dù luật bảo vệ gia đình mới là một bước tiến đối với quốc gia có mức độ lạm dụng gia đình cao, song vẫn còn nhiều việc phải làm trong việc thực thi luật và bãi bỏ các luật phân biệt đối xử.
Trên toàn thế giới, khi đại dịch Covid-19 xảy ra, tình trạng bạo lực đối với phụ nữ từ trước đến nay đã tăng mạnh. Các cuộc gọi đến đường dây trợ giúp đã tăng lên gấp 5 lần ở một số quốc gia trong những tuần đầu tiên của đợt bùng phát virus corona chủng mới. Một số khảo sát cho thấy, cứ 3 tháng thực hiện giãn cách xã hội lại có thêm 15 triệu phụ nữ bị bạo lực. Luật pháp và chính sách là vấn đề quan trọng để hạn chế bạo lực đối với phụ nữ và phục hồi sau những hậu quả kinh tế và xã hội do đại dịch Covid-19 gây ra.
8. "Đứa trẻ của năm" tôn vinh sức mạnh nữ giới và phụ nữ trong khoa học
Nhà khoa học và nhà phát minh 15 tuổi, Gitanjali Rao, đã được chọn là "Đứa trẻ của năm" đầu tiên của tạp chí TIME. Ngay từ khi còn nhỏ, Rao đã nghĩ về cách sử dụng khoa học và công nghệ để tạo ra sự thay đổi xã hội, như được thúc đẩy bởi mong muốn giới thiệu tính tích cực và tính cộng đồng với thế giới xung quanh.
Rao đã phát triển Kindly, một ứng dụng và tiện ích mở rộng của Chrome dựa trên trí tuệ nhân tạo có thể phát hiện bắt nạt trực tuyến ở giai đoạn đầu. Rao đang nghiên cứu một phương tiện rẻ tiền và chính xác để phát hiện các chất gây ô nhiễm sinh học trong nước.
9. New Zealand bổ nhiệm người phụ nữ bản địa đầu tiên làm Bộ trưởng Ngoại giao
Bà Nanaia Mahuta trở thành phụ nữ bản địa đầu tiên được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Ngoại giao New Zealand vào tháng 11/2020. Trước đó, bà Mahuta (người Maori) từng lần đầu tiên được bầu vào quốc hội vào năm 1996. Bà đã làm nên lịch sử với tư cách là thành viên phụ nữ đầu tiên của quốc hội có hình xăm truyền thống ở cằm.
New Zealand cũng có một trong những quốc hội đa dạng nhất trên thế giới, do Thủ tướng Jacinda Ardern lãnh đạo, với gần một nửa số nhà lập pháp là phụ nữ và khoảng 10% nghị sĩ sắp tới là thành viên của cộng đồng LGBT.
10. Hai phụ nữ cùng đoạt giải Nobel Hóa học
Vào tháng 10/2020, Emmanuelle Charpentier và Jennifer A. Doudna đã được trao giải Nobel Hóa học cho công trình nghiên cứu cách chỉnh sửa DNA, được gọi là Crispr-Cas9. Hai nhà khoa học đã nỗ lực biến các phân tử do vi khuẩn tạo ra thành một công cụ để tùy chỉnh gene.
Chiến thắng chung của Tiến sĩ Charpentier và Tiến sĩ Doudna đánh dấu lần đầu tiên trong lịch sử giải thưởng này đồng thuộc về 2 phụ nữ và họ cũng là phụ nữ thứ 6 và thứ 7 đoạt giải Nobel Hóa học.