Theo phong tục xưa, tết Trung thu là dịp để cha mẹ bù đắp thời gian dành cho con cái sau một mùa thu hoạch bận rộn. Mọi người quây quầy bên nhau để ăn mừng một vụ lúa bội thu dưới ánh trăng, cùng làm và chơi nhiều trò chơi dân gian thú vị. Để quay về với những mùa trung thu xưa, bạn có thể cùng bạn bè, gia đình, đặc biệt là các em nhỏ tham dự những chương trình gợi nhớ về trung thu truyền thống, tự làm những món đồ chơi trung thu cổ truyền của dân tộc.
Trải nghiệm làm đồ chơi trung thu truyền thống tại Bảo tàng Dân tộc học
Chương trình trung thu được tổ chức vào hai ngày 30/9 và 1/10/2017 với các hoạt động: hướng dẫn làm đồ chơi truyền thống như: làm mặt nạ bằng giấy bồi, làm ông Tiến sĩ giấy, ông đánh gậy, đèn ông sao, đèn ông sư, đèn con thỏ, đèn kéo quân, nặn tò he, nặn hoa quả bằng bột, làm con giống chuyển động, làm trống bỏi, tô vẽ đầu lân, mặt nạ, làm tàu thủy sắt tây.
Bên cạnh đó là chương trình trình diễn và hướng dẫn làm bánh dẻo, cốm Vòng, cắt tỉa hoa quả bầy mâm cỗ Trung thu, cùng tham gia các trò chơi dân gian: chơi chuyền, rải ranh, đánh búng, ô ăn quan, cờ gánh, lúa ngô, tu tu, nhảy bao bố, kéo co, kéo co ếch...
Tham dự tại bảo tàng Dân tộc học, đường Nguyễn Văn Huyên, Hà Nội. Giá vé vào cửa từ 10.000 đồng.
Đến Hoàng Thành Thăng Long phá cỗ đêm rằm
Nhiều hoạt động mang ý nghĩa Trung thu trên đất hoàng cung xưa – Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội được tổ chức từ 28/9 đến 4/10. Đây là dịp người dân thủ đô được trải nghiệm những lễ hội Trung thu của các đời vua, làm tò he, đèn con thỏ, làm bánh Trung thu, xem rối nước, tham gia các trò chơi dân gian như đi cầu tre gánh lúa, bập bênh, kéo co, ném vòng, ngựa gỗ, chơi chuyền, chơi ô ăn quan, pháo đất, bịt mắt đánh trống và nhảy bao bố.
Trong đêm rằm phá cỗ diễn ra vào ngày 4/10, các em nhỏ vừa vui chơi vừa trông trăng tại sân Đoan Môn, gặp các nhà nghiên cứu dân gian, nghệ nhân để lắng nghe các câu chuyện về Trung thu xưa và nay.
Giá vé vào cửa: 15.000 đồng – 30.000 đồng.
Học làm đèn lồng và bánh trung thu tại chùa Quảng Bá
Đến với ngày hội Dưới ánh trăng được tổ chức với các chương trình: học làm bánh Trung thu với nghệ nhân Đỗ Mạnh Thế (đời thứ 4 của Đỗ thế gia), học làm đèn lồng Trung thu với nghệ nhân Vũ Văn Sinh, học làm tò he với nghệ nhân Đặng Văn Hậu, chơi các trò chơi dân gian dịp tết Trung thu, xem múa lân và các tiết mục trình diễn khác, thưởng thức tiệc buffet, tham gia quay số để nhận quà trung thu.
Chương trình diễn ra từ 17h ngày 1/10/2017 trong khuôn viên Chùa Quảng Bá, ngõ 12 phố Đặng Thai Mai, Q. Tây Hồ, Hà Nội. Giá vé: 200.000 đồng/người.
Workshop Cầm đèn chạy trước Trung thu
Với mong muốn tái hiện lại không khí Trung Thu xưa, chuỗi workshop Cầm đèn chạy trước Trung thu với chủ đề làm đồ chơi dân gian do Creative Lab by Up tổ chức là nơi đưa người lớn về lại những xúc cảm ngày thơ bé và giúp trẻ em hiểu thêm về các giá trị truyền thống của dân tộc. Cầm đèn chạy trước Trung thu bao gồm chuỗi hoạt động: làm đèn lồng từ vật liệu tái chế, làm đèn ông sao, vẽ mặt nạ trung thu cho trẻ em, làm mặt nạ trung thu người lớn.
Chương trình diễn ra trong hai ngày 29 và 30/9, tại Sân quảng trường sáng tạo, số 1 Lương Yên, Hai Bà Trưng, Hà Nội. Phí tham dự: 100.000 đồng.
Học làm mặt nạ giấy bồi truyền thống
Trong các món đồ chơi Trung thu, mặt nạ giấy bồi là thứ được làm tỉ mỉ nhất. Lớp học mặt nạ giấy bồi kéo dài khoảng 3h, do nghệ nhân hướng dẫn trực tiếp để các bạn thực hiện tất cả các bước một cách cụ thể nhất. Tham gia lớp học, các bạn nhỏ được trải nghiệm những điều thú vị, được biết cách bồi mặt nạ truyền thống lên khuôn bằng xi măng, được tự tay xếp và dán các lớp giấy, quét keo,… và sau đó sẽ tự tay vẽ, trang trí cho chiếc mặt nạ. Các bạn tham gia sẽ được sở hữu chiếc mặt nạ của do mình tô vẽ.
Đăng ký tham gia tại trung tâm nghệ thuật Hoa Tâm, số 58C ngõ 12 Đào Tấn, Hà Nội. Học phí: 290.000 đồng/người, đã bao gồm dụng cụ, nguyên liệu như khuôn bồi, giấy báo, keo, chổi quét keo, màu, bút …