Bà Rịa - Vũng Tàu: “Vươn ra biển lớn” với cụm cảng đắt giá Cái Mép - Thị Vải


Từ đầu thế kỷ 16, Vũng Tàu đã được các thương gia châu Âu biết đến trên con đường hàng hải tìm kiếm nguồn hàng mới ở châu Á. Thương nhân Bồ Đào Nha gọi Vũng Tàu là "Oporto Cinco Chagas Verdareiras", tức "vịnh nằm giữa những núi Cinco Chagas". Còn người Pháp gọi nơi này là "Cap Saint-Jacques", nghĩa là "Mũi đất của Thánh Giacobe".

Trong tác phẩm Đại Nam nhất thống chí, vùng đất này được mô tả như sau: "... trong có vũng lớn gọi là Vũng Tàu, ngày để che chở cho tàu thuyền đỗ nghỉ. Trên núi có suối nước ngọt, chân núi tụ họp dân chài, thật là chỗ cửa quan xung yếu".

Tính "cửa quan xung yếu" ấy qua nhiều thế kỷ đến nay vẫn là lợi thế đặc trưng và niềm tự hào của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Bà Rịa - Vũng Tàu: “Vươn ra biển lớn” với cụm cảng đắt giá Cái Mép - Thị Vải- Ảnh 1.

Tàu hàng cập bến - Ảnh: Ngọc Khởi

Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Bà Rịa - Vũng Tàu có tiềm năng lớn về dầu khí khi sở hữu 93% tổng trữ lượng dầu mỏ và 16% tổng trữ lượng khí thiên nhiên của cả nước.

Song, kể từ khi Chính phủ có chủ trương di dời các cảng tại nội đô TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu trở thành trung tâm cảng biển chính của khu vực Đông Nam Bộ, là cửa ngõ giao thương của toàn bộ miền Nam. Các cảng lớn tập trung chủ yếu trên sông Thị Vải với luồng sâu 15m đảm bảo các tàu container trên 100.000 tấn đã có thể cập cảng Bà Rịa - Vũng Tàu đi thẳng sang các nước châu Âu, châu Mỹ. Theo quy hoạch, Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ có gần 70 cảng biển, là tỉnh thành có nhiều cảng biển nhất cả nước.

Sở hữu đường bờ biển dài hơn 300km, vùng biển rộng hơn 100.000km2, lưỡi đất vươn ra biển này hội đủ tiềm năng để phát triển kinh tế biển với các lĩnh vực lợi thế từ khai thác dầu khí, công nghiệp năng lượng, công nghiệp nặng đến dịch vụ cảng biển, vận tải biển, hậu cần logistic và du lịch biển - đảo. Cũng vì vậy, hơn 3 thập kỷ phát triển, Bà Rịa - Vũng Tàu luôn đặt mục tiêu tăng trưởng gắn liền với khai thác có hiệu quả các ngành kinh tế trụ cột có liên quan đến biển.

Bà Rịa - Vũng Tàu: “Vươn ra biển lớn” với cụm cảng đắt giá Cái Mép - Thị Vải- Ảnh 2.

Dư địa dồi dào phát triển công nghiệp gắn với cảng biển

Nhắc đến Bà Rịa - Vũng Tàu là nhắc đến một trong những trung tâm năng lượng, công nghiệp nặng, du lịch, cảng biển hàng đầu Việt Nam. Trung tâm điện lực Phú Mỹ và Nhà máy điện Bà Rịa chiếm 40% tổng công suất điện năng của cả nước. Trong khi đó công nghiệp nặng của tỉnh vô cùng phong phú với sản xuất phân đạm, sản xuất polyetylen, sản xuất clinker, và đặc biệt là sản xuất thép. Hiện tại tỉnh có hàng chục nhà máy thép lớn đang hoạt động hiệu quả như Posco Vietnam, VinaKyoei, Thép miền Nam, Bluescopes, Thép Việt, Nhà máy thép SMC…

Nếu như trước đây, ngành công nghiệp của tỉnh chủ yếu dựa vào khai thác dầu khí thì hiện đang dịch chuyển sang công nghiệp chế biến chế tạo, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao và hình thành khu công nghiệp hóa dầu. Với những lợi thế vô cùng lớn về vùng biển, Bà Rịa - Vũng Tàu đang có rất nhiều "dư địa" để phát triển công nghiệp, trở thành điểm đến lý tưởng cho các doanh nghiệp FDI.

Từ một vài cảng chuyên dùng phục vụ ngành dầu khí và đánh bắt hải sản, hiện trên địa bàn tỉnh có 77 bến cảng (trong đó có 67 bến cảng ở đất liền và 10 bến cảng dầu khí ngoài khơi). Để "tận dụng" hệ thống cảng biển, Bà Rịa - Vũng Tàu quy hoạch và xây dựng hệ thống các khu công nghiệp gắn với cảng biển. 

Theo thống kê, hiện tỉnh có 15 khu công nghiệp với 544 dự án đầu tư còn hiệu lực. Trong đó có 274 dự án (vốn đầu tư 133.396 tỷ đồng và 1,018 tỷ USD), 270 dự án đầu tư nước ngoài với số vốn 12,344 tỷ USD.

Đặc biệt, nhiều dự án trọng điểm được đầu tư từ các nước lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan… đang hoạt động rất hiệu quả. 

Có thể kể đến như dự án Nhà máy sản xuất PPP và kho ngầm chứa LPG của Tập đoàn Hyosung với vốn đầu tư 1,3 tỷ USD; Tổ hợp hóa dầu Long Sơn với vốn đầu tư 5,4 tỷ USD từ Thái Lan…

Bà Rịa - Vũng Tàu: “Vươn ra biển lớn” với cụm cảng đắt giá Cái Mép - Thị Vải- Ảnh 3.

Cảng Cầu Đá – Vũng Tàu. Ảnh: Hoài Ân

Bà Rịa - Vũng Tàu tích cực thành lập các khu công nghiệp công nghệ cao, khu công nghiệp sinh thái để thu hút các nhà đầu tư và nguồn nhân lực trong các ngành sản xuất tiên tiến, sử dụng công nghệ hiện đại, kết hợp với hệ thống các khu công nghiệp, khu đô thị, trung tâm dịch vụ, hình thành các tổ hợp quy mô lớn về công nghiệp - dịch vụ - đô thị.

Đặc biệt, tỉnh kiên trì chủ trương thu hút đầu tư có chọn lọc, chú trọng bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, với mục tiêu "Phát triển Bà Rịa - Vũng Tàu thành tỉnh mạnh về công nghiệp, cảng biển, du lịch và nông nghiệp công nghệ cao".

Bà Rịa - Vũng Tàu: “Vươn ra biển lớn” với cụm cảng đắt giá Cái Mép - Thị Vải- Ảnh 4.

Một góc thành phố Vũng Tàu nhìn từ trên cao

Giao thông đồng bộ "chắp cánh" kinh tế liên vùng

Với vị trí địa lý thuận lợi, Bà Rịa - Vũng Tàu có đầy đủ 5 phương thức vận tải gồm: đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải và hàng không. Vì vậy, việc phát triển kết cấu hạ tầng giao thông để đáp ứng nhu cầu của ngành logistics rất được quan tâm.

Hơn 30 năm đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, Bà Rịa - Vũng Tàu hiện được đánh giá là một trong những địa phương có hệ thống giao thông hiện đại, khang trang và nhiều con đường đẹp của Việt Nam. Theo Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Trần Thượng Chí, các tuyến tỉnh lộ kết hợp cùng với quốc lộ tạo thành mạng lưới đường trục ngang, dọc đan xen và trải đều, tạo điều kiện phát triển khu công nghiệp, du lịch, đô thị, nông thôn tại địa phương.

Trong tháng 6/2023, đồng loạt 3 dự án lớn tại Bà Rịa - Vũng Tàu đã được khởi công xây dựng, đó là Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, cầu Phước An và đường ĐT 994.

Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu có chiều dài khoảng 53,7km với tổng mức đầu tư sơ bộ là 17.837 tỷ đồng. Tuyến cao tốc này đi ngang qua rất nhiều cụm khu công nghiệp lớn của 2 tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu, đồng thời rút ngắn thời gian kết nối từ khu đô thị đến sân bay quốc tế Long Thành. Đặc biệt, khi Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu hoàn thành, ngoài việc vận chuyển hàng hóa giữa 2 tỉnh, tuyến đường sẽ giúp Bà Rịa - Vũng Tàu kết nối nhanh chóng với các địa phương khác trong Đông Nam Bộ.

Đường ĐT 994 giúp kết nối các địa phương ven biển của Bà Rịa - Vũng Tàu với La Gi, tỉnh Bình Thuận, mở ra trục kết nối từ Bà Rịa - Vũng Tàu với các địa phương du lịch ven biển miền Trung.

Dự án cầu Phước An có tổng chiều dài khoảng 4,3km, bắc qua sông Thị Vải, nối thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với huyện Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai). Dự án có tổng mức đầu tư dự án khoảng 4.877 tỷ đồng và dự kiến sẽ hoàn thành năm 2027. Khi đi vào hoạt động, cầu Phước An sẽ giảm tải lưu lượng giao thông cho Quốc lộ 51 đang ngày càng quá tải.

Đặc biệt, tỉnh kiên trì chủ trương thu hút đầu tư có chọn lọc, chú trọng bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, với mục tiêu "phát triển Bà Rịa - Vũng Tàu thành tỉnh mạnh về công nghiệp, cảng biển, du lịch và nông nghiệp công nghệ cao".

Bà Rịa - Vũng Tàu: “Vươn ra biển lớn” với cụm cảng đắt giá Cái Mép - Thị Vải- Ảnh 5.

Một nhà máy sản xuất tại đô thị công nghiệp mới Phú Mỹ

Không những vậy, cầu Phước An còn là mắt xích quan trọng kết nối vận chuyển hàng hóa từ cụm cảng Cái Mép - Thị Vải về Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận dễ dàng và nhanh chóng hơn.

Theo các chuyên gia, hàng loạt dự án giao thông trọng điểm có ý nghĩa rất quan trọng để phát huy tối đa tiềm năng của hệ thống cảng Cái Mép - Thị Vải, góp phần cắt giảm chi phí logistics cho doanh nghiệp, phát triển hệ thống logistics quốc gia ngày càng hiện đại, chuyên nghiệp.

Đặc biệt, Bà Rịa - Vũng Tàu là địa phương duy nhất của cả nước đã và đang tiến hành chuyển đổi số trong quản lý cơ sở hạ tầng cảng biển với 10 bến cảng đã được số hóa. Hệ thống cảng, dịch vụ hậu cần cảng trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, đóng góp ngày càng lớn vào tăng trưởng GRDP, thu ngân sách địa phương và hỗ trợ các ngành công nghiệp, thương mại, dịch vụ phát triển.

Ngoài ra, Nghị quyết 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đề ra mục tiêu nghiên cứu đầu tư tuyến đường sắt vận tải hàng hóa Biên Hòa - Vũng Tàu kết nối với Cảng biển Cái Mép - Thị Vải.

Cảng hàng không, các cửa khẩu quốc tế cũng như các tuyến thương mại quan trọng tạo đã và đang nên một môi trường thuận lợi cho hàng loạt hoạt động đầu tư và phát triển kinh tế tại Bà Rịa - Vũng Tàu.

Cảng Cái Mép - Thị Vải: Cầu nối đưa Vũng Tàu ra thế giới

Nằm dọc theo bờ Tây sông Thị Vải, cảng Cái Mép - Thị Vải thuộc địa phận phường Tân Phước, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là giúp Bà Rịa - Vũng Tàu trở thành một trong những động lực tăng trưởng quan trọng trong vùng kinh tế phía Nam.

Với độ sâu luồng từ 15 - 20m, vũng quay đầu rộng 600m thuận lợi cho việc quay đầu và đón nhận các tàu lớn nhất thế giới đến 200.000 tấn, hiện Cái Mép - Thị Vải có tổng diện tích 27 ha với năng lực tiếp nhận 1,6 - 2 triệu TEU mỗi năm.

Bà Rịa - Vũng Tàu: “Vươn ra biển lớn” với cụm cảng đắt giá Cái Mép - Thị Vải- Ảnh 6.

Cái Mép - Thị Vải sở hữu lợi thế đắt giá nằm giữa các tuyến đường biển và đường bộ quan trọng, kết nối liên tỉnh (tỉnh lộ 965 và quốc lộ 51) và toàn vùng Đông Nam Bộ. Do đó, đây là mắt xích quan trọng kết nối các khu công nghiệp (KCN) lớn của Bà Rịa - Vũng Tàu (KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3, KCN Mỹ Xuân B1 – Conac, KCN Cái Mép, KCN Long Sơn, KCN Châu Đức, KCN Đá Bạc, KCN Đất Đỏ I…) với Đồng Nai, Bình Dương và các tỉnh lân cận khác.

Đồng thời, với vị trí cảng nước sâu nằm gần ngã ba sông Thị Vải - Cái Mép, cách trạm hoa tiêu Vũng Tàu 18 hải lý, cảng Cái Mép - Thị Vải là điểm trung chuyển rất thuận lợi cho hàng hóa giao thương giữa Việt Nam và là cảng nước sâu duy nhất tại Việt Nam có khả năng phục vụ các chuyến tàu container trực tiếp đến châu Âu và châu Mỹ, rút ngắn thời gian và giảm tối đa chi phí logistics cho các doanh nghiệp vì không phải quá cảnh sang Singapore.

Thời gian qua, Cái Mép - Thị Vải đã đón những tàu siêu lớn cấp quốc tế như tàu container OOCL Spain cập cảng Gemalimk hay tàu Spectrum of the Seas thuộc hãng Royal Caribbean Cruise Lines cập cảng Tân Cảng - Cái Mép. Tàu OOCL Spain có chiều dài gần 400m, rộng 61,3m, có trọng tải lên đến 225.000 tấn và chở được 24.188 TEU. Trong khi đó, siêu tàu du lịch Spectrum of the Seas được xem là du thuyền lớn nhất châu Á với khả năng đón tiếp 5.600 khách.

Bà Rịa - Vũng Tàu: “Vươn ra biển lớn” với cụm cảng đắt giá Cái Mép - Thị Vải

Việc các siêu tàu quốc tế chọn cụm cảng Cái Mép - Thị Vải để dừng chân có ý nghĩa rất quan trọng đối với Việt Nam nói chung và Bà Rịa - Vũng Tàu nói riêng. Bởi nó không chỉ thể hiện năng lực kết nối chuỗi cung ứng toàn cầu mà còn khẳng định niềm tin của đối tác với kế hoạch nạo vét luồng Cái Mép - Thị Vải nhằm đạt độ sâu âm 15,5m, bảo đảm độ an toàn cho các thế hệ tàu lớn nhất hiện nay vào cảng.

Trong tương lai, khi Khu thương mại tự do Cái Mép Hạ được hình thành theo đúng tinh thần Nghị quyết 24-NQ/TW, Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ sở hữu một công cụ kinh tế hữu hiệu để Việt Nam có thể cạnh tranh với các nước khu vực trong thu hút đầu tư và thực hiện chiến lược công nghiệp hóa giai đoạn mới, là động lực để Vùng Đông Nam Bộ có thể đóng góp lớn hơn vào sự phát triển và thịnh vượng chung của cả nước.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 48/69 cảng được đưa vào sử dụng và khai thác, với tổng chiều dài lên đến 14km, tổng công suất 140 triệu tấn/năm. Cảng Cái Mép - Thị Vải hiện là cụm cảng đầu tiên nằm trong top 19 cảng lớn nhất thế giới. Theo quy hoạch tỉnh 2021 - 2030, và tầm nhìn đến 2050, Bà Rịa - Vũng Tàu tập trung phát triển khu vực Cái Mép - Thị Vải ngang tầm khu vực vào năm 2030, cạnh tranh ngang hàng với Singapore và trở thành một đầu mối cảng biển đẳng cấp thế giới vào năm 2045; phát triển khu thương mại tự do (Free Trade Zone) gắn với cảng biển tại khu vực Cái Mép Hạ, bao gồm hệ sinh thái công nghiệp - dịch vụ hoàn chỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Văn Thọ

Hiện Bà Rịa - Vũng Tàu đang tăng tốc trong việc đưa ngành công nghiệp, cảng biển và hậu cần cảng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn chủ lực của tỉnh. Qua đó, góp phần hỗ trợ các ngành thương mại, dịch vụ khác của tỉnh phát triển, đồng thời kết hợp chặt chẽ phát triển cảng biển và hậu cần cảng gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh.


Kim Ngân
20/12/2023 10:00