pnvnonline@phunuvietnam.vn
4 thành tựu nổi bật của Việt Nam trong thúc đẩy bình đẳng giới
Bà Caroline T. Nyamayemombe (giữa), Trưởng đại diện UN Women tại Việt Nam, cùng các em học sinh Hà Giang bên lề sự kiện “Tô cam giấc mơ” - Trận bóng đá giao hữu kêu gọi chấm dứt bạo lực với phụ nữ và trẻ em, được tổ chức cuối năm 2023
Trong dịp này, bà Caroline T. Nyamayemombe, Trưởng đại diện Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho Phụ nữ (UN Women) tại Việt Nam, đã có những chia sẻ với Báo PNVN về việc thúc đẩy bình đẳng giới tại Việt Nam.
- PV: Thưa bà, năm 2023, dù gặp nhiều khó khăn nhưng chỉ số về bình đẳng giới của Việt Nam tăng 11 bậc so với năm 2022, theo Báo cáo khoảng cách giới toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới. Bà đánh giá thế nào về những nỗ lực của Việt Nam trong việc thúc đẩy bình đẳng giới thời gian qua?
Bà Caroline T. Nyamayemombe: Kể từ khi thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs), chúng ta đã thấy xếp hạng của Việt Nam trên thế giới về bình đẳng giới tăng. Những thành tựu đáng kể của Việt Nam được thể hiện qua 4 điểm đáng chú ý:
Thứ nhất, Việt Nam tiếp tục củng cố chính sách và pháp luật về bình đẳng giới. Ví dụ như Luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ (2017); Chiến lược và Chương trình quốc gia về chống bạo lực giới (2021-2030); sửa đổi Luật phòng, chống bạo lực gia đình (2022); sửa đổi Luật Lao động (2019) và gần đây là Kế hoạch hành động quốc gia về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh.
Thứ hai, sự tham gia vào lĩnh vực chính trị của phụ nữ. Trong cuộc bầu cử năm 2021, tỷ lệ đại biểu nữ trong Quốc hội đã tăng lên 30%, cao nhất kể từ năm 1976, cao hơn trung bình toàn cầu là 25%.
Thứ ba, sự tham gia lực lượng lao động của nữ giới cao gần bằng nam giới (72% ở nữ so với 82% ở nam giới).
Thứ tư, Việt Nam đang vượt mục tiêu đặt ra về sự tham gia của phụ nữ trong các hoạt động duy trì và gìn giữ hòa bình.
- PV: Chương trình hành động quốc gia về Phụ nữ, hòa bình và an ninh giai đoạn 2024 - 2030 vừa được phê duyệt. Bà đánh giá thế nào về những cam kết của Việt Nam với Chương trình nghị sự về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh của Liên hợp quốc?
Bà Caroline T. Nyamayemombe: Đây là cột mốc quan trọng, không chỉ chứng tỏ sự công nhận về vai trò quan trọng của phụ nữ trong việc đạt được hòa bình bền vững mà còn là sự khẳng định cam kết kiên định của Việt Nam trong việc thúc đẩy nguyên tắc bình đẳng giới trên toàn cầu.
Điều này phản ánh mối quan hệ đối tác mạnh mẽ giữa Việt Nam với cộng đồng quốc tế, thúc đẩy cách tiếp cận toàn diện và nhạy cảm hơn về giới đối với hòa bình và an ninh. Các nữ quân nhân Việt Nam tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình mang lại góc nhìn đa dạng và thể hiện các kỹ năng quý giá trước mỗi nhiệm vụ.
Tôi đã có cơ hội gặp gỡ 3 sĩ quan nữ Việt Nam tham gia Lực lượng gìn giữ hòa bình và tôi đã được truyền cảm hứng bởi câu chuyện về sự dũng cảm, kiên cường của họ. Tôi cũng ngưỡng mộ trước cách họ dễ dàng kết nối với người dân ở châu Phi khi họ thực thi nhiệm vụ ở Cộng hòa Trung Phi và Nam Sudan. Việc xây dựng lòng tin từ phụ nữ sẽ góp phần kiến tạo hòa bình tại các các quốc gia này.
Khi thế giới đứng trước nhiều bất ổn, Tổng thư ký Liên hợp quốc đã kêu gọi thêm nhiều nhà lãnh đạo nữ trở thành trung tâm của các cuộc đàm phán hòa bình và các nỗ lực xây dựng hòa bình. Hành động của Việt Nam đang cho thấy sự phù hợp với lời kêu gọi này.
- PV: Xin bà chia sẻ về những hoạt động mà UN Women đang triển khai tại Việt Nam?
Bà Caroline T. Nyamayemombe: Là cơ quan hàng đầu của Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ, UN Women đã làm việc tại Việt Nam trong 14 năm. Hợp tác cùng Chính phủ Việt Nam, UN Women tin tưởng Việt Nam sẽ đạt được tầm nhìn trở thành một quốc gia thu nhập cao vào năm 2045 và với lượng phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050;
đồng thời thực hiện nghĩa vụ xóa bỏ phân biệt đối xử đối với phụ nữ và trẻ em gái, thúc đẩy quyền của phụ nữ và khuyến khích bình đẳng giới.
Chiến lược của UN Women giai đoạn 2022-2026 hoàn toàn phù hợp với Khung hợp tác Việt Nam-Liên hợp quốc (2022-2026) dựa trên 3 ưu tiên: Sự chuyển đổi kinh tế bền vững và nhạy cảm về giới; cải thiện năng lực quản trị, tăng cường pháp luật, bảo vệ và tôn trọng quyền con người, bình đẳng giới, bảo vệ con người trước mọi hình thức bạo lực và phân biệt đối xử theo tiêu chuẩn quốc tế;
biến đổi khí hậu, giảm thiểu rủi ro do thiên tai và xây dựng khả năng chống chọi, khuyến khích kinh tế tuần hoàn, cung cấp năng lượng sạch, tái tạo và quản lý bền vững các nguồn tài nguyên tự nhiên.
UN Women hợp tác với các bộ, ngành, tổ chức xã hội, các doanh nghiệp tư nhân và đối tác hợp tác phát triển để triển khai các hoạt động nhằm thúc đẩy bình đẳng giới tại Việt Nam.
- PV: Nhân kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ, bà muốn gửi gắm thông điệp gì đến phụ nữ Việt Nam?
Bà Caroline T. Nyamayemombe: Chủ đề của Ngày Quốc tế Phụ nữ 2024 là "Đầu tư vào phụ nữ - Đẩy nhanh tốc độ phát triển". Trước hết, tôi mong rằng phụ nữ chúng ta "hãy cam kết đầu tư vào bản thân", hãy tiếp tục theo đuổi giáo dục nâng cao, khám phá kỹ năng mới, tạo điều kiện cho bản thân phát triển.
Tiếp đó, hãy sử dụng năng lực lãnh đạo của bạn để tạo ra sự thay đổi. Phân tích của chúng tôi cho thấy, khi có nhiều phụ nữ lãnh đạo hơn, các công ty sẽ phát triển và xã hội sẽ tiến bộ. Chúc mừng Ngày Quốc tế Phụ nữ!
Theo Báo cáo khoảng cách giới toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm 2023, Việt Nam tăng 11 bậc về bình đẳng giới so với năm 2022, từ thứ hạng 83 lên 72 trong số 146 nước tham gia xếp hạng. Tiến độ bình đẳng giới đạt 71,1%.
Trong lĩnh vực chính trị, Việt Nam tăng 27 bậc, từ thứ hạng 106 (năm 2022) lên 89 (năm 2023), trong đó tỷ lệ nữ trong nghị viện xếp hạng 53.
Việt Nam được ghi nhận là bình đẳng hoàn toàn về tỷ lệ nữ làm công nhân kỹ thuật và ước tính, thu nhập bình quân của nữ giới bằng 81,4% thu nhập bình quân của nam giới.