7/13 Di sản văn hóa của Việt Nam được UNESCO công nhận đều có sự "tham gia" của Áo dài

Bài, ảnh: Nam Anh
17/10/2020 - 14:17
7/13 Di sản văn hóa của Việt Nam được UNESCO công nhận đều có sự "tham gia" của Áo dài

Hội thảo khoa học với chuyên đề “Áo dài và Di sản văn hóa” được tổ chức tại TPHCM

Trong khuôn khổ Lễ hội Áo dài TPHCM 2020, Bảo tàng Áo dài phối hợp với Viện Du lịch - trường ĐH Kinh tế TPHCM vừa tổ chức Hội thảo khoa học với chuyên đề “Áo dài và Di sản văn hóa”.

Tại Hội thảo, các diễn giả gồm những nhà nghiên cứu, chuyên gia văn hóa, NSƯT, nghệ nhân đã trình bày các tham luận và đóng góp ý kiến nhằm tìm hiểu và đề xuất các giải pháp khả thi để đưa áo dài và các di sản văn hóa vào phục vụ sự phát triển của ngành du lịch Việt Nam, cả nội địa lẫn quốc tế.

Nhiều chuyên gia cho rằng, hiếm có trang phục dân tộc nào góp phần vào quá trình tôn vinh Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại nhiều như áo dài. Trong số 13 di sản mà Việt Nam được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, có tới 7 di sản liên quan đến áo dài. 

Theo nghệ nhân Xuân Hòa, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Quan họ Kinh Bắc, có thể dễ dàng thấy áo dài là trang phục chính khi biểu diễn nhiều loại hình âm nhạc dân tộc, diễn xướng dân gian của cả 3 miền Bắc - Trung - Nam. Do đó, việc lập hồ sơ đề nghị Nhà nước công nhận nghề may áo dài là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia là điều cấp thiết.

TPHCM tổ chức hội thảo khoa học “Áo dài và Di sản văn hóa” - Ảnh 1.

Nhiều chuyên gia cho rằng, hiếm có trang phục dân tộc nào góp phần vào quá trình tôn vinh Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại nhiều như áo dài

Bà Huỳnh Ngọc Vân, Giám đốc Bảo tàng Áo dài, chia sẻ: "Việc tổ chức Hội thảo nhằm giúp mọi người có được cái nhìn toàn diện hơn về vai trò của áo dài trong quá trình trình diễn các di sản văn hóa Việt Nam, đặc biệt là các di sản đã được UNESCO vinh danh là "Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại".

Hội thảo cũng đã lắng nghe và đúc kết kinh nghiệm quý báu của các nghệ nhân, nghệ sĩ đã trình diễn các di sản văn hóa trong áo tứ thân, áo dài. Theo các chuyên gia, quá trình bảo tồn, phát huy giá trị của áo dài phải gắn liền với các di sản văn hóa, kết hợp với định hướng phát triển các sản phẩm du lịch bền vững.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm