8x và dự án Nói không với túi nylon

05/06/2018 - 06:50
Nhân Ngày môi trường thế giới 2018 mang chủ đề “Giải quyết ô nhiễm nhựa và nylon”, PNVN đã gặp gỡ Hoàng Thảo, “thủ lĩnh” của dự án Nói không với túi nylon với nhiều chương trình hoạt động thiết thực để bảo vệ môi trường.
Ý tưởng về sự ra đời của Nói không với túi nylon đến với Hoàng Thảo khoảng 3 năm trước. Trong một lần về Hưng Yên công tác, trên đường đi Thảo thấy có một nhà đang đốt rác, trong đó phần lớn là túi nylon và đồ cốc, hộp nhựa dùng một lần và ống hút… Khói đốt rác đen mù mịt và rất khét. Hỏi thăm, Thảo được biết, hầu hết mọi người sống quanh khu vực đó đều bị ít nhất một bệnh về đường hô hấp và mọi người trông đều không khỏe.
 
tui-nylon-3.jpg
Túi nylon là một trong những vật dụng được dùng phổ biến tại Việt Nam

 

Trên đường về Hà Nội, Thảo đếm thấy phải có hàng trăm các bãi rác lớn nhỏ như thế. Sau khi về nhà, Thảo tìm hiểu thông tin và biết khi đốt túi nylon sẽ tạo ra khí thải có chứa chất độc dioxin, cacbonic, methane cực độc có thể gây ra ung thư, suy giảm hệ miễn dịch nếu hít phải.
 
Quan sát xung quanh, Thảo nhận thấy, nhiều người đi mua đồ có thể lấy tới 10 cái túi nylon từ cửa hàng, dùng xong lại vứt đi. Nguy hiểm hơn, thói quen sử dụng túi nylon đã ăn sâu vào tiềm thức. Người tiêu dùng có thể dùng túi, hộp nhựa, hộp xốp… để đựng đồ ăn, đặc biệt là đồ ăn nóng. Cô gái 8x chợt giật mình tự hỏi: Không biết túi nylon và đồ nhựa dùng một lần có liên quan đến thực trạng chất lượng không khí cũng như nguy cơ mắc các bệnh về hô hấp của người Việt Nam ngày càng cao lên không?
noi-khong-voi-tui-nylon-6.jpg
Hoàng Thảo (giữa) sáng lập dự án Nói không với túi nylon từ năm 2016

 

Hoàng Thảo quyết định thành lập trang Nói không với túi nylon trên facebook để cung cấp cho cộng đồng các thông tin như tác hại của túi nylon, cách thay thế chúng, chia sẻ, trao đổi về tình hình môi trường trong và ngoài nước để giúp mọi người nâng cao nhận thức. Đây cũng là nơi Thảo và các bạn trong nhóm tổ chức các hoạt động, sự kiện như các workshop về tái chế những đồ không dùng đến, tạo ra một cộng đồng những người yêu môi trường để giúp mọi người có thêm động lực nói không với túi nylon và bảo vệ môi trường.  
 
noi-khong-voi-tui-nylon-2.jpg
Workshop làm sản phẩm tái chế được tổ chức thường xuyên

 

Tìm mọi cách tiếp cận cộng đồng
 
“Chia sẻ về những tác hại của túi nylon với mọi người, hầu như mọi người đều gật gù tán thành: Ừ, túi nylon độc hại thật đấy. Tuy nhiên khi nói tiếp về chuyện chúng ta nên hạn chế sử dụng túi nylon bằng cách đi chợ thì mang theo túi có sẵn ở nhà của mình đi hoặc túi vải, hộp nhựa đựng thức ăn… thì mọi người lại phản ứng ngay: Như thế thì bất tiện lắm”, Hoàng Thảo nhớ lại.
 
noi-khong-voi-tui-nylon-4.jpg
Cộng đồng cùng chung tay hạn chế sử dụng túi nylon

 

 “Khi tiếp cận mọi người, mình nhận thấy, nhiều người chưa có đủ thông tin, nhận thức về tác hại của túi nylon và đồ nhựa dùng một lần. Bên cạnh đó, có những người có thông tin, nhận thức rồi, nhưng lại chưa có đủ động lực để thay đổi. Việc này cũng giống như chuyện ta biết đồ ăn nhanh, đồ ăn liền độc hại mà vẫn ăn vậy. Tuy nhiên đồ mình ăn thì chỉ độc hại vào mình, nhưng việc thải hàng tấn nylon, rác nhựa ra môi trường mỗi ngày thì còn gây hại đến tất cả mọi thứ quanh ta như môi trường, không khí, biển, đất, động vật và con người nữa”.
 
noi-khong-voi-tui-nylon-3.jpg
Một sản phẩm tái chế của nhóm

 

Chính vì vậy, Hoàng Thảo đã nghĩ mọi cách, thử làm mọi việc để tiếp cận cộng đồng, dần dần cùng mọi người thay đổi thói quen, từ bỏ sự tiện lợi nhưng cũng rất độc hại mà túi nylon và đồ nhựa dùng một lần mang lại. Ngoài cung cấp các thông tin, tác hại của đồ nhựa, Thảo còn tổ chức các hoạt động khuyến khích, kêu gọi các cửa hàng tham gia chiến dịch không sử dụng và cung cấp túi nylon tại cửa hàng, nếu khách hàng tự dùng túi của mình thì sẽ có chính sách giảm giá hoặc tích điểm…
noi-khong-voi-tui-nylon.jpg
Những chiếc túi vải, túi dùng nhiều lần có thể thay thế túi nylon

 

Đã có những cửa hàng hết sức ủng hộ chiến dịch và đã tham gia ngay từ những ngày đầu tiên, nhưng cũng có khá nhiều cửa hàng tỏ ra thờ ơ ngay cả khi được giải thích rằng hoạt động này là để bảo vệ môi trường. Nhưng không vì thế mà nản lòng, mỗi tháng, Thảo đều tổ chức một hội với các chủ đề khác nhau nhằm mục đích hướng dẫn mọi người cách tái chế đồ đạc cũ để bảo vệ môi trường sống.
noi-khong-voi-tui-nylon-1.jpg
Những buổi workshop được tổ chức đều đặn hàng tháng

 

Sau 2 năm hoạt động, fanpage trên Facebook của dự án "Nói không với túi nilon" đã dần trở nên quen thuộc và trở thành diễn đàn được những bạn trẻ yêu và bảo vệ thiên nhiên tìm đến. Thảo cũng nhận thêm được sự cộng tác của các dự án của các Quỹ, tổ chức Phi chính phủ như Live and Learn, Tắt đèn bật ý tưởng… và tìm được những người bạn đồng chí hướng không ngại ngần chia sẻ, giúp đỡ, để có thể bền bỉ và kiên cường hơn trong hành trình rất khó khăn này.
 
Bảo vệ môi trường từ những việc nhỏ nhất
 
Tiết lộ bí quyết thu hút cộng đồng chung tay bảo vệ môi trường, Hoàng Thảo cho biết: “Nhiều người nghĩ rằng để bảo vệ môi trường thì ta phải làm những việc thật to tát, tuy nhiên, mình luôn chia sẻ với mọi người: bảo vệ môi trường lại đến từ những việc rất rất nhỏ. Chỉ cần ta cầm theo túi, hộp đựng khi đi chợ, đi mua đồ thay vì lấy túi nylon, sử dụng điện tiết kiệm, hay tắt máy xe khi dừng đèn đỏ đã là bảo vệ môi trường rồi. Chúng ta đừng nên vì ngại, vì sợ bất tiện mà tặc lưỡi thôi cứ dùng rồi vứt đi, hoặc ngại thay đổi chỉ vì xung quanh mình không ai làm như thế.
noi-khong-voi-tui-nylon-7.jpg
Để bảo vệ môi trường, bạn có thể bắt đầu từ những hành động nhỏ nhất

 

Nếu chúng ta đang làm một việc đúng đắn, người hưởng lợi của việc này là chính chúng ta, bạn bè, gia đình và thế hệ tương lai của chúng ta. Hãy nghĩ môi trường như một ngôi nhà chung. Ngôi nhà của chính mình mà mình không biết yêu quý nó thì người khác có phá hoại nó hay không, ta cũng chẳng làm gì được. Chỉ khi ta có ý thức chăm sóc, bảo vệ nó thì ta mới làm cho những người khác cũng quan tâm đến nó được. Vì thế hãy đừng ngại trở thành người bắt đầu, người tiên phong trong nhóm bạn hay gia đình, cộng đồng của bạn. Bất cứ hành động tích cực nào của bạn đều có thể trở thành động lực cho một người khác cố gắng theo”.
 
noi-khong-voi-tui-nylon-5.jpg
Thông điệp của nhóm Hoàng Thảo đang lan tỏa đến cộng đồng

 

Ấp ủ kế hoạch xây dựng một mô hình cửa hàng thân thiện với môi trường, không tạo rác và tìm cách tác động đến các cơ sở bán hàng, các công ty, Hoàng Thảo mong muốn có thể tạo ra một mạng lưới các cửa hàng, công ty có quan tâm đến môi trường và quyết tâm nói không với đồ nhựa dùng một lần cũng như túi nylon và nhận được sự ủng hộ của mọi người.
 
Mỗi năm thế giới sử dụng 500 tỷ túi nilon. 50% vật dụng nhựa chúng ta sử dụng là loại dùng một lầnGần một phần ba túi nilon sử dụng không được thu gom và xử lý do đó làm ô nhiễm môi trường tự nhiên. Hàng năm có tới 13 triệu tấn chất thải nhựa đổ ra đại dương, gây tổn thương  đến hệ san hô, đe dọa hệ động vật đại dương. Chất thải nhựa đổ ra đại dương có thể bao quanh bốn vòng trái đất mỗi năm, và nó có thể tồn tại 1000 năm trước khi bị tiêu hủy hoàn toàn.
 
Việt Nam là 1 trong 5 nước thải nhiều rác nhựa dùng 1 lần ra biển nhất thế giới. Trong khi công tác xử lý chất thải rắn đô thị ở Việt Nam hiện nay chủ yếu vẫn là chôn lấp hoặc đốt, điều này gây ảnh hưởng trực tiếp tới không khí và môi trường đất, nước (do sự thôi nhiễm của nhựa)
 
Chủ đề ngày môi trường thế giới năm nay là “Giải quyết ô nhiễm nhựa và nylon”. Bạn có thể tìm page Nói Không Với Túi Nylon trên facebook, để tham gia dự án bằng nhiều cách khác nhau, cùng góp phần bảo vệ môi trường.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm