Ăn trái cây, uống siro: Không phải là đối tượng xử phạt của Nghị định 100

Linh Trần
07/01/2020 - 12:06
Ăn trái cây, uống siro: Không phải là đối tượng xử phạt của Nghị định 100

Cơ quan chức năng xử lý tài xế lái xe có nồng độ cồn trong hơi thở vượt ngưỡng quy định

Sau khi ăn một số loại hoa quả như nho, sầu riêng, chuối... thì nồng độ cồn trong hơi thở rất nhỏ, gần như không đáng kể và bay hơi nhanh. Do đó, người ăn trái cây thì không phải là đối tượng xử phạt của Nghị định 100.

Nhiều loại thức ăn có cồn

Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định 100/2019 có hiệu lực từ ngày 1/1/2020 về quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt nhằm thực hiện hóa Luật Phòng chống tác hại của Rượu bia. Trong đó, mức phạt cao nhất đối với người điều khiển xe ô tô có sử dụng rượu bia là 40 triệu đồng và với xe máy là 8 triệu đồng.

Sau khi Nghị định 100 có hiệu lực, dư luận đã dậy sóng. Bên cạnh các ý kiến ủng hộ cũng có nhiều người phản đối vì cho rằng, mốc 0miligam/l hơi thở là không thể bởi máy móc cũng không thể chính xác tuyệt đối. Hơn nữa, không riêng gì rượu bia mới có cồn ethanol mà các thực phẩm, đồ uống như hoa quả, đồ ăn hấp bia, đồ ăn hầm rượu, siro, nước ép trái cây... đều có ethylic. Vì vậy, khi ăn xong xong vẫn có nồng độ cồn trong hơi thở.

Trao đổi với PNVN, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và thực phẩm (ĐH Bách khoa Hà Nội) cho biết, đúng là sau khi ăn một số loại hoa quả như như vải, nho, sầu riêng, dứa, táo, chuối, xoài…thì hơi thở sẽ có cồn. Nguyên nhân là bởi những loại trái cây này khi để môi trường bên ngoài sẽ xảy ra hiện tượng lên men, tức "hóa đường thành rượu". Tuy nhiên, lượng cồn trong những loại quả này rất nhỏ, không đủ để hấp thụ vào trong máu mà chuyển qua phổi khiến hơi thở có cồn.

Ăn trái cây, uống siro: Không phải là đối tượng xử phạt của Nghị định 100 - Ảnh 1.

Cơ quan chức năng kiểm tra việc chấp hành quy định cấm lái xe sau khi sử dụng rượu bia

Ngoài các loại hoa quả trên, khi sử dụng các món tráng miệng nướng chứa vani cũng có cồn, thời gian nướng 15 phút vẫn giữ lại 40% cồn, nướng 60% thì lượng cồn là 25%. Giấm ăn cũng là thực phẩm chứa một lượng nhỏ cồn. Dù cồn hoa quả hay cồn rượu bia cũng là một loại cồn, kể cả là ít hay nhiều. Do vậy, khi tham gia giao thông, tốt nhất là các tài xế nên chú ý tránh ăn nhiều các thực phẩm này. Hoặc sau khi ăn xong nên súc miệng kỹ, ngồi nghỉ 30 - 60 phút để lượng cồn bay đi hết.

Đồng quan điểm, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu (BV Bệnh Nhiệt đới TƯ) cũng cho rằng, việc uống các siro có cồn, hoa quả lên men thì có thể có nồng độ rượu trong hơi thở. Tuy nhiên, do nồng độ thấp nên cơ thể sẽ chuyển hóa hết rất nhanh. Vì vậy, sau khi ăn những loại thực phẩm này, người dân nên nghỉ ngơi trong vòng 20-30 phút để hơi men bay hơi hết.

Bộ Y tế sẽ hướng dẫn khoa học cho lực lượng chức năng

Trước những thắc mắc của người dân, ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Pháp chế (Bộ Y tế) cho rằng, sau khi ăn một số loại hoa quả như nho, sầu riêng, chuối... thì nồng độ cồn trong hơi thở rất nhỏ, gần như không đáng kể. Do đó, người ăn trái cây thì không phải là đối tượng xử phạt. Trong quá trình tuyên truyền, Bộ Y tế sẽ phổ biến những vấn đề về mặt khoa học để lực lượng chức năng nắm được có hướng xử lý hợp lý.

Cũng theo ông Quang, khi uống 1 đơn vị cồn (khoảng 2/3 lon bia 330ml nồng độ 5%; 100ml rượu vang nồng độ cồn 13,5%; 30ml rượu mạnh nồng độ cồn 40%) thì cơ thể người bình thường cần 1 tiếng để chuyển hóa. Sau đó, cơ thể cần thêm 1-2 tiếng nữa để chuyển hóa hết hoàn toàn. Do đó, nếu uống 1 đơn vị cồn, người bình thường cần từ 2-3 tiếng thì mới có thể lái xe, còn người suy yếu gan thì cơ thể chuyển hóa chậm hơn nữa. Vì vậy, trước khi tham gia giao thông, người dân cần cân nhắc trong việc sử dụng rượu bia. Trường hợp vẫn uống rượu bia thì không lái xe, thay vào đó hãy di chuyển bằng taxi hay nhờ người đến đón để đảm bảo an toàn cho bản thân và người tham gia giao thông.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm