pnvnonline@phunuvietnam.vn
7 nhiệm vụ trọng tâm của ngành y tế trong năm 2023
Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành y tế vẫn còn những tồn tại, hạn chế và khó khăn. Ảnh: Kiều Trang
Tại Hội nghị triển khai công tác y tế năm 2023 ngày 24/2, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết trong năm 2022, ngành y tế đã hoàn thành 3/3 chỉ tiêu kinh tế - xã hội được Quốc hội giao.
Trong đó vượt 2/3 chỉ tiêu được giao về số bác sĩ/1 vạn dân (11,5 bác sĩ) và số giường bệnh/1 vạn dân (31 giường bệnh), đạt chỉ tiêu về tỉ lệ dân số tham gia BHYT (92,03%); cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu cụ thể ngành, lĩnh vực năm 2022 được Chính phủ giao (13/16 chỉ tiêu).
Công tác xây dựng thể chế tiếp tục được chú trọng và từng bước hoàn thiện. Ngành cũng đã và đang tập trung giải quyết các khó khăn, tồn tại, bước đầu giải quyết tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; xây dựng và trình ban hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến tháo gỡ khó khăn về thiếu thuốc, trang thiết bị, về bảo hiểm y tế, về chế độ phụ cấp đối với cán bộ y tế cơ sở, y tế dự phòng…
Dịch COVID-19 và các dịch bệnh truyền nhiễm khác được kiểm soát tốt, không để xảy ra dịch chồng dịch; hoạt động khám bệnh, chữa bệnh thông thường đang dần phục hồi so với giai đoạn trước đại dịch COVID-19...
Nhiều thách thức đến từ nguyên nhân chủ quan và khách quan
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành y tế vẫn còn những tồn tại, hạn chế và khó khăn, thách thức do cả nguyên nhân chủ quan và khách quan và cần phải được khắc phục.
Cụ thể, hệ thống văn bản pháp luật vẫn chưa hoàn thiện; tình trạng nghỉ việc, chuyển công tác của nhân viên y tế công lập, thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế vẫn còn; nguồn lực đầu tư cho y tế còn hạn chế, chưa đủ nguồn lực phục vụ người dân; năng lực của hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng còn hạn chế; chất lượng công tác quản trị, điều hành và phục vụ người bệnh tại một số cơ sở y tế còn chưa bảo đảm yêu cầu đặt ra; công nghiệp dược, công nghiệp sản xuất trang thiết bị y tế trong nước còn hạn chế; một số dự án vẫn còn kéo dài...
"Tất cả đã và đang tạo sức ép rất lớn đối với công tác y tế. Trong khi đó, yêu cầu nhiệm vụ đặt ra cho năm 2023 cũng như những năm tới đối với ngành y tế là rất nặng nề", Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết.
Nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong năm 2023
Từ đánh giá đó, Bộ trưởng Bộ Y tế đã nêu phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp đột phá của ngành trong năm 2023.
1/ Tăng cường hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo ở các cấp, cơ quan, đơn vị ngành y tế.
2/ Tiếp tục tập trung phòng, chống, kiểm soát dịch COVID-19 và các dịch bệnh khác phù hợp trong tình hình mới.
3/ Hoàn thiện thể chế, các dự án luật, các văn bản dưới luật để tạo hành lang pháp lý cũng như tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của ngành (như hướng dẫn triển khai Luật Khám chữa bệnh sửa đổi, đấu thầu thuốc, gói dịch vụ, đặc biệt đối với trang thiết bị và hóa chất…).
4/ Nâng cao năng lực quản trị bệnh viện, chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.
5/ Các giải pháp tập trung để xây dựng Chỉ thị của Ban Bí thư về phát triển y tế cơ sở…
6/ Các giải pháp đẩy mạnh cải cách hành chính gắn liền với ứng dụng công nghệ thông tin và thúc đẩy chuyển đổi số.
7/ Các giải pháp nâng cao công tác đào tạo nhân lực ngành Y tế; tập trung đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, Chương trình phục hồi phát triển kinh tế xã hội lĩnh vực y tế.
Để thực hiện được khối lượng công việc rất lớn trong năm 2023, ngành y tế mong muốn sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng hành, ủng hộ, phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, các địa phương; sự chia sẻ và đồng thuận của người dân để ngành Y tế phục hồi và phát triển bền vững, thực hiện tốt hơn nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân trong thời gian tới - Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết.
Bộ Y tế nêu rõ 4 khó khăn cần giải quyết:
- Về khái niệm tài sản công có bao gồm thuốc, vật tư tiêu hao sử dụng 1 lần thuộc phạm vi điều chỉnh của nghị định 151/2017/NĐ-CP, theo đó không thể áp dụng ban hành định mức sử dụng để mua sắm.
- Phân cấp thẩm quyền mua sắm giữa nghị định 63/NĐ-CP hướng dẫn Luật đấu thầu và nghị định 151/2017/NĐ-CP hướng dẫn Luật tài sản công cần thống nhất.
- Hiện nay chỉ có nghị định 151 quy định nội dung quyết định mua sắm, chưa có hướng dẫn nội dung dự toán mua sắm và chưa có hướng dẫn cụ thể cách thức xây dựng, phương pháp thẩm định.
Điều này khiến các đơn vị rất lúng túng trong thực hiện, dẫn đến sợ không dám thực hiện vì không biết thế nào đúng, sai.
- Về tham khảo giá, khó nhất hiện nay, đơn vị không biết tham khảo thông tin xây dựng giá gói thầu thế nào là đúng.
Đặc biệt là quy định phải tham khảo 3 báo giá nhưng trong điều kiện không tham khảo được 3 báo giá và các tài liệu tham khảo theo quy định khác thì không có quy định giao cho chủ đầu tư quyết định xây dựng giá kế hoạch lựa chọn nhà thầu.