pnvnonline@phunuvietnam.vn
5 kiến nghị góp phần thực hiện các mục tiêu thúc đẩy bình đẳng giới cho phụ nữ dân tộc thiểu số
Phụ nữ dân tộc thiểu số tỉnh Ninh Thuận tham gia các hoạt động văn hóa truyền thống của địa phương. Ảnh minh hoạ
- Xin bà cho biết những nét khái quát trong việc đẩy mạnh các chính sách nhằm tăng cơ hội cho phụ nữ, đặc biệt là nhóm phụ nữ dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận tiếp cận các nguồn lực xã hội?
- Bà Pi Năng Thị Thủy: Đến cuối năm 2022, hộ nghèo toàn tỉnh Ninh Thuận còn 11.015 hộ, chiếm tỷ lệ 5,93%. Toàn tỉnh có 32 dân tộc thiểu số (DTTS), trong đó hộ nghèo DTTS là 6.974 hộ, chiếm tỷ lệ 17,73% so với tổng số hộ DTTS.
Được sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước, đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh Ninh Thuận tiếp tục phát triển. Nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh hình thành và phát huy, nhiều hộ đã thoát nghèo. Việc hỗ trợ vốn, kỹ thuật phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững; chính sách an sinh xã hội; bảo hiểm y tế, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện.
Với mục tiêu phát triển bình đẳng, đồng đều ở tất cả các vùng, miền, các nhóm xã hội, lãnh đạo các cấp của tỉnh đã có nhiều nỗ lực đẩy mạnh các chính sách nhằm tăng cơ hội cho phụ nữ, đặc biệt là nhóm phụ nữ DTTS tiếp cận các nguồn lực xã hội, đảm bảo tính công bằng và toàn diện hơn. Hệ thống chính sách, pháp luật về DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh không ngừng được hoàn thiện, luôn ưu tiên bố trí huy động các nguồn lực để thực hiện và đã đạt được những kết quả quan trọng, không chỉ hỗ trợ trực tiếp về đời sống cho đồng bào DTTS nói chung trong đó có phụ nữ DTTS mà còn mở ra cho họ nhiều cơ hội về sinh kế, tiếp cận và sử dụng các dịch vụ xã hội…
Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh người DTTS nói chung và phụ nữ DTTS nói riêng vẫn còn những khoảng cách trong tiếp cận và thụ hưởng thành quả phát triển. Thực tế trong các lĩnh vực như: kinh tế, chính trị, xã hội, giáo dục, chăm sóc sức khỏe... cho thấy, phụ nữ DTTS là nhóm có nguy cơ cao bị bỏ lại phía sau, định kiến xã hội về trao quyền, cơ hội và khả năng tiếp cận dịch vụ công trong bối cảnh phụ nữ dân tộc thiểu số thường nghèo và bấp bênh về thu nhập.
- Việc thúc đẩy bình đẳng giới cho phụ nữ dân tộc thiểu số tại Ninh Thuận đang gặp những rào cản như nào, thưa bà?
- Bà Pi Năng Thị Thủy: Trên thực tế, việc thúc đẩy bình đẳng giới cho phụ nữ DTTS trên địa bàn tỉnh vẫn phải đối mặt với không ít rào cản. Đảng và Nhà nước đã quan tâm, ban hành nhiều chương trình, chính sách, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội cho đồng bào DTTS, tuy nhiên, phát triển diễn ra chưa đồng đều, việc tiếp cận và tham gia vào hoạt động kinh tế, các dịch vụ an sinh xã hội đối với phụ nữ DTTS còn hạn chế bởi các rào cản như: Rào cản về khoảng cách giới giữa các dân tộc còn tồn tại, trong đó phụ nữ và trẻ em gái DTTS là đối tượng đặc biệt dễ bị tổn thương. Hiện, cơ hội tiếp cận hệ thống giáo dục nâng cao trình độ của thành viên nữ DTTS chưa cao; rào cản về tri thức, phụ nữ DTTS trên địa bàn tỉnh thường ít thông tin về các quyền được tham gia và hưởng lợi từ các chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất ở địa phương.
Trong các chính sách hỗ trợ cho vùng đồng bào DTTS cũng ít đề cập đến vai trò của phụ nữ DTTS trong xây dựng, thực hiện, giám sát - đánh giá các chính sách, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Phụ nữ DTTS ít tham gia các tổ chức xã hội, đoàn thể, do vậy, đa số phụ nữ DTTS chưa nhận thức đầy đủ về giá trị bản thân; chưa mạnh dạn vươn lên trong học tập và phát triển sinh kế, cải thiện việc làm và thu nhập.
Đặc biệt, phụ nữ DTTS vẫn còn thiếu những kiến thức, nhận thức, hành vi trong hôn nhân nên đến nay tình trạng tảo hôn vẫn còn xảy ra. Ninh Thuận là một tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, địa bàn cư trú của đồng bào DTTS chủ yếu ở miền núi nên tình trạng tảo hôn còn xảy ra và cũng là một trong những rào cản ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của phụ nữ và cơ hội của trẻ em gái DTTS trên địa bàn tỉnh.
Tảo hôn đe dọa cuộc sống hiện tại và tương lai của trẻ em gái và phụ nữ, khiến họ mất đi quyền tự định đoạt trong cuộc sống; làm mất đi cơ hội học tập, đào tạo; khiến họ dễ bị bạo hành, phân biệt đối xử và lạm dụng hơn; làm hạn chế sự tham gia của họ vào các lĩnh vực kinh tế, chính trị và xã hội.
Trong giai đoạn 2015-2020, toàn tỉnh xảy ra 269 trường hợp tảo hôn. Ban Chỉ đạo tỉnh đã tập trung tuyên truyền bằng nhiều hình thức như: tuyên truyền trên sóng Phát thanh truyền hình bằng hai thứ tiếng (tiếng phổ thông và tiếng Raglai); xây dựng chương trình phóng sự về tảo hôn, tuyên truyền trên pa nô, áp phích, tờ rơi, tổ chức hội nghị chuyên đề về tảo hôn, mở lớp tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật tại các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số…
Bên cạnh đó, tranh thủ, phát huy tiềm năng của mỗi địa phương như: vai trò người có uy tín trong đồng bào DTTS, các già làng, trưởng thôn, trưởng tộc họ,… với nội dung xây dựng và phát triển bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của mỗi địa phương trong xây dựng thôn văn hóa, phong trào toàn dân đoàn kết "Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh", từ đó đời sống phụ nữ DTTS cũng từng bước được cải thiện.
- Để góp phần thực hiện các mục tiêu thúc đẩy bình đẳng giới cho phụ nữ dân tộc thiểu số trên địa bàn, bà có những đề xuất, kiến nghị gì?
- Bà Pi Năng Thị Thủy: Để phụ nữ DTTS không ai bị bỏ lại phía sau, đồng thời góp phần thực hiện các mục tiêu thúc đẩy bình đẳng giới cho phụ nữ DTTS. Trong khuôn khổ Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS, miền núi và vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021-2030, chúng tôi kiến nghị:
Một là, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bình đẳng giới bằng nhiều hình thức phù hợp với ngôn ngữ, văn hóa, phong tục, tập quán địa phương. Tập trung tuyên truyền pháp luật về bình đẳng giới, hôn nhân và gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình trong các trường học, nhất là các trường lớp bán trú và dân tộc nội trú.
Hai là, Hỗ trợ phụ nữ DTTS nâng cao trình độ, từng bước khẳng định vị thế của mình; tăng cường cơ hội tiếp cận và thụ hưởng các chính sách và dịch vụ hỗ trợ giáo dục và đào tạo nghề nghiệp nhằm thúc đẩy nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ DTTS.
Ba là, tăng cường năng lực quản lý nhà nước ở cấp trung ương và địa phương về xây dựng, thực hiện và giám sát các chính sách, chương trình, dự án về thúc đẩy bình đẳng giới và quyền cho phụ nữ DTTS.
Bốn là, tổ chức bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, nâng cao năng lực tổ chức và triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về bình đẳng giới cho đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc, ban giám hiệu các trường trung học phổ thông nội trú, bán trú các cấp, người có uy tín ở địa bàn có người DTTS sinh sống.
Năm là, hỗ trợ xây dựng và thực hiện các mô hình nhằm thúc đẩy bình đẳng giới thông qua các can thiệp phòng chống bạo lực trên cơ sở giới, hỗ trợ phát triển kỹ năng xã hội và năng lực kinh tế cho phụ nữ DTTS. Nhân rộng những mô hình hay, hiệu quả tại cấp cơ sở, tăng cường giáo dục pháp luật, kiến thức về bình đẳng giới tại vùng DTTS bằng nhiều hình thức sáng tạo, phù hợp với ngôn ngữ, phong tục tập quán của đồng bào DTTS để lan tỏa tới cộng đồng những thông điệp ý nghĩa về bình đẳng giới.
- Trân trọng cảm ơn bà!