được công nhận là liệt sĩ
Ở tuổi gần đất xa trời, cụ Phạm Thị Tỵ (SN 1933), cụ Phạm Văn Chuyên (SN 1937), trú tại xã Tân Tiến, huyện Hưng Hà, Thái Bình – không nén được xúc động khi người em út Phạm Minh Ngọ (SN 1947) vừa được Đảng, Nhà nước công nhận là liệt sĩ và trao bằng "Tổ quốc ghi công".
Liệt sĩ Phạm Minh Ngọ (còn gọi Phạm Văn Ngọ) là con út trong một gia đình bần nông có tới 6 người con ở thôn Nhâm Lang (xã Tân Tiến). Cả bố và mẹ đều mất sớm, từ nhỏ liệt sĩ Ngọ sống dựa vào các anh chị. Đến tuổi 15, trước cảnh nhà khó khăn, liệt sĩ đã thoát ly gia đình lên tỉnh Lai Châu (cũ) làm công nhân Ty Bưu điện - Truyền thanh.
Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và trao bằng Tổ quốc ghi công liệt sĩ Phạm Minh Ngọ
Cũng tại đây, trước lời kêu gọi thiêng liêng của Tổ quốc, cuối năm 1967, liệt sĩ Ngọ xung phong nhập ngũ lên đường giải phóng miền Nam, biên chế tại Sư đoàn đặc công 305, Quân khu Tây Bắc. Đến đầu tháng 3/1968, trong một trận chiến đấu ác liệt với kẻ thù, liệt sĩ Ngọ đã anh dũng hy sinh ở tuổi 21.
Hy sinh ở độ tuổi đẹp nhất đời người, liệt sĩ Ngọ chưa lập gia đình. Gia đình của ông là những anh chị hiện đang sinh sống tại nơi thôn quê nghèo. Khi nhận được giấy báo tử của người em út, các anh chị của ông như tan nát cả cõi lòng, thương người em có số phận vất vả, thiệt thòi.
Chiến tranh cũng sớm qua đi, đời sống khốn khó đã vô tình làm thất lạc giấy tờ có thông tin về phần mộ liệt sĩ. Khi có của ăn của để thì tuổi già ập đến, mắt mờ, chân chậm, các anh chị của liệt sĩ vẫn đau đáu nỗi đón em về trong vòng tay của đất mẹ quê hương. Dù con cháu của các cụ đã nhiều lần tổ chức đoàn lên Sơn La, Điện Biên đi tìm nhưng thông tin về phần mộ của liệt sĩ vẫn bặt vô âm tín.
Trong nỗi khắc khoải đó, cụ Phạm Văn Tân (anh cả, SN 1927), cụ Phạm Thị Thứ (SN 1929) lần lượt qua đời. Việc tìm kiếm phần mộ liệt sĩ được dòng tộc phân công cho ông Phạm Văn Nhâm (SN 1931), anh trai của liệt sĩ Phạm Văn Ngọ. Đến năm 2012, qua thông tin từ Ban CHQS huyện Hưng Hà, gia đình biết liệt sĩ Ngọ được quy tập tại Nghĩa trang Liệt sĩ - Tử sĩ TP Sơn La (tỉnh Sơn La).
Ngay sau đó, gia đình đã tổ chức đoàn để đến thăm viếng liệt sĩ Ngọ. Buổi hôm đó, do tuổi cao sức yếu, cụ Nhâm không đi được, cụ Phạm Thị Tỵ (chị gái) và cụ Phạm Văn Chuyên (anh trai) cùng các con cháu đến viếng. Vậy là, sau gần 45 năm, lần đầu tiên kể từ ngày hy sinh, liệt sĩ Ngọ đã gặp mặt những người anh người chị và các con cháu của mình.
Cụ Tỵ ôm chầm lấy phần mộ của em, "Ối em ơi... ối em ơi... em đi mà một mạch chẳng về...". Ký ức năm xưa như hiện về, cha mẹ mất sớm, bản thân gia cảnh cũng khó khăn, ngày em trai lên đường thoát ly, cụ không có gì nhiều ngoài cuộn chỉ và mấy nắm gạo để dúi vào túi em. Vậy mà, vậy mà, lần ấy cũng là lần gặp gỡ cuối cùng của hai chị em.
Còn đối với cụ Chuyên, có phần may mắn hơn, trong thời gian công tác tại Lai Châu, hai anh em có nhiều dịp gần gũi. Nhưng thời gian cũng chỉ là phút chốc, vì thời điểm này, cụ Chuyên tham gia công tác tại Đoàn Chuyên gia quân sự 959, lái xe đưa đón chuyên gia Việt Nam sang hỗ trợ cách mạng Lào cho tới tháng 8/1976.
Tuy nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng quân nhân Phạm Minh Ngọ vẫn chưa được công nhận là liệt sĩ. Là người trực tiếp làm thủ tục đề nghị công nhận và truy tặng liệt sĩ, chị Nguyễn Thị Toan, cháu dâu của liệt sĩ cho biết, "Gia đình bắt đầu làm hồ sơ từ năm 2016, tuy nhiên do hoàn cảnh chiến tranh, các giấy tờ bị thất lạc, chưa đủ điều kiện để hoàn thiện hồ sơ".
Không chờ được đến ngày đó, anh trai của liệt sĩ, ông Phạm Văn Nhâm đã qua đời ở tuổi 90 (vào năm 2021). Trong quá trình làm ma chay cho bố chồng, chị Toan và gia đình đã tìm thấy một số giấy tờ quan trọng. Cụ thể là Huân chương Chiến công giải phóng hạng Ba, Huân chương Chiến sĩ giải phóng hạng Ba được Hội đồng cố vấn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam do đồng chí Nguyễn Hữu Thọ làm Chủ tịch ký truy tặng.
Đây là những phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước tặng thưởng để ghi nhận những thành tích chiến đấu và công lao đóng góp của liệt sĩ Phạm Minh Ngọ cho cách mạng. Dựa trên cơ sở này, Ban CHQS huyện Hưng Hà đã phối hợp với cấp ủy chính quyền địa phương hướng dẫn thân nhân liệt sĩ hoàn thiện thủ tục hồ sơ báo cáo và đề nghị công nhận và truy tặng liệt sĩ.
Vào ngày 22/7 vừa qua, trong không khí trang nghiêm tại Hội trường Nhà Văn hóa xã Tân Tiến, Ban CHQS huyện Hưng Hà đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền, nhân dân xã Tân Tiến tổ chức Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và trao bằng Tổ quốc ghi công liệt sĩ Phạm Minh Ngọ.
Toàn cảnh Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và trao bằng Tổ quốc ghi công liệt sĩ Phạm Minh Ngọ
Buổi lễ được tổ chức vào dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2022), còn có sự hiện diện Bộ CHQS tỉnh Thái Bình, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, Huyện ủy - HĐND - UBND - UBMTTQ huyện Hưng Hà cùng thân nhân, gia đình, dòng họ của liệt sĩ.
Trước đó mấy ngày, cụ Tỵ đương ốm không dậy được, nhưng khi biết tin em trai được Đảng, Nhà nước trao bằng Tổ quốc ghi công, sức khỏe cụ bỗng nhiên một tốt lên. "Được nhờ Đảng và Chính phủ, được cơ quan tỉnh, huyện, xã, thôn về lo cho Phạm Minh Ngọ, em của chị. Chị thấy phấn khởi, chị đang ốm mà tự nhiên lại khỏi, em phù hộ cho chị", cụ Tỵ không nén được nước mắt khấn thầm trước bàn thờ em trai.
Phút mặc niệm bắt đầu, trong lời nhạc Hồn tử sĩ trang nghiêm, gần 100 người cúi đầu thành kính trước anh linh của liệt sĩ Phạm Minh Ngọ. Khi tiếng nhạc vừa dứt, cụ Chuyên đại diện gia đình, dòng tộc lên đón nhận bằng Tổ quốc ghi công trong bộ trang phục của người lính lái xe Đoàn 959. Những huân huy chương được Đảng và Nhà nước Lào - Việt Nam trao tặng cụ cẩn trọng gắn trên ngực áo, như vun dày thêm truyền thống cách mạng của gia đình.
Thượng tá Thái Đức Thắng, Phó Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên, Ban CHQS huyện Hưng Hà đọc lời điếu: "Tổ quốc và nhân dân đời đời ghi nhớ công ơn của liệt sĩ Phạm Minh Ngọ, trách nhiệm và bổn phận của thế hệ chúng ta hôm nay và mai sau nguyện khắc ghi trong tâm khảm gương sáng của liệt sĩ về lòng dũng cảm hy sinh, xả thân vì quê hương, đất nước. Luôn giáo dục cho thế hệ trẻ mai sau không bao giờ được lãng quên lịch sử đấu tranh hào hùng của dân tộc".
Đại diện gia đình, chị Nguyễn Thị Toan cho biết, vào khoảng tháng 8 tới đây, gia đình dự kiến sẽ di chuyển hài cốt liệt sĩ Phạm Minh Ngọ từ Nghĩa trang Liệt sĩ - Tử sĩ TP Sơn La về an táng tại một nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn huyện Hưng Hà. Đây cũng là ước muốn sau cùng của cụ Tỵ và cụ Chuyên trước khi nhắm mắt xuôi tay.