5 phụ nữ chia sẻ "tai nạn khủng khiếp" trong cuộc đời

18/01/2018 - 22:39
Đó là câu chuyện, cảm xúc, mong muốn… của những phụ nữ Việt Nam và Úc đã can đảm công khai về những đớn đau khi bản thân bị chồng, cha, người thân/ quen bạo hành, quấy rối và xâm hại tình dục.
1- Chị Leah Lacdao: 43 tuổi, sinh ra Phillipin và hiện đang sống ở Sydney (Úc). Năm 2010, khi bắt đầu đi trị liệu tâm lý, chị mới nhận ra rằng những gì đã xảy ra với mình là bị xâm hại tình dục. “Tôi nhớ kẻ xâm hại mình bảo tôi rằng đây là lỗi của tôi và tôi không hiểu lắm. Hồi đấy tôi mới có 15 tuổi… Chúng ta từng được dạy dỗ để cứ vâng lời mới là phải phép… Khi bác sĩ trị liệu dùng đúng 3 từ mà tôi cần được nghe, đó là “Tôi tin cô”… Cô ấy là người đầu tiên nói cho tôi những lời ấm áp đó. Cho đến tận lúc đó (sau mấy chục năm) tôi mới bắt đầu cảm thấy mình không có lỗi. Tôi mới không còn sống trong nỗi khiếp sợ hắn ta. Tôi trở nên mạnh mẽ hơn, kiên định hơn. Tôi nhận ra tuân theo người lớn tuổi, tuân theo những gì gia đình và nền văn hóa trông đợi không phải lúc nào cũng đúng”.
2- Chị Janey Kelf ở Sydney (Úc): “Hồi những năm 80, khi học về nghệ thuật, giáo viên cho chúng tôi thực hành sắp đặt vật thể. Tôi làm một cái bóng đèn với dải dây vàng và giấy màu hồng và tôi lăn sơn đen lên khắp xung quanh. Giáo viên hỏi “Màu đen là màu gì thế?”… rằng đó là cách tôi đã đương đầu. Bằng mắt, tôi sẽ nhảy vào trong bóng đèn và men theo những sợi đốt. Tôi chơi ở trong đó. Tôi sẽ đi vào trong những vết nứt trên các bức tường, hoặc chăm chú quan sát những vết bẩn và đếm chúng. Đó là cách tôi lảng tránh nỗi đau và nỗi kinh hoàng của việc bị xâm hại tình dục. Rất nhiều tác phẩm của tôi đến từ những góc nhìn hình thành trong lúc tâm trí tôi cắt đứng khỏi cơ thể. Những hình ảnh khác do tôi vẽ ra trông rất khủng khiếp nhưng khẳng định rằng thứ tôi nhớ đến chính là bố đẻ mình (kẻ gây ra hành vi xâm hại). Nghệ thuật là cách tôi giao tiếp và nghệ thuật là cách tôi có được những ký ức… Cuộc đời tôi bị ảnh hưởng sâu sắc bởi sự xâm hại”.
3- Chị Ashley Magnolia đến từ TP.HCM, Việt Nam: “Cách đây 13 năm, tôi đã từng bị xâm hại tình dục bởi người thân của mình. Nỗi ám ảnh đó vẫn theo đuổi tôi cho tới bây giờ. Cái quá khứ ấy, tôi chỉ muốn chạy trốn nhưng càng chạy thì nó càng đuổi theo và không bao giờ buông tha tôi! Suốt bao nhiêu năm nay tôi cứ sống trong sự sợ hãi. Chỉ một hình ảnh thôi cũng đủ lôi kéo tôi xuống tận cùng của vũng lầy, của bóng đêm. Tôi sợ hãi khi phải đi ngủ, sợ hãi khi phải gặp gỡ và làm quen với người bạn khác giới, sợ phải nhìn vào ánh mắt của ai đó, sợ phải đối diện với chính mình. Tôi biết mọi chuyện xảy ra không phải là lỗi của tôi, hoàn toàn không phải là lỗi của tôi. Nhưng tôi không thể ngưng hành hạ mình, không thể ngưng nguyền rủa mình. Không phải là một, mà là rất nhiều lần tôi tìm đến cái chết, nhưng rồi lại chẳng chết. Khi không thể chết thì tôi chọn việc làm mình đau – bằng những cách tệ nhất tôi nghĩ ra, chỉ có như vậy mới làm tôi dễ chịu hơn. Tôi muốn mình là một người điên để quên đi tất cả, để cứ mỉm cười hạnh phúc như lũ bạn đồng trang lứa. Nhưng, nụ cười ấy chưa bao giờ là thật. Tôi cứ sống vùi mình trong hố sâu của màn đêm; tôi chẳng tin vào cuộc đời cũng chẳng tin vào chính mình nữa. Tôi cứ sống trong bóng đêm như vậy…”.
4- Chị Trang Nguyễn (Hà Nội), từng bị xâm hại khi nhỏ: “Lúc ấy mình 8 tuổi. Tóc hung và ngắn như con trai. Mình mặc một chiếc váy vàng, lấm tấm chấm xanh ở thân dưới, nom cũng đáng yêu… Nhiều lần mình nhớ lại và nghĩ về việc đời sống cá nhân bị ảnh hưởng thế nào bởi chuyện đó. Mình có cảm giác sợ hãi nếu bắt gặp một nhóm đàn ông lạ. Mình khó chịu khi nghe người khác nói bộ phận trên cơ thể mình “ngon”, “chuẩn”. Mình cảm thấy giống như bản thân lúc nào cũng có thể bị rơi vào tình huống ấy lần nữa. Ở thế bị động là điều rất đáng sợ đối với mình. Có lần, mình đi ra biển với một chị bạn gái khá thân. Tụi mình đi mua dầu gội đầu thì phải. Trên đường về, mình nhìn thấy một nhóm đàn ông cởi trần đứng đó. Hai chị em đều mặc đồ ngắn nên mình đã bảo đi đường còn lại đi. Chị ấy bảo “Sao, em sợ à, có gì mà em phải sợ mấy thằng đó?”. Mình cảm thấy bị tổn thương và đột nhiên lúc đó nhận ra vết thương lòng này là bởi ký ức (bị xâm hại) lúc bé. Năm ngoái, mình phát hiện mình là song tính. Lúc biết, mình vừa vui vừa lo lắm. Nhưng từ khi hiểu thêm về bản thân, mình thấy con người mình trọn vẹn và đầy đủ hơn. Mình coi những sang chấn tâm lý là một phần của tâm hồn mình. Nó nhắc mình nhớ rằng, phải yêu thương và chăm sóc bản thân cả trong những thời kỳ đen tối và khó khăn nhất. Sự im lặng lúc đầu có thể dễ chịu, nhưng sau dần sẽ làm tê liệt cảm xúc, để đến một lúc nào đó, mình không còn cảm nhận thấy gì nữa. Khi mình lựa chọn việc kể lại cho những người khác, mối liên kết sẽ xuất hiện và chữa lành những vết thương”.
5- Chị Nông Kề: “Tôi sinh ra ở bản Phi Nhuận, tỉnh Lào Cai. Tôi là người dân tộc Tày nhưng ở thành phố Lào Cai từ hồi học phổ thông và chuẩn bị vào đại học. Năm ngoái, lúc tới ở Lào Cai, tôi thuê trọ suốt một thời gian dài. Tôi có anh hàng xóm rất thích và quan tâm tới tôi. Chúng tôi bắt đầu thân nhau. Anh kể cho tôi là anh sinh năm 1995 và có việc làm ổn định, anh muốn làm bạn trai tôi. Tôi đồng ý và chúng tôi hẹn hò trong một tháng. Khi tôi đã tin tưởng anh ấy, chúng tôi ngủ với nhau và sau đó anh thay đổi. Anh muốn quan hệ với tôi rất nhiều và cáu giận khi tôi không đồng ý. Tôi nhún nhịn vì tôi thực sự yêu anh. Một hôm tôi giở ví anh và thấy CMND của anh. Anh không sinh năm 1995 mà là 1988 và anh đã có một vợ với con gái. Khi tôi hỏi tại sao anh nói dối thì anh bảo rằng tôi chỉ là bồ. Tôi về quê và cắt đứt hoàn toàn với anh. Anh gọi nhiều lần nhưng tôi không bao giờ nghe máy. Từ hồi đó tôi nghe được rất nhiều người cũng có chuyện giống vậy xảy ra với họ, và tình trạng này phổ biến ở Việt Nam ra sao… Tôi được dạy từ chính câu chuyện của mình là phải cảnh giác hơn với những người tôi gặp…”.
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm