pnvnonline@phunuvietnam.vn
60 năm Ngày mở Đường Hồ Chí Minh trên biển: Người phụ nữ cứu sống 5 thủy thủ trên chuyến tàu C235
Bà Phạm Thị Hường và anh Bùi Hoài Nam, Bí thư Tỉnh đoàn Khánh Hòa. Ảnh: TTXVN
53 năm trước, ngày 29/2/1968, tàu C235 do trung úy Nguyễn Phan Vinh chỉ huy chở hơn 14 tấn vũ khí chuẩn bị cập bến Hòn Hèo, xã Ninh Vân, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa, thì bị địch phát hiện và bắn phá ác liệt. Khi đó, ý đồ của địch là muốn "bắt sống" tàu nhưng thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh đã chỉ đạo mọi người bọc kín vũ khí thả xuống biển, thà chết chứ quyết tâm không cho địch lấy được. Sau khi đã thả hết vũ khí xuống biển, trung úy Nguyễn Phan Vinh thét lên: "Tất cả bơi vào bờ". Còn anh và thợ máy ở lại chuẩn bị thuốc nổ để phá hủy tàu. Cả tấn thuốc nổ đã được kích hoạt. Một tiếng nổ long trời kèm cột lửa bốc cao, con tàu dần dần chìm xuống nước.
Ở trận chiến đó, trung úy Nguyễn Phan Vinh cùng với 14 cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng nằm xuống. Một số người còn lại thương tích đầy mình nhưng vẫn cố gắng dìu nhau di chuyển ở vùng núi đá Hòn Hèo để tránh sự truy lùng gắt gao của địch. Không lương thực, không nước uống, đến ngày thứ 13, các anh mới được tìm thấy và lúc này chỉ còn 5 người.
Những ngày cầm cự trong rừng
Bà Phạm Thị Hường (trú tại phường Ninh Thủy, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) năm đó đang làm việc tại bến Hòn Hèo. Bà đã phát hiện, chăm sóc 5 thủy thủ. "Những ngày cuối tháng 2/1968, chúng tôi được giao nhiệm vụ tiếp nhận hàng của tàu C235 nhưng tàu chưa kịp cập bến thì bị địch tấn công. Tàu C235 khi đó đã bị 7 chiếc tàu chiến của địch đuổi theo, phía trên là trực thăng thả bom, bắn xối xả vào tàu. Sau đó địch còn tấn công cả trạm y tế, đạn vãi ra như mưa. Tôi và các đồng đội trực ở bến phải sơ tán để tránh bị địch phát hiện. Tôi bị lạc nhiều ngày đêm trong rừng, không có thức ăn, chỉ uống nước suối để cầm cự, sau đó trên đường trở về thì tìm thấy các anh", bà Hường kể.
Thời điểm bà Hường tìm thấy 5 chiến sĩ, các anh ai nấy đều chỉ còn da bọc xương, mặt hốc hác, đen nhẻm, chân tay run rẩy. Bà Hường đã cố gắng tìm lương thực nhưng tất cả đều bị địch phá hủy. Bà phải đào củ khoai mài, khoai khai về luộc cho các anh ăn cầm cự qua ngày. Đêm ngủ ở rừng, lo các anh lạnh và bị muỗi đốt, bà Hường lại đi nhặt từng cái dù pháo sáng của địch, khâu thành cái bao cho các anh nằm. "Tôi vẫn nhớ lúc chia tay để các anh trở về miền Bắc công tác, mấy anh nắm chặt tay tôi, ai nấy đều khóc và hẹn ngày tái ngộ. Lúc đó các anh nói: "Hường ơi, những vật này là kỷ niệm sâu sắc đối với đời lính tụi anh. Cả đời này anh sẽ không bao giờ quên ân cứu mạng của em. Anh sẽ giữ những kỷ vật này đến suốt đời để làm kỷ niệm", bà Hường kể lại.
Xúc động ngày tái ngộ
Cùng với bà Hường, ông Nguyễn Bá Cường, nguyên Bí thư Huyện ủy Ninh Hòa, nay là thị xã Ninh Hòa, khi đó là y tá Trạm xá Hòn Hèo cũng đã nhiều ngày chăm sóc, giúp các anh hồi phục sức khỏe. Ông Cường kể, khi các anh được bà Hường đưa đến Trạm xá Hòn Hèo, các anh chỉ tầm ngoài 20 tuổi, nhưng trông ai cũng gầy yếu do bị đói khát nhiều ngày. Bằng mọi thứ có ở trạm xá, mọi người cố gắng cứu chữa, tẩm bổ để các anh mau lại sức. Sau một thời gian dài chăm sóc, các anh đã khỏe và trở lại miền Bắc công tác.
Vài năm sau khi tiễn các anh ra Bắc công tác, bà Hường và ông Cường nên duyên vợ chồng. Giữa thời bình, mỗi khi nghĩ đến sự kiện năm xưa, cặp vợ chồng này vẫn đau đáu vì không thể cứu thêm được nhiều chiến sỹ. Sau nhiều năm trăn trở, vợ chồng ông bà quyết định xây một nhà thờ trong khuôn viên Đài tưởng niệm phường Ninh Thủy (thị xã Ninh Hòa). Vào ngày 29/2 hàng năm, vợ chồng bà Hường lại ra thắp hương cho các anh, những người đã ngã xuống năm đó.
"Năm 1978, tròn 10 năm sau ngày chia tay các anh ra Bắc công tác, anh Tuyến, một thủy thủ của tàu C235, bấy giờ công tác tại Nha Trang, đã trở về tìm gặp vợ chồng tôi. Rồi những năm sau đó, những người từng được vợ chồng tôi cứu giúp cũng về thăm vợ chồng tôi. Ai cũng kể vanh vách chuyện năm xưa, không quên một chi tiết nào. Đến khi chia tay, ai nấy đều xúc động, bịn rịn", ông Cường nói.
Ông Cường cho biết, từ năm 2000 đến nay, năm nào cả nhóm cũng tổ chức đến nhà ông bà chơi 1-2 lần. Vợ chồng ông cũng nhiều lần ra Hà Nội thăm các anh. Hai năm nay, do dịch Covid-19 nên mọi người chưa có dịp hội ngộ. "5 thủy thủ được vợ chồng tôi giúp đỡ năm ấy giờ chỉ còn có 4. Vì 1 người sau khi ra Bắc công tác được vài năm thì mắc bệnh qua đời. Mãi sau này chúng tôi mới biết. Chúng tôi coi nhau như anh em ruột thịt", ông Cường nói.