pnvnonline@phunuvietnam.vn
2 phụ nữ Việt tại Ả Rập Xê-út cầu cứu vì hết hạn hợp đồng lao động chưa được về nước
Anh Điệp và 2 con đang mong mẹ từng ngày. Ảnh: Lương Diễn
Bị đánh đập, hết hạn hợp đồng chưa được về nước
Anh Quách Văn Điệp, thôn Bãi Hưng, xã Phượng Nghi, huyện Như Thanh (Thanh Hóa), đã gửi đơn cầu cứu khắp nơi suốt hơn 1 năm qua vì vợ anh, chị Cao Thị Huyền (29 tuổi), giúp việc nhà ở Ả Rập Xê-út, dù đã hết hạn hợp đồng nhưng chưa được về nước.
Anh Điệp cho biết, vì mong muốn thoát nghèo, chị Huyền ký hợp đồng với Công ty Cổ phần đầu tư Vĩnh Cát (địa chỉ Hà Nội), để đi xuất khẩu lao động giúp việc nhà tại Ả Rập Xê-út trong 24 tháng, với mức lương khoảng 9 triệu đồng/tháng.
Chị Huyền xuất cảnh từ tháng 5/2017. Ngày đầu mới nhận việc, chị vẫn được dùng điện thoại để liên lạc với gia đình. Trong những lần ít ỏi nói chuyện với chồng, chị kể bị chủ nhà chửi mắng, đánh đập dù phải làm việc vất vả.
"Vợ tôi kể phải làm việc 17 giờ/ngày, ăn uống kham khổ, từ 45kg sụt xuống chỉ còn 38kg. Thậm chí có thời điểm còn bị nợ lương đến 7-8 tháng. Chủ nhà không cho cô ấy dùng điện thoại để gọi về nhà, chúng tôi mất liên lạc cả năm trời nay", anh Điệp nói.
Tháng 5/2019, hợp đồng lao động hết hạn nhưng chị Huyền vẫn không được về nước. Anh Điệp nhiều lần liên hệ trực tiếp lãnh đạo công ty Vĩnh Cát nhưng chỉ nhận được những lời hứa hẹn.
"Lúc nào họ cũng trả lời vợ tôi đang làm thủ tục exit, chỉ vài ngày nữa sẽ về nhưng đến nay đã hơn 1 năm vẫn chưa có thông tin gì, không biết vợ tôi còn sống hay đã chết?", anh Điệp cho hay.
Những lời hứa suông
Tháng 11/2019, trả lời thư của anh Điệp, ông Nguyễn Gia Liêm, Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đã gửi công văn yêu cầu Công ty Vĩnh Cát khẩn trương phối hợp với đối tác nước ngoài để sớm đưa chị Huyền về nước an toàn.
Thời điểm đó, ông Nguyễn Thanh Sơn, Tổng giám đốc Công ty Vĩnh Cát, ký cam kết: "Sẽ can thiệp để đưa chị Huyền về nước trong thời gian 30 ngày". Thế nhưng đó vẫn chỉ là lời hứa suông.
Anh Điệp cho biết, tháng 4/2020, anh nhờ người quen đang ở Ả Rập Xê-út liên hệ với chủ nhà để hỏi thăm chị Huyền. Qua điện thoại, chị Huyền khóc cầu cứu: "Nhà chủ không cho em dùng điện thoại. Họ còn nợ 2 tháng lương chưa trả. Ở đây ngày nào em cũng bị đánh đập. Họ ép em làm quá trời luôn, sức khỏe em không làm nổi nữa, em muốn về ngay bây giờ, cứu em với".
Tương tự, bà Trương Thị Quế (44 tuổi, ở xã Mậu Lâm, huyện Như Thanh) cũng là lao động giúp việc ở Ả Rập Xê-út thông qua Công ty Vĩnh Cát. Dù hết hạn hợp đồng từ tháng 11/2019 nhưng đến nay bà Quế vẫn chưa được về nước.
"Tôi không liên lạc được với vợ từ tháng 4/2019. Lương cũng không thấy gửi về, không biết vợ ra sao. Những người cùng chuyến bay xuất cảnh với vợ tôi đều đã về nước", ông Quách Văn Mẹo, chồng bà Quế, lo lắng nói.
Ông Mẹo đã gửi nhiều đơn thư cầu cứu đến các cơ quan chức năng nhưng vẫn chưa có kết quả.
Gần đây nhất, tháng 7/2020, bà Quế đã liên lạc được với gia đình. Bà cho biết mỗi lần hỏi tiền lương, nhà chủ đều mắng chửi nhưng không giải quyết cho về nước.
Ông Lê Đình Toàn, Phó tổng giám đốc công ty Vĩnh Cát, Giám đốc chi nhánh Thanh Hóa, từ chối trao đổi liên quan đến an toàn của người lao động, dù ông Toàn là người trực tiếp ký hợp đồng đưa những người này xuất cảnh.
"Hiện giờ chi nhánh Thanh Hóa đã dừng hoạt động, mọi vấn đề đều do tổng giám đốc công ty phụ trách", ông Toàn thoái thác.
Trao đổi về vấn đề này, ông Trịnh Ngọc Dũng, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa, cho biết: "Sở đang yêu cầu công ty Vĩnh Cát chi nhánh tại Thanh Hóa báo cáo bằng văn bản, chúng tôi sẽ thông tin lại".