9 hóa chất có liên quan đến bệnh tự kỷ, nhiều chất mọi người tiếp xúc hàng ngày

Vân Anh
14/08/2024 - 10:02
9 hóa chất có liên quan đến bệnh tự kỷ, nhiều chất mọi người tiếp xúc hàng ngày
9 hoá chất này có thể làm tăng nguy cơ bị tự kỷ khi tiếp xúc thường xuyên, đặc biệt ở trẻ em.

Tự kỷ hay còn được gọi là rối loạn phổ tự kỷ (ASD), là một rối loạn phát triển thần kinh ảnh hưởng đến khả năng giao tiếp và hành vi.

Mặc dù nguyên nhân gây tự kỷ chưa rõ ràng nhưng một số hoá chất được tìm thấy trong các sản phẩm cá nhân hoặc gia dụng hay trong môi trường có thể gây ra chứng tự kỷ, rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD), IQ thấp và khuyết tật học tập ở trẻ em.

Dưới đây là 9 hóa chất có liên quan đến bệnh tự kỷ, đặc biệt ở trẻ em:

1. Chì

Chì là một kim loại nặng độc hại có thể tìm thấy trong môi trường, bao gồm sơn cũ, đất, nước và một số sản phẩm tiêu dùng. Khi tiếp xúc với nồng độ chì cao, kim loại nặng này có thể gây ra những tác động bất lợi cho sức khỏe, đặc biệt là đối với não đang phát triển.

Một số tác động phổ biến của ngộ độc chì đối với sức khỏe bao gồm:

- Rối loạn phát triển thần kinh: Tiếp xúc với chì, đặc biệt là trong giai đoạn phát triển quan trọng của não, có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc các rối loạn phát triển thần kinh, bao gồm rối loạn phổ tự kỷ (ASD) và các suy giảm nhận thức khác.

- Suy giảm nhận thức: Ngộ độc chì có thể dẫn đến suy giảm nhận thức, ảnh hưởng đến khả năng học tập, sự chú ý và mức IQ. Trẻ em tiếp xúc với nồng độ chì cao đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi những tác động nhận thức này.

- Các vấn đề về hành vi và cảm xúc: Phơi nhiễm chì có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc các vấn đề về hành vi và cảm xúc, chẳng hạn như tăng động, bốc đồng, hung hăng và khó khăn trong việc tự kiểm soát.

Bạn có thể hạn chế tiếp xúc với chì bằng cách nhờ chuyên gia loại bỏ lớp sơn cũ khỏi nhà, tránh các sản phẩm da giả, bổ sung nhưng thực phẩm giàu sắt, canxi và vitamin C vì những chất dinh dưỡng này có thể giúp giảm sự hấp thụ chì vào cơ thể.

9 hóa chất có liên quan đến bệnh tự kỷ, nhiều chất mọi người tiếp xúc hàng ngày- Ảnh 1.

Ảnh: SKHN

2. Thuỷ ngân

Thuỷ ngân cũng là một kim loại nặng có thể ảnh hưởng đến não và có mối liên hệ với chứng phổ tự kỷ - đã được nghiên cứu năm 1999 chỉ ra.

Ngoài làm tăng nguy cơ tự kỷ, thuỷ ngân còn làm tăng kích thích thần kinh vận động, rối loạn chức năng nhận thức, vấn đề về trí nhớ, khó khăn trong việc phối hợp và giữ thăng bằng, rối loạn cảm giác và thay đổi tâm trạng.

Một nguồn thực phẩm phổ biến nhưng có hàm lượng thuỷ ngân cao đó là cá, đặc biệt là cá biến do nguồn nước bị ô nhiễm. Đó là lý do vì sao các bác sĩ thường khuyến cáo phụ nữ mang thai và trẻ em không nên ăn quá nhiều một số loại cá như cá kiếm, cá ngừ, cá thu vua... để tránh nạp quá nhiều thuỷ ngân vào người.

3. Polychlorinated Biphenyls (PCB)

Từng được sử dụng trong thiết bị điện tử và làm chất chống cháy, PCB hiện đã bị cấm vẫn tồn tại trong môi trường.

Polychlorinated biphenyls (PCB) có khả năng gây độc cho sự phát triển thần kinh. Ngay cả liều lượng PCB thấp cũng được chứng minh là làm gián đoạn sự giao tiếp của tế bào thần kinh khỏe mạnh và can thiệp vào tín hiệu canxi của cơ thể - đây là hai vấn đề có thể dẫn đến chứng tự kỷ.

Hiện này, mặc dù chất này đã bị cấm nhưng PCB vẫn có thể được thải ra môi trường từ: Các bãi chôn lấp chất thải nguy hại được bảo dưỡng kém có chứa PCB. Đổ chất thải PCB bất hợp pháp hoặc không đúng cách. Rò rỉ hoặc phát tán từ máy biến áp điện có chứa PCB.

9 hóa chất có liên quan đến bệnh tự kỷ, nhiều chất mọi người tiếp xúc hàng ngày- Ảnh 2.

Ảnh: SKHN

4. Thuốc trừ sâu

Tỷ lệ mắc rối loạn phổ tự kỷ tăng đáng kể ở những khu vực sử dụng nhiều thuốc trừ sâu so với những khu vực sử dụng ít. Tỷ lệ mắc cao nhất được ghi nhận ở nam giới.

Ngoài ra, các phát hiện cho thấy nguy cơ mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ ở trẻ em tăng lên sau khi tiếp xúc với thuốc trừ sâu xung quanh trong phạm vi 2.000m tính từ nơi ở của mẹ trong thời kỳ mang thai, so với con của những người phụ nữ ở cùng vùng nông nghiệp mà không tiếp xúc với thuốc trừ sâu. Việc tiếp xúc với thuốc trừ sâu ở trẻ sơ sinh có thể làm tăng thêm nguy cơ mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ kèm theo khuyết tật trí tuệ.

Đặc biệt, thuốc trừ sâu organochlorine được biết đến rộng rãi nhất là dichlorodiphenyltrichloroethane, tức là thuốc trừ sâu DDT có rất nhiều nguy hại với sức khoẻ như gây ung thư, rối loạn nội tiết... Mặc dù đã bị cấm nhưng giống như PCB, chúng vẫn tiếp tục ẩn núp trong môi trường.

Để tránh nhiễm thuốc trừ sâu, mọi người có thể tự trồng rau tại nhà hoặc chọn mua ở những nơi có nguồn gốc rõ ràng, không có hoặc phun thuốc trừ sâu theo đúng quy định.

5. Các chất gây rối loạn nội tiết

Các hoá chất có thể gây rối loạn nội tiết như BPA, Phthalates, Polychlorinated biphenyls (PCB), Perfluoroalkyl và Polyfluoroalkyl (PFAS), Triclosan, DDTs và DDEs ngay cả với liều lượng nhỏ cũng có thể gây ra các vấn đề sức khoẻ đi theo suốt cuộc đời như chỉ số IQ thấp và chậm phát triển, hung hăng và các vấn đề xã hội.

Các chất hóa học phá vỡ hormone thường có trong các vật dụng như rèm tắm bằng nhựa vinyl, nước hoa, đồ trang điểm, hộp đựng súp và hộp đựng thực phẩm bằng nhựa.

Để hạn chế tiếp xúc với các chất hoá học này, bạn nên hạn chế sử dụng những sản phẩm từ nhựa hoặc chọn các loại nhựa chất lượng cao, ưu tiên sử dụng đồ dùng thuỷ tinh, gang,...

9 hóa chất có liên quan đến bệnh tự kỷ, nhiều chất mọi người tiếp xúc hàng ngày- Ảnh 3.

Ảnh: SKHN

6. Polycyclic aromatic hydrocarbons (PAHs)

Có nguồn gốc từ việc đốt dầu, gỗ, rác và than, PAHs là một nhóm gồm 10.000 hợp chất có liên quan đến sự phát triển chậm hơn về mặt tinh thần, tổn thương DNA và suy yếu sự phát triển của thai nhi. Chất hoá học này cũng có trong khói thuốc lá; thịt và cá nướng than hay nướng vỉ và hun khói; dầu thực vật tinh luyện...

PAHs có liên quan đến sự thay đổi trong quá trình phát triển thần kinh và nhiều rối loạn phát triển thần kinh khác nhau. Tuy nhiên, các nghiên cứu về việc phơi nhiễm PAH liên quan đến mức độ nghiêm trọng của triệu chứng rối loạn phổ tự kỷ (ASD) và hành vi tự kỷ còn rất ít. Nhưng vì có những ảnh hưởng đáng kể đến sự phát triển thần kinh nên đây có thể là một yếu tố nguy cơ cao liên quan đến chứng tự kỷ.

Để hạn chế tiếp xúc với PAHs, bạn nên tránh khói thuốc lá, nhựa than, thịt nướng...

7. Khí thải từ xe cộ

Khí thải xe cộ là hỗn hợp phức tạp của các loại khí và hạt có thể gây hại cho sức khỏe con người, chẳng hạn như cacbon monoxit, lưu huỳnh đioxit, khí cacbonic, NOx, hiđrocacbon, benzen, vật chất dạng hạt, formaldehyde, bồ hóng, hiđrocacbon thơm đa vòng, hạt vật chất diesel (dpm), các chất gây ô nhiễm không khí nguy hiểm (chất độc), nitơ...

Khi hít phải các chất ô nhiễm này, chúng có thể xâm nhập vào máu và di chuyển đến các bộ phận khác nhau của cơ thể, bao gồm cả não.

Nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc tiếp xúc với ô nhiễm không khí, bao gồm cả khí thải xe hơi, có thể dẫn đến tình trạng viêm não. Tình trạng viêm này có thể gây tổn thương tế bào thần kinh và phá vỡ sự phát triển bình thường của não, có thể góp phần gây ra chứng tự kỷ.

Để tránh nguy cơ này, bạn nên tránh ra ngoài đường trong thời gian cao điểm hoặc nếu không bạn nên lựa chọn đi ô tô hoặc khi ra ngoài đeo khẩu trang, kính mũ đầy đủ.

9 hóa chất có liên quan đến bệnh tự kỷ, nhiều chất mọi người tiếp xúc hàng ngày- Ảnh 4.

Ảnh: SKHN

8. Chất chống cháy

Polybrominated diphenyl ethers, hay PBDEs, là một loại hóa chất chống cháy có mặt ở khắp mọi nơi. Chất này được tìm thấy trên đồ nội thất, thảm, rèm cửa, đồ điện tử và thậm chí cả các sản phẩm dành cho trẻ sơ sinh. Khi đã vào nhà, chúng có xu hướng phân tán thành bụi nhà, sau đó bám vào tay và quần áo của bạn và hít vào qua phổi.

Được coi là chất gây ô nhiễm môi trường toàn cầu, chất chống cháy đã được phát hiện trong nước, đất, không khí, sản phẩm thực phẩm, động vật và mô người. Chất này cũng được tìm thấy trong sữa mẹ của phụ nữ trên toàn thế giới.

Trẻ em của những bà mẹ có nồng độ PBDE cao hơn trong máu dây rốn của họ có điểm số thấp hơn trong các bài kiểm tra phát triển trí tuệ trong thời thơ ấu.

Theo một nghiên cứu trên chuột cái, chuột mẹ tiếp xúc với PBDE có thể ảnh hưởng đến chuột con đang phát triển, chuột con sẽ biểu hiện những đặc điểm liên quan đến rối loạn phổ tự kỷ. Khả năng nhận dạng xã hội ngắn hạn và trí nhớ xã hội dài hạn của chúng bị giảm đáng kể và chuột con có hành vi lặp đi lặp lại gợi nhớ đến hành vi cưỡng chế của con người, một triệu chứng cốt lõi của chứng tự kỷ.

9. Hoá chất chống dính

Hoá chất chống dính PFAS có thể làm tăng nguy cơ mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) và các vấn đề về xung động ở trẻ em, đồng thời hoá chất này cũng không tốt cho người lớn như có thể gây rối loạn nội tiết, có liên quan đến cholesterol cao và vô sinh ở nam giới.

Bạn có thể chuyển sang dùng chảo gang hoặc thép không gỉ khi nấu ăn và tránh các loại đồ nội thất và thảm có tác dụng chống bám bẩn, thường chứa hợp chất chống dính này.

Nguồn: Tổng hợp
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm