Trong 3 nữ lao động ngoài doanh nghiệp thì có 1 người không được học nghề (ảnh Nam Trần) |
Học viện Phụ nữ Việt Nam vừa công bố “Báo cáo kết quả điều tra lao động nữ miền Bắc Việt Nam”, với 1.003 nữ lao động thuộc 5 tỉnh/thành là Hà Nội, Ninh Bình, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Lạng Sơn. Theo Báo cáo này, trung bình 5 nữ lao động đang làm trong doanh nghiệp thì có 1 người gần như không học nghề mà làm việc luôn (chiếm 20%). Đặc biệt, số lao động nữ trả lời không được học nghề có độ tuổi rất trẻ (15 đến 20 tuổi) chiếm tỷ lệ cao nhất (35,6%) so với các độ tuổi khác. Điều này cũng đồng nghĩa là ở độ tuổi trẻ, số trường hợp phải lao động ngay thường thiếu kinh nghiệm nghề.
Với nữ lao động ngoài doanh nghiệp thì tỷ lệ không qua đào tạo còn cao hơn. Cụ thể, cứ 3 nữ lao động thì có 1 người hầu như không được học nghề trước khi làm việc. Cùng với đó, nhóm này có số lượng rất thấp (6,2%) trả lời là có thể dễ dàng tìm việc ở các doanh nghiệp.
Hơn 50% lao động ngoài doanh nghiệp mong muốn được học nghề; trong đó nhu cầu học ngề cao ở nhóm 20 tuổi. Trái lại, nhóm nữ lao động trên 30 tuổi thì mong muốn học nghề thấp hơn rõ rệt so với nhóm tuổi khác.
Trao đổi với PV Báo Phụ nữ Việt Nam, bà Hà Thị Thanh Vân, Phó Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam, chia sẻ một thực tế, không ít lao động nữ có quan niệm: Không cần phải học thêm gì cả, bởi các doanh nghiệp tuyển công nhân chỉ cần có bằng phổ thông. Vì thế, các chị em không mất thời gian đào tạo mà vẫn có việc làm. Bà Thanh Vân cho rằng: “Phần lớn doanh nghiệp sử dụng lao động đến độ tuổi nhất định rồi thay thế dần. Đến khi lao động ra khỏi nơi làm việc mà không có chứng chỉ, kỹ năng nghề thành thạo, thì sẽ không thể có việc làm bền vững”.
Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng với các nước trong khu vực và thế giới, khả năng cạnh tranh của lao động Việt Nam với các nước vẫn ở mặt bằng thấp. Trước sự cạnh tranh lao động giữa các nước, rất có thể xảy ra tình trạng lao động Việt Nam bị thất nghiệp ngay chính trên mảnh đất của mình. Theo bà Thanh Vân, cần phải tính tới việc coi học nghề với phụ nữ vừa là quyền, vừa là nghĩa vụ đặc biệt. “Cần có kiến thức, kỹ năng nhất định để sử dụng lâu dài bằng chứng nhận bằng kỹ năng nghề, thì phụ nữ mới thực sự tham gia tốt quá trình lao động, tạo ra thu nhập cho bản thân, gia đình và tạo việc làm cho người khác nữa”.
Chính vì vậy, bà Thanh Vân khuyến cáo: Bản thân mỗi lao động nữ phải có những quyết tâm, nỗ lực và tự xác định được bước đi lâu dài, không chỉ cho bản thân mà còn là cơ sở để tạo dựng năng lực cho thế hệ tương lai. Theo bà Thanh Vân, lao động nữ quá vất vả sẽ không có nhiều điều kiện quan tâm, chăm sóc con và thiếu điều kiện để hỗ trợ, định hướng cho con em. Bên cạnh đó cần có sự quan tâm, hướng nghiệp và chương trình giáo dục tốt cho trẻ em gái, trong đó quan tâm tới khía cạnh giới, để có nguồn lao động nữ chất lượng cao trong tương lai.
Tại Hội thảo “Nghiên cứu xây dựng kế hoạch chiến lược đào tạo nguồn nhân lực nữ chất lượng cao giai đoạn 2016 - 2020” ngày 21/4, do Học viện Phụ nữ Việt Nam và trường Đại học Chung Ang - Hàn Quốc đồng thực hiện (Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc - KOICA tài trợ), nhóm nghiên cứu cho rằng: Hiện nay Việt Nam mới có tiêu chí trường nghề chất lượng cao, nhưng lại chưa có tiêu chí lao động chất lượng cao. Qua đó, đưa ra 3 tiêu chí về lao động chất lượng cao chung cho nam và nữ là: Thể lực, Trí lực và Tâm lực; đồng thời khuyến nghị cần đảm bảo quyền hỗ trợ cho lao động nữ một cách tốt nhất. |