Cách đây ít lâu, chị Thu Tâm, nhân viên văn phòng ở quận 11, TPHCM, từng lấy làm bất bình khi thấy cục pin của chiếc điện thoại giá rẻ được mua trong một chương trình khuyến mãi, chỉ sau 1 tháng sử dụng đã bị hư hỏng, không thể phục hồi. Khi mang máy ra tiệm, được thợ sửa máy ở đó cho biết là cục pin đi kèm theo máy không phải hàng “zin”, mà đã bị nhà phân phối tráo một cục pin kém chất lượng. Chênh lệch giá giữa cục pin “dỏm” với cục pin “xịn” khoảng 60.000 đồng.
Người tiêu dùng cần hết sức tỉnh táo khi bắt gặp những chương trình bán hàng có các mức giá sản phẩm ‘rẻ bất ngờ’. Ảnh minh họa: internet
Còn anh Hồng Sơn, ngụ tại quận Tân Bình, thì “đau” hơn khi hí hửng mang về một chiếc máy lạnh thương hiệu Nhật, mua khuyến mãi của một siêu thị khá danh tiếng, giá rẻ hơn bình thường khoảng 1 triệu đồng. Nhưng chỉ sau nửa tháng vận hành thì đã “đổ bệnh”, kêu thợ tới nhà sửa thì họ nói rằng, nhiều chi tiết, linh kiện trong chiếc máy đã bị tráo đổi bằng hàng Trung Quốc trôi nổi, nên cần phải thay thế mới sử dụng được. Tổng chi phí sửa chữa và thay thế linh kiện hết hơn 2,5 triệu đồng, mà không phải món nào cũng đúng là hàng chính hãng! Tính ra, anh không những bị thiệt hại hơn 1,5 triệu đồng, mà còn phải chấp nhận “sống chung” với món hàng lai tạp, có thể “đổ bệnh” bất cứ lúc nào.
Anh Dương Quang, chủ một doanh nghiệp điện lạnh ở quận Thủ Đức cho biết, hiện nguồn hàng từ nước ngoài nhập về rất đa dạng, không chỉ hàng chính hãng và hàng “dỏm” được sản xuất ở các tổ hợp nhỏ của Trung Quốc, mà còn có nhiều loại mặc dù được sản xuất ở Trung Quốc nhưng lại được đóng nhãn mác ở nước thứ 3 (thường gặp nhất là Malaysia hay Thái Lan). Hoặc cũng có những sản phẩm được lắp ráp trong nước nhưng lại mang các thương hiệu có tên “na ná” với tên của một vài hãng của Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Mỹ... Những sản phẩm này chủ yếu sử dụng linh kiện trôi nổi, chất lượng không căn cứ trên tiêu chuẩn nào, nhưng giá rất rẻ, thường được trà trộn trong các chương trình khuyến mãi “đậm”.
Ông bà ta có câu “của rẻ là của ôi”, quả không sai chút nào! Tất nhiên vẫn có một số chương trình khuyến mãi “thật”, nhà sản xuất và kinh doanh muốn tiêu thụ lượng sản phẩm lớn và chấp nhận giả tỉ suất lợi nhuận, hàng hóa ở đó vẫn đảm bảo chất lượng, hoặc quá lắm thì cũng chỉ gần “hết date”, nhưng cũng có không ít doanh nghiệp lợi dung danh nghĩa khuyến mãi để trà trộn hàng giả, hàng kém chất lượng, khiến người mua phải “nếm trái đắng”!
Vì thế, khi bắt gặp những chương trình bán hàng có các mức giá sản phẩm “rẻ bất ngờ”, thì mọi người cần hết sức tỉnh táo, đừng để cảm giác đánh lừa!