5 cách giảm cãi vã

18/11/2015 - 11:32
Mâu thuẫn trong cuộc sống dẫn đến tranh cãi giữa hai vợ chồng là điều hết sức bình thường. Quan trọng là giữa hai người liệu có biết cách "giảm lửa" hay không?

Không cãi nhau trước đám đông

Đây là nguyên tắc quan trọng hàng đầu bạn cần ghi nhớ, bởi con người ai cũng có sĩ diện, việc gây sự và cố tình tranh cãi với vợ/chồng trước mặt người khác sẽ khiến cho “nửa kia” cảm thấy bị hạ thấp danh dự. Sai lầm này sẽ gây nên những hậu quả khôn lường, nó có thể khiến cho mối quan hệ của vợ chồng bạn trở nên tồi tệ hơn, những rạn nứt khó lòng hàn gắn.

Vì thế, khi nảy sinh những bất đồng, khi không hài lòng về “người kia”, bạn nên biết cách kiềm chế bản thân, tốt nhất vợ chồng “đóng cửa bảo nhau” thay vì cãi vã trước sự chứng kiến của nhiều người. Tồi tệ hơn, nhiều cặp vợ chồng thường cãi nhau trước mặt con cái, theo các chuyên gia tâm lý thì điều này sẽ gây ảnh hưởng vô cùng xấu trong quá trình hình thành tâm sinh lý sau này của con trẻ. Đừng lôi kéo con trẻ làm “đồng minh” của bạn trong những cuộc cãi vã, điều này chỉ làm cho tình cảm vợ chồng trở nên nhạt nhòa hơn mà thôi.

 Nên "đóng cửa bảo nhau" chứ không nên bộc phát cơn nóng giận trước đám đông (Ảnh minh họa)

Tránh xâu chuỗi những việc quá khứ

Đã là vợ chồng thì hãy học cách bao dung, độ lượng và đừng  để bụng những việc đã thuộc về quá khứ. Khi thấy bất đồng, khó chịu và không thoải mái về điều gì đó, bạn có thể tranh cãi với “người kia” để làm rõ vấn đề hơn. Việc lôi cả những câu  chuyện đã thuộc về quá khứ để tiếp tục “mổ xẻ” quả là điều đáng trách. Để mọi chuyện không trở nên quá nghiêm trọng thì những gì đã thuộc về quá khứ, hãy để cho nó ngủ yên, đừng khơi dậy dĩ vãng vì nó có thể khơi nguồn cho những “cuộc chiến” không khoan nhượng và khó có hồi kết.

Đừng hiếu thắng

Vợ chồng tranh cãi, dù có thắng cuộc đi chăng nữa thì bạn cũng sẽ chẳng nhận được bất cứ giải thưởng hay điều tốt đẹp nào cả. Nếu không may vợ chồng có những bất đồng thì cả 2 nên biết giới hạn, điểm dừng cần thiết, đừng hiếu thắng, đừng nên cố gắng giành phần hơn về mình. Trong cuộc đấu khẩu, bạn hãy học cách lắng nghe ý kiến của người bạn đời. Nếu bạn thực sự là người có lỗi trong chuyện này thì đừng cố cãi, đừng lảng tránh mà hãy thành thật nhận lỗi. Sự chân thành của bạn sẽ là “chiếc cầu” giảng hòa tuyệt vời và xoa dịu cơn thịnh nộ của “người kia”.

Biết tha thứ

Mỗi cuộc tranh cãi đều có căn nguyên của nó, nếu trong cuộc đấu khẩu, “nửa kia” là người mắc sai lầm và tỏ ý ăn năn hối cải hoặc biết nói lời xin lỗi với bạn thì đừng nên cố chấp, hãy rộng lòng tha thứ cho chàng/nàng. Bằng cách này, bạn sẽ nuôi dưỡng và gìn giữ được hạnh phúc hôn nhân của mình. Ngược lại, nếu bạn luôn tự cao tự đại và làm mình mẩy thái quá cũng có nghĩa bạn đang khiến “người kia” muốn rời xa bạn hơn.

Chớ nói lời “ly hôn” dễ dàng

Nhiều người thường luôn miệng nói đến 2 chữ “ly hôn” bất cứ khi nào cãi nhau hoặc xảy ra xung đột với người bạn đời của mình. Đây quả là một sai lầm đáng tiếc, bởi khi nóng giận, bạn có thể bột phát ra những lời nói thiếu suy nghĩ, làm tổn thương “đối phương” để thỏa mãn cảm giác tức tối, giận dữ của mình. Thế nhưng, hệ lụy của những lời nói này sẽ chạm đến lòng tự ái của “người kia”, nó giống như việc “đổ thêm dầu vào lửa” và khi ngọn lửa bùng lên thì việc “khống chế” nó là điều không hề đơn giản.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm