pnvnonline@phunuvietnam.vn
2 nơi cha mẹ nên đưa con đến thường xuyên
Câu chuyện về một em học sinh tên Yoyo (Trung Quốc) từng nhận được nhiều sự chú ý. Có thành tích học tập xuất sắc, giành giải thưởng trong các cuộc thi piano, khiêu vũ và vẽ tranh, Yoyo luôn là niềm tự hào của cha mẹ và được giáo viên khen ngợi hết lời.
Bố mẹ Yoyo cũng chú trọng việc khuyến khích con học hành chăm chỉ, thường chỉ đưa con đến các lớp học năng khiếu hoặc thư viện. Cậu bé hiếm khi ra ngoài hoạt động, ít giao du với bạn bè. Dưới sự nuôi dạy của cha mẹ, Yoyo suốt ngày chỉ biết học, cuối cùng đỗ vào trường trung học trọng điểm.
Nhưng mới bước vào cấp ba, cha mẹ em lại bắt đầu gây áp lực: Phải làm sao để có bằng tốt nghiệp đại học lớn để tìm được một công việc tốt. Gánh nặng tâm lý nặng nề khiến thành tích học tập của em không được như xưa. Khi tâm sự với bố mẹ, Yoyo còn bị mắng vì họ cảm thấy con quá lười biếng, ngu dốt.
Mãi đến khi nhận ra con bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu không bình thường, họ mới đưa con đi khám và phát hiện ra con bị trầm cảm. Yoyo sau đó phải làm thủ tục bảo lưu kết quả học. Đã hơn một năm trôi qua, không biết bao giờ Yoyo mới có thể trở lại trường.
Các bậc cha mẹ thường tâm sự rằng con cái mình luôn than đang chịu nhiều áp lực học hành, hay tỏ ra chán nản, thiếu hứng thú, thậm chí đòi bỏ học. Độ tuổi thì rất đa dạng, không chỉ học sinh cấp 2, cấp 3 mà cả tiểu học. Thật ra, vấn đề của con cái có thể nhìn ra từ cha mẹ.
Trong tâm lý học có một khái niệm "kháng cự thất vọng". Có nghĩa là, những người có khả năng chống lại thất bại mạnh mẽ cũng sẽ có những cảm xúc tiêu cực như lo lắng, buồn bã và khó chịu khi gặp thất bại, nhưng họ sẽ sớm dùng ý chí, tầm nhìn dài hạn và tư duy thực tế để nhìn ra những khó khăn để vượt qua.
Nói cách khác, họ thừa nhận có thất bại, nhưng không phủ nhận chính mình, càng vượt qua sóng to gió lớn thì càng quật cường, dũng khí.
Làm thế nào để khả năng "kháng cự thất bại" của trẻ mạnh mẽ hơn và tinh thần khỏe mạnh hơn? Kinh nghiệm rút ra là đừng chỉ như bố mẹ Yoyo, suốt ngày ép con học, quẩn quanh trong 4 bức tường. Nên đưa con đến 2 nơi này, bạn sẽ ngạc nhiên về hiệu quả mà nó mang lại:
Đầu tiên, một nơi có thể vận động
Khi thế hệ cha mẹ chúng ta còn nhỏ, hầu như không ai thiếu vận động. Giờ nghỉ giữa các tiết học sẽ được tận dụng triệt để thực hiện các động tác như nhảy dây, nhảy lò cò... Sau giờ học, chúng ta hoặc giúp bố mẹ lao động, hoặc chơi đùa với bạn bè đến khi toát mồ hôi hột mới miễn cưỡng về nhà.
Trẻ em ngày nay có thời lượng hoạt động thể chất quá ít. Trong khi tập thể dục có thể giúp điều chỉnh trạng thái tinh thần vì nó làm tăng nồng độ serotonin, norepinephrine và dopamin trong cơ thể - tất cả đều là chất dẫn truyền thần kinh quan trọng cho suy nghĩ và cảm xúc.
Chúng ta nên đưa con cái đến những nơi mà chúng có thể tập thể dục, chẳng hạn như phòng bóng bàn, cầu lông, bóng rổ và sân tennis, bể bơi, đi leo núi... Các môn thể thao theo nhóm sẽ cho phép trẻ em cảm nhận và hiểu rõ bản thân, không ngừng vấp ngã và đứng dậy, tăng cường sự linh hoạt về tâm lý.
Bản thân các môn thể thao cá nhân cường độ cao như bơi lội, chạy đường dài đã là một thử thách đối với sự kiên trì, sau khi vượt qua khó khăn, trẻ sẽ hun đúc khả năng chống thất bại. Đồng thời, bằng cách cho trẻ tiếp xúc với các loại hình thể thao khác nhau, trẻ cũng có thể giải tỏa căng thẳng.
Thứ hai, những nơi có cảnh quan thiên nhiên phong phú
Nhiều nghiên cứu đã phát hiện ra rằng việc tiếp xúc với thiên nhiên có thể cải thiện giấc ngủ, giảm căng thẳng, tăng cường sức khỏe, giảm cảm xúc tiêu cực, thúc đẩy các tương tác xã hội tích cực và thậm chí góp phần tạo nên ý nghĩa trong cuộc sống.
Do đó, việc đưa nhiều trẻ em đến với thiên nhiên là một lựa chọn rất tốt. Trẻ có thể bị thu hút bởi các sản phẩm điện tử và không muốn ra khỏi nhà, nhưng mỗi khi được đưa ra ngoài, chúng sẽ hào hứng đến mức không muốn về.
Tốt nhất nên đưa trẻ đến những nơi có cảnh quan thiên nhiên phong phú, hệ sinh thái nguyên bản hơn, nơi trẻ có thể ngửi thấy mùi thơm của hoa, của đất, nghe thấy tiếng côn trùng, tiếng chim hót, cảm nhận được làn gió nhẹ. Trải nghiệm càng phong phú tâm trí càng dễ dàng được chữa lành.
Cha mẹ ngày xưa tuy không hiểu biết nhiều về giáo dục nhưng đã vô tình tôn trọng quy luật lớn lên của trẻ, đáp ứng yêu cầu phát triển thể chất và tinh thần của trẻ. Vì vậy, sức đề kháng trước thất bại của trẻ cũng mạnh mẽ hơn. Cha mẹ ngày nay quan tâm nhiều hơn đến giáo dục, nhưng áp dụng sai cách dẫn đến phản tác dụng. Trong điều kiện hiện nay, nếu muốn nâng cao khả năng chống thất bại của con, bạn nên đưa trẻ đi khám phá 2 nơi nói trên. Bạn sẽ ngạc nhiên về hiệu quả mà nó mang lại.