5 thủ đoạn kẻ xâm hại tình dục thường dụ dỗ trẻ em

01/08/2018 - 16:30
Trung bình mỗi năm nước ta xảy ra khoảng 1.000 vụ xâm hại tình dục, trong đó số trẻ em bị hiếp dâm chiếm 65% và có đến 80% thủ phạm là những “người trong gia đình”, “hàng xóm”, “ông bảo vệ”, “người mà trẻ tin tưởng”… Để thực hiện hành vi đồi bại, thủ phạm đa phần đều áp dụng một quá trình gọi là thủ đoạn “dụ dỗ”.

Theo chia sẻ của chuyên gia tâm lý  trẻ em Đỗ Thu Trang (Tổ chức Good Neighbor International tại Việt Nam): “Thủ phạm thường tìm mọi cách tạo dựng mối quan hệ thân thiết với nạn nhân và gia đình, như một cách “ngụy trang” cho hành vi xâm hại của mình… và quá trình dụ dỗ của thủ phạm thường diễn ra với 5 thủ đoạn chính”.

1. Nhắm đối tượng

Thủ phạm thường xem xét, khoanh vùng xem mình có ý định tấn công hay sử dụng các biện pháp như thế nào; Vì vậy bao giờ họ cũng sẽ dành thời gian làm quen, tiếp xúc trước khi thực hiện hành vi xâm hại. Đây là bước thủ phạm xác định đối tượng để xâm hại và trẻ dễ bị tổn thương thường có nguy cơ cao. Trong thực tế, nhiều trẻ em trở thành nạn nhân trong các vụ xâm hại tình dục sinh ra trong hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn về kinh tế, kết cấu gia đình không hoàn hảo (chỉ có bố hoặc mẹ; có bố dượng hoặc mẹ kế…), trẻ bị bạo hành, trẻ bị bỏ rơi, trẻ sinh ra trong gia đình có bố mẹ quá bận rộn không dành nhiều thời gian để chăm sóc con…

5.jpg
Theo chuyên gia tâm lý Đỗ Thu Trang: "Những trẻ dễ bị tổn thương như bị bạo hành, bị bỏ rơi, có bố mẹ ly hôn... dễ trở thành đối tượng mà thủ phạm xâm hại tình dục nhắm tới"
 

2. Xây dựng niềm tin với trẻ

Khi tiếp cận được đối tượng, thủ phạm sẽ tiến hành tạo niềm tin ở trẻ. Với trẻ em, nhận thức còn khá đơn giản. Trẻ luôn nghĩ mọi nơi đều là sân chơi, mọi người đều là bạn chơi, mọi thứ đều là đồ chơi. Khi một người tiếp cận với trẻ theo hướng này, trẻ sẽ rất dễ yêu quý lại. Đa phần thủ phạm nắm được tâm lý này ở trẻ và sẽ dành thời gian quan tâm, kết bạn, chăm sóc, đưa trẻ đi chơi, tặng đồ chơi, chia sẻ sở thích, cho trẻ làm những điều trẻ thích như chơi điện thoại, ipad, đưa trẻ đi chơi đi ăn uống, cho tiền trẻ hoặc cho tiền gia đình trẻ…  Khi này, trẻ thường có suy nghĩ họ rất tốt với mình; Ngoài ra, với cha mẹ, có thể nhìn thấy việc trẻ tin người ấy, cũng sẽ không có sự nghi ngờ, cảnh giác.

3.png
Thủ phạm thường dành thời gian quan tâm, chăm sóc để tạo niềm tin với trẻ 

3. Tạo bí mật

Thủ phạm xây dựng bí mật riêng với trẻ và sử dụng mưu mẹo để thuyết phục trẻ giữ lời hứa hoặc đe dọa, ép buộc để trẻ không tiết lộ hoặc nói với ai… Đây là một cách thủ phạm cũng thường dùng. Họ thường sử dụng mưu mẹo để thuyết phục trẻ giữ lời hứa về sự gắn bó hoặc đe dọa, ép buộc để trẻ không tiết lộ hoặc nói với ai.

Thủ phạm thường nói kiểu “Đây là bí mật riêng của cháu và ta nhé, không được kể lại với ai nhé” hoặc sẽ vỗ vai trẻ bảo: “Nếu con mà giữ bí mật này, con là một đứa trẻ ngoan” để tạo ra cho trẻ một “sợi dây” ràng buộc, để trẻ hiểu rằng mình cần phải ngoan, phải nghe lời và không nên kể lại mọi chuyện với người lớn trong nhà…

* Trích đoạn chia sẻ của chuyên gia:

4. Hành động leo thang

Thủ phạm tiến tới giới tính hóa quan hệ với trẻ. Thủ phạm thường nói chuyện hướng đến các vấn đề quan hệ tình dục nam nữ và chia sẻ với trẻ những tài liệu đồi trụy khiến trẻ trở nên “mất cảnh giác”… Đây là một trong số những thủ đoạn mà thủ phạm thường dùng sau khi đã tạo ra được những bí mật với trẻ. Họ có thể thỏa thuận cho trẻ kẹo để được ôm, hôn… như hình thức “nhử mồi” và khiến trẻ có cảm giác là được phép… Khi đã đạt được một số hành vi, mục đích trên, họ sẽ tiến tới việc giới tính hóa quan hệ với trẻ.

4.jpg

5. Thực hiện/xâm hại

Đây là giai đoạn thủ phạm tiến hành xâm hại trẻ.

Có những trường hợp, thủ phạm không thực hiện  tất cả quá trình với 5 cách thức dụ dỗ trên. Thủ phạm có thể là người lạ, người đi đường nhắm tới đứa trẻ và thực hiện hành vi hiếp dâm ngay; Hoặc cũng có những kẻ xâm hại tình dục trẻ em chỉ áp dụng 2-3 biện pháp trong số các biện pháp kể trên. Một số khác lại có các thủ đoạn như làm quen trước ở trên mạng rồi hẹn gặp ở ngoài rồi tấn công bất ngờ… (nhưng những đối tượng này không nhiều). Tuy nhiên, đa số thủ phạm sẽ tiến hành cả “quá trình dụ dỗ” bởi mong muốn sẽ có sự kiểm soát quyền lực và mong sẽ còn có những lần xâm hại khác nữa…”.

Cha mẹ và người chăm sóc trẻ cần cảnh giác với những dấu hiệu:

- Người lớn thể hiện quan tâm quá mức đến trẻ (gồm những người thân trong gia đình, bạn bè, người được tin tưởng, hoặc những người lạ) bằng cách tặng nhiều quà giá trị, yêu mến không bình thường, yêu cầu ở với trẻ một mình hoặc thăm trẻ mà không có người giám sát.

- Những thay đổi về hành vi của trẻ (trẻ hay cáu gắt, nóng giận bất thường, chán nản, buồn phiền, biểu hiện bất an, giấu diếm)

- Trẻ ngại đi học và bỏ học trong thời gian dài hoặc kết quả học tập giảm sút.

- Trẻ bỏ nhà hoặc vắng mặt trong thời gian dài.

- Trẻ có lời nói và hành vi giới tính không phù hợp.

- Trẻ có nhiều dấu hiệu thể chất (tổn thương, đái dầm, tự hủy hoại bản thân, mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục hoặc có thai).

- Trẻ sợ hãi hoặc nóng giận với người khác.

- Trẻ lạm dụng chất kích thích (ma túy, và các chất có cồn)...

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm