Chúng ta biết rằng, trẻ em luôn là đối tượng cần được gia đình và toàn xã hội đặc biệt quan tâm trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Việc thể chế hoá mối quan tâm này một cách cụ thể, toàn diện, phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội là đòi hỏi mang tính cấp thiết. Dự thảo Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi) với tên gọi mới: Luật Trẻ em đã đưa ra các quy định mang tính toàn diện, bắt kịp được những thay đổi của sự phát triển, sự thống nhất và đồng bộ trong hệ thống pháp luật cùng tâm, sinh lý và sự phát triển tự nhiên của trẻ em.
Đối với sự phát triển của một đứa trẻ, gia đình, trong đó cha mẹ và người chăm sóc, có ảnh hưởng và vai trò rất lớn. Để một đứa trẻ khoẻ mạnh, thông minh, phát triển theo đúng độ tuổi, đặc biệt là chăm sóc, nuôi dưỡng những năm đầu đời thì vai trò của cha mẹ, nhất là người mẹ có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Môi trường gia đình luôn là môi trường an toàn và có ảnh hưởng nhất đến sự phát triển của trẻ. Do vậy, chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em là nhiệm vụ qua trọng trong đó rất cần thiết khuyến khích và tăng cường vai trò của cha mẹ, gia đình.
Với góc độ là tổ chức đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các tầng lớp phụ nữ và trẻ em, tại Hội thảo “Lồng ghép giới trong dự thảo Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em”do Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức đã có một số ý kiến tham gia đề xuất để dự thảo luật được đầy đủ và hoàn thiện hơn.
Thứ nhất, quy định về “Trẻ em”: Có bao gồm cả thai nhi không?
Trong chăm sóc và phát triển toàn diện trẻ thơ, các chuyên gia hiện đang khuyến nghị tập trung chăm sóc và phát triển trẻ trong 1000 ngày đầu đời, bao gồm cả thời kỳ còn là thai nhi và 2 năm đầu đời. Đã có những nghiên cứu khoa học về y học, tâm lý và giáo dục học của thế giới cho thấy quá trình hình thành và phát triển của thai nhi trong hơn 9 tháng nằm trong bụng mẹ là quá trình lớn lên và tăng trưởng của một một con người cả về thể chất và trí tuệ. Ở thời kỳ này với sự phát triển của não bộ, các bộ phận của cơ thể hoàn thiện dần dần với đầy đủ các chức năng của nó. Đặc biệt với sự phát triển của não phải, thai nhi có thể tiếp nhận được những thông tin, những suy nghĩ, tình cảm.. của người mẹ qua khả năng thần giao cách cảm giữa mẹ và con.Trong thời điểm này, nếu người mẹ bị những tổn thương về tâm lý, sang chấn tinh thần dẫn đến tình trạng stress thì thai nhi cũng sẽ bị ảnh hưởng và sẽ có các phản ứng tiêu cực đối với sự phát triển của thai nhi cũng như sau khi bé đã ra đời.
Ảnh minh họa |
Vì vậy, để kích hoạt não bộ con người phát triển tốt ngay từ khi còn là thai nhi, khoa học giáo dục hiện đại của thế giới đã hình thành phương pháp “Thai giáo” đây là phương pháp tác động giúp trẻ phát triển được các tiềm năng về thể lực và trí tuệ ngay từ khi bé còn nằm trong bụng mẹ. Ở Việt Nam trong những năm gần đây cũng đã có nhiều gia đình thực hiện phương pháp này cho các bà mẹ mang thai và đã thu được những kết quả bước đầu làm thay đổi quan niệm, thái độ của các cặp vợ chồng về bảo vệ, giáo dục và chăm sóc con không chỉ là sau khi sinh mà phải bắt đầu khi bé còn là thai nhi.
Tuy nhiên, thực trạng cho thấy vì không coi thai nhi là trẻ em, nên trong xã hội-nhất là lứa tuổi vị thành niên và thanh niên đã tùy tiện trong sinh hoạt tình dục gây ra nhiều hậu quả khôn lường. Tình trạng nạo phá thai ở nước ta đứng thứ 5 trong các nước có tỷ lệ nạo phá thai cao nhất thế giới. Thậm chí có những người phụ nữ mang thai bị bạo hành về thể xác và tinh thần, bị bóc lột lao động và tình dục, bị rủ rê, mua chuộc vào các tệ nạn xã hội như nghiện các chất kích thích, tiêm chích ma túy dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe của mẹ và con khi còn là thai nhi và cả tương lai của đứa trẻ sau này.
Dự thảo Luật đã có một số điều quy định về chăm sóc sức khoẻ trẻ em và bà mẹ mang thai; chăm sóc trước sinh, do vậy, chúng tôi đề xuất dự thảo Luật nên cân nhắc đến quy định về việc coi thai nhi là đối tượng được luật bảo vệ.
Thứ hai, về quyền được bú sữa mẹ của trẻ
Dự thảo Luật hiện đang quy định 25 quyền của trẻ em, đều là những quyền cơ bản, không thể thiếu. Tuy nhiên, nếu xét ở góc độ chăm sóc, nuôi dưỡng và phát triển toàn diện của trẻ thì cần cân nhắc đưa vào dự thảo quyền được bú sữa mẹ của trẻ dưới 24 tháng tuổi.Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), chế độ dinh dưỡng tốt cho trẻ trong giai đoạn từ sơ sinh đến 24 tháng tuổi đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển thể chất trong suốt cuộc đời trẻ. Do đó, WHO khuyến nghị, trẻ sơ sinh cần được bú sớm trong vòng 1 giờ đầu sau khi sinh và được nuôi hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời, sau đó ăn bổ sung hợp lý nhưng vẫn duy trì bú sữa mẹ đến 24 tháng tuổi. Chế độ dinh dưỡng hợp lý trong suốt thời gian này sẽ cải thiện sự tăng trưởng và phát triển thể chất, thành tích học tập của trẻ, mặc dù vậy thực tế tại Việt Nam, các bà mẹ không có thói quen tốt trong việc nuôi con bằng sữa mẹ khiến tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em vẫn ở mức cao. Việc thực hiện chăm sóc dinh dưỡng hợp lý như: cho trẻ bú mẹ trong vòng một giờ đầu sau khi sinh, cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và một chế độ ăn hợp lý sẽ mang lại cho trẻ bước khởi đầu khỏe mạnh. Hiện nay ở Việt Nam, chỉ có 10% bà mẹ nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu trong khi tỷ lệ này ở Campuchia là 65%, trung bình châu Á là 40%... Tại các thành phố lớn, chỉ có 1 trong số 3 bà mẹ cho con bú ngay trong vòng một giờ đầu sau sinh, trong khi đó tại các vùng nông thôn là 2 trong 3 phụ nữ.
Bú sữa mẹ là một biện pháp quan trọng hàng đầu nhằm giúp cho trẻ phát triển toàn diện cả về thể chất, tinh thần và trí tuệ. Lợi ích của việc trẻ được bú sữa mẹ đối với sức khỏe trẻ em, bà mẹ, gia đình và xã hội đã được thừa nhận. Sữa mẹ cung cấp cho trẻ những chất dinh dưỡng cần thiết, những kháng thể chống bệnh tật giúp trẻ khoẻ mạnh. Cho trẻ bú mẹ có thể làm giảm tỷ lệ mắc và mức độ nghiêm trọng của các bệnh nhiễm trùng và do đó làm giảm nguy cơ tử vong sơ sinh. Theo ước tính của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), bú mẹ trong 6 tháng đầu sẽ làm giảm 1,3 triệu ca tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi mỗi năm trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, trẻ bú hoàn toàn sữa mẹ trong 6 tháng đầu sẽ góp phần làm giảm 13% ca tử vong của trẻ em dưới 5 tuổi. Cho trẻ bú sớm sau sinh và bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu sẽ làm giảm 22% các ca tử vong sơ sinh tại Việt Nam.
Tác phẩm đoạt đồng giải Nhì cuộc thi ảnh Bé sữa, Mẹ sữa và Gia đình sữa do NXB Phụ nữ và Hội Sữa mẹ Betibuti |
Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu về lợi ích của việc nuôi con bằng sữa mẹ, thậm chí có nhiều người hiểu nhưng vẫn không cho trẻ được bú mẹ do nhiều lý do khác nhau. Việc tuyên truyền để các bà mẹ hiểu về lợi ích của việc nuôi con bằng sữa mẹ là quan trọng, nhưng quan trọng hơn cả là quyền này được thể chế hoá trong luật để đảm bảo rằng, mọi trẻ sinh ra đều được bú mẹ theo đúng thời gian khuyến cáo của các nhà khoa học, trừ những trường hợp sữa mẹ có ảnh hưởng đến sức khoẻ của trẻ hoặc người mẹ mắc các bệnh truyền nhiễm có khả năng lây qua đường sữa mẹ.
Do vậy, việc đề xuất và khuyến nghị dự thảo Luật bổ sung 1 điều về quyền được bú sữa mẹ của trẻ ngay sau khi được sinh ra và bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời là một nội dung quan trọng. Trong trường hợp không thể bổ sung thì cần thiết bổ sung nội dung trẻ em được bú sữa vào điều 14: Quyền được chăm sóc sức khỏe
Thứ ba, về các nhóm trẻ có hoàn cảnh đặc biệt
Tại Điều 10 Luật quy định:Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt bao gồm: trẻ em mồ côi cả cha và mẹ; trẻ em bị bỏ rơi; trẻ em không nơi nương tựa; trẻ em khuyết tật; trẻ em nhiễm HIV/AIDS; trẻ em vi phạm pháp luật; trẻ em nghiện ma túy; trẻ em chưa hoàn thành phổ cập giáo dục phải bỏ học kiếm sống; trẻ em bị bạo lực; trẻ em bị bóc lột; trẻ em bị xâm hại tình dục.
Đề nghị bổ sung thêm nhóm trẻ em mắc các bệnh hiếm (bệnh về gien, xương thủy tinh, bạch biến…). Hiện nay, trẻ em ở Việt Nam tần suất mắc bệnh hiếm còn ít, tuy nhiên không phải không có, đã có một số ca mắc bệnh đang được điều trị tại viện huyết học truyền máu Trung ương, bệnh viện Nhi Trung ương liên quan đến máu và gien. Những trẻ em mắc bệnh này không được thanh toán bảo hiểm nên đã trở thành một gánh nặng về kinh tế rất lớn cho gia đình. Nếu thêm được đối tượng này vào luật sẽ không bỏ sót các nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, thêm nữa cũng đón đầu/ phòng trước vì hiện nay cả thế giới cũng đang quan tâm đến vấn đề các bệnh hiếm, nhất là tình hình An toàn thực phẩm đang báo động hiện nay.
Thứ tư, về tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em
Dự thảo Luật quy định tại điều 77: Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh là tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em với những nhiệm vụ cụ thể như: tổ chức lấy ý kiến, kiến nghị của trẻ em; thường xuyên lắng nghe, tiếp nhận, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của trẻ em; chuyển ý kiến đến cơ quan chức năng để giải quyết; theo dõi việc giải quyết và phản hồi trẻ em về kết quả giải quyết; báo cáo việc thực hiện trách nhiệm. Như vậy, trẻ em trên 6 tuổi đã có nhận thức nhất định về bản thân và sự phát triển xung quanh để có khả năng có ý kiến và kiến nghị với tổ chức đại diện cho mình. Vậy, còn đối tượng trẻ chưa thể nhận thức được vấn đề (trẻ dưới 6 tuổi), tổ chức nào sẽ đại diện hay các quyền của trẻ (dưới 6 tuổi) sẽ được thực hiện như thế nào. Trong khi đó, điều 92 khoản 5 dự thảo Luật chỉ quy định trách nhiệm của Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam phối hợp với tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em (Trung ương Đoàn) thực hiện giám sát việc bảo đảm quyền, lợi ích của trẻ em dưới 6 tuổi.
Thực tế cho thấy, trẻ dưới 6 tuổi là lứa tuổi chủ yếu gắn với gia đình, chịu ảnh hưởng nhiều của môi trường giáo dục gia đình, đặc biệt là cha mẹ. Các vấn đề của trẻ ở lứa tuổi này đều được thực hiện thông qua cha mẹ hoặc người chăm sóc trẻ, tuy nhiên, vẫn là các vấn đề về chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ. Do vậy, dự thảo Luật cần cân nhắc đến việc quy định tổ chức đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích của trẻ dưới 6 tuổi.
Trung ương Hội LHPN Việt Nam mong muốn những quy định của dự thảo Luật mới sẽ thể hiện được những nguyên tắc cơ bản về bình đẳng giới; phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm, chủ động phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan, tạo điều kiện để trẻ em được bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trong một môi trường tốt nhất.