Miền Bắc đã trở lạnh. Thời tiết chuyển mùa sẽ khiến các bé dễ mắc các bệnh đường hô hấp như viêm mũi dị ứng, sổ mũi, cảm cúm...do hệ thống miễn dịch cơ thể còn yếu. Sau đây là 10 lưu ý dành cho mẹ bảo vệ sức khỏe của con khi tiết trời trở lạnh.
- Cho con uống nước gừng với đường mỗi ngày
Trong thời tiết lạnh dưới 10 độ C, làm sao bảo vệ con khỏi ốm? Đây là mẹo vô cùng hữu hiệu mà mẹ không thể không biết.
Gừng được coi là loại “thần dược” cho sức khỏe, chứa rất nhiều chất chống oxy hóa, cùng các hoạt chất khác bảo vệ cơ thể khỏi vi khuẩn, vi-rút gây hại. Bên cạnh đó, gừng còn có tính nóng, giúp giữ ấm cơ thể vô cùng tốt. Trong những ngày rét kỷ lục này, mẹ hãy nhớ cho con uống nước gừng hằng ngày vào sáng khi thức dậy và buổi tối trước khi đi ngủ nhé.
Cách làm nước gừng cũng rất đơn giản, mẹ chỉ cần cạo vỏ gừng tươi, thái lát mỏng, đun với nước cho sôi rồi cho một chút đường vào để dễ uống hơn. Uống nước gừng mỗi ngày là mẹo bảo vệ con khỏi ốm cực hữu hiệu.
- Ngâm chân cho con hằng ngày trước khi đi ngủ
Ngâm chân với nước ấm cùng với gừng, chanh hoặc thảo dược có tác dụng giúp máu lưu thông tốt hơn, giữ ấm cơ thể và bài trừ khí độc khỏi cơ thể. Việc ngâm chân còn giúp bé ngủ ngon hơn, không bị thức giấc giữa đêm, nhờ đó mà tăng cường sức đề kháng để phòng tránh bệnh tật.
- Luôn chú ý đến dinh dưỡng của trẻ
Với trẻ sơ sinh, hãy đảm bảo con được bú mẹ từ những giờ đầu sau sinh và duy trì đến 2 tuổi. Đối với trẻ bắt đầu ăn dặm được thì nên bổ sung nhiều rau, hoa quả và cho trẻ ăn chín. Mẹ hãy cho con uống nhiều nước hơn, ăn đủ chất dinh dưỡng, tăng cường rau xanh và hoa quả để tăng sức đề kháng. Trẻ bị bệnh hô hấp thường tiêu hóa kém nên cơ thể không hấp thu được nhiều chất dinh dưỡng, vì thế, khi nấu thức ăn cho trẻ, mẹ nên chia thành nhiều bữa nhỏ và nấu dạng lỏng để trẻ tiêu hóa dễ dàng hơn.
- Không hút thuốc lá và không cho bé tiếp xúc với khói thuốc lá
Đặc biệt, khi trong nhà có trẻ bị viêm phế quản thì người lớn tuyệt đối không được hút thuốc vì điều này gây bất lợi cho quá trình điều trị bệnh. Nói chung, thuốc lá cực kỳ có hại cho phổi người lớn lẫn trẻ nhỏ. Thuốc lá gây tác hại cho trẻ nhiều hơn so với người lớn do cơ thể trẻ còn non nớt.
- Nhà cửa luôn thông thoáng, sạch sẽ
Nhà cửa sạch sẽ, thông thoáng sẽ giúp không khí trong nhà luôn thoáng đãng, không ẩm mốc. Đặc biệt, vào thời gian này, miền Bắc hay phải đối phó với gió nồm. Độ ẩm quá lớn, ngoài trời mờ mịt như sương mù, trong nhà thì sàn nhà “đổ mồ hôi” ướt nhèm nhẹp khiến mọi sinh hoạt cá nhân của mọi người đều bị ảnh hưởng. Đáng nói, độ ẩm lớn còn tạo điều kiện cho nấm mốc, virút phát triển gây bệnh cho trẻ. Chính vì vậy, mẹ nên giặt giũ thường xuyên chăn, ga, gối cho bé, đề phòng nấm mốc.
Luôn giữ ấm cơ thể cho trẻ ngày lạnh |
- Hạn chế đưa trẻ đến nơi đông người trong mùa dịch bệnh
Nơi đông người luôn ẩn chứa nhiều dịch bệnh nguy hiểm. Nếu con bệnh và cần đi khám, mẹ hãy cho con mang khẩu trang khi đến nơi có nhiều người bệnh.
- Trẻ đi học nhớ mang khẩu trang
Trẻ đi học, phải ra đường trong trời rét, rất dễ cảm lạnh nếu không bảo vệ vùng mũi họng. Nhớ cho trẻ đeo khẩu trang bảo vệ mũi miệng, khăn cổ khi đi đường, dặn trẻ khi chơi ở sân trường nên tránh gió lùa, hay hoạt động nhiều gây ra mồ hôi.
- Không bao giờ quên khăn quàng, găng tay và áo khoác dày khi ra ngoài
Trong trường hợp mẹ cần đưa con ra ngoài trời thì một nguyên tắc không bao giờ được phép quên, đó là luôn nhớ quàng khăn ấm, đeo găng tay và mặc áo khoác dày cho bé. Cơ thể của trẻ nhỏ yếu đuối hơn người lớn, vì thế bé ít chống chịu được cái lạnh hơn. Thế nên, việc giữ ấm vào bảo vệ con khỏi khí lạnh là rất cần thiết. Mẹ đừng bao giờ quên mẹo bảo vệ con khỏi ốm này nhé.
- Tăng cường cho con ăn rau xanh và trái cây
Các loại rau xanh và trái cây chứa hàm lượng vitamin C rất cao, có tác dụng làm tăng sức đề kháng. Nhờ thế mà bé khỏe mạnh và chống chịu tốt hơn với thời tiết khắc nghiệt. Thời tiết giá lạnh nên có thể bé sẽ lười ăn những thực phẩm này. Mẹ có thể ép thành nước trái cây, hâm nóng một chút cho con dễ uống nhé.
- Khuyến khích bé khạc đờm
Nếu con xuất hiện nhiều đờm,mẹ đặt tai lên ngực con nghe tiếng khò khè, hoặc con ho sòng sọc thì mẹ nên khuyên con khạc đờm ra ngoài chứ không được nuốt. Đối với trẻ chưa biết khạc đờm, mẹ phải hút đờm giúp bé và vệ sinh mũi. Chú ý khi rửa mũi, phải hút ra nước mũi trong thì mới mau sạch mũi-họng.