pnvnonline@phunuvietnam.vn
2 tháng giành giật sự sống cho bệnh nhân ngoại quốc bị thủng dạ dày
Ê-kíp bác sĩ phẫu thuật cho bệnh nhân
Ngày 1/9, Bệnh viện FV (TPHCM) cho biết các bác sĩ của bệnh viện vừa phẫu thuật, chăm sóc thành công cho bệnh nhân là ông Kong Kham Pravong (quốc tịch Pháp) khi nhập viện cấp cứu được đánh giá "nặng chưa từng thấy".
Trước đó, bệnh nhân trải qua 2 ca phẫu thuật vá lỗ thủng dạ dày, cắt lách, đặt hỗng tràng nuôi ăn tại Campuchia nhưng bị biến chứng.
Bệnh nhân vào viện cấp cứu trong tình trạng nặng, bị nhiễm trùng huyết do nấm và suy dinh dưỡng nặng, cơ thể suy kiệt trầm trọng. Các bác sĩ đánh giá cơ hội sống của bệnh nhân chỉ khoảng 20%.
Bệnh nhân sau đó trải qua ca phẫu thuật 6 tiếng do các bác sĩ khoa Ngoại tổng quát thực hiện. Khi mở ổ bụng bệnh nhân, các bác sĩ phát hiện lỗ thủng lớn dạ dày từ tâm vị, mặt sau phình vị đến thân dạ dày. Ê-kíp mổ nghi ngờ có thể do ung thư, trong trường hợp đó thì cơ hội sống của bệnh nhân hầu như không còn. Rất may, kết quả giải phẫu bệnh cho thấy tổn thương lành tính, do vậy các bác sĩ đã quyết tâm bằng mọi cách nỗ lực cứu sống người bệnh.
Tuy nhiên 1 tháng sau, các bác sĩ phát hiện ra đại tràng góc lách của bệnh nhân bị rò. Lỗ thủng ở đại tràng rỉ chất bẩn ra tầng trên ổ bụng, đồng thời mỏm thực quản và mỏm tá tràng cũng rò dịch ra vị trí này.
"Điều này nguy hiểm vì chất bẩn tràn ngay khu vực mình đang ra sức bảo vệ để không còn nhiễm khuẩn. Do đó, chúng tôi bắt buộc phải phẫu thuật lần 2", bác sĩ Phan Văn Thái, Trưởng khoa Ngoại tổng quát, nhận định.
Các bác sĩ quyết định chọn phương pháp can thiệp ít xâm lấn, an toàn hơn đó là đưa hồi tràng ra da (hậu môn nhân tạo đoạn cuối ruột non) bằng một vết thương nhỏ; đồng thời tiến hành phẫu thuật nội soi khu trú vào vùng đại tràng xì rò nhiễm trùng ở tầng trên ổ bụng, súc rửa sạch , thiết lập các hệ thống dẫn lưu để cô lập và giải thoát vùng nhiễm trùng ra ngoài, tránh rò rỉ vào ổ bụng gây nhiễm trùng lan tỏa nguy hiểm.
Hai ca mổ được xem là đã cứu sống bệnh nhân ngoạn mục, song theo bác sĩ đánh giá, để bệnhnhân phục hồi tốt sau mổ phụ thuộc rất lớn vào chăm sóc hậu phẫu. Mỗi ngày có 2 điều dưỡng và 1 hộ lý thay băng 3 lần; súc rửa, hút dịch qua ống dẫn lưu; xoay trở người để tránh loét; cho bệnh nhân dùng đúng liều kháng sinh, kháng nấm.
Bên cạnh đó, bệnh nhân được nuôi ăn bằng đường tĩnh mạch và qua ống nuôi ăn, với liều lượng được tính toán kỹ bởi bác sĩ khoa Dinh dưỡng. Dần dà, bệnh nhân tự ngồi được và đi lại trong khoảng cách nhỏ, tập vật lý trị liệu để phục hồi chức năng.
Sau hơn 2 tháng điều trị, bệnh nhân đã được xuất viện, bay trở về Pháp với sự đồng hành, đảm bảo sức khỏe của bác sĩ bệnh viện. Theo các bác sĩ, khoảng 1 năm nữa khi thể lực phục hồi tốt, bệnh nhân cần thực hiện ca phẫu thuật tái lưu thông đường tiêu hóa, nối lại thực quản với ruột non.