Bác Hồ trong lòng người dân Đất Mũi

19/05/2019 - 12:00
Khó có thể diễn tả hết được những tình cảm mà Bác Hồ dành cho miền Nam ruột thịt, cũng như tình cảm của đồng bào Nam bộ dành cho Người. đó là những tình cảm thiêng liêng, sâu lắng và bền bỉ, vượt lên và bất chấp mọi không gian, thời gian, kể cả những ngăn cản, uy hiếp của kẻ thù trong những thời điểm gian khó nhất.

Tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long không có tỉnh nào không có khu tưởng niệm, đền thờ Bác Hồ. Nhiều nhất là tỉnh Cà Mau có 16 ngôi đền, phủ thờ Bác Hồ. Điều đáng nói là trong số đó có rất nhiều đền thờ được xây dựng trước ngày miền Nam được giải phóng. 

Đi cùng chiều trên con đường láng nhựa đẹp nhất của thị trấn Cái Nước (tỉnh Cà Mau), tôi gặp ông Trần Trung Kiên (Sáu Kiên) và những người bạn cùng là cựu chiến binh; các em học sinh Trường THPT huyện Cái Nước (Cà Mau). Hỏi chuyện, mới biết mỗi dịp tháng 5 về, đến ngày sinh của Bác Hồ, rất nhiều người dân trong huyện đến đền thờ Bác Hồ để dâng hương, tưởng nhớ và báo công về thành tích học tập, lao động sản xuất với Bác Hồ vô vàn kính yêu.

 

mui.jpg
Đền thờ Bác Hồ ở thị trấn Cái Nước (Cà Mau)

 

Trong câu chuyện với chúng tôi, nữ Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Phạm Thị Bay (80 tuổi) ở ấp Rau Dừa B, xã Hưng Mỹ (huyện Cái Nước, Cà Mau) là người hai lần trực tiếp tham gia xây dựng đền thờ Bác Hồ ở Cái Nước, một trong những công trình tưởng niệm Bác đầu tiên ở Đất Mũi Cà Mau. Trong niềm xúc động, bà Ba Bay vẫn nhớ như in câu chuyện gần 50 năm về trước. Tháng 9/1969, khi nghe tin Bác mất, nhân dân xã Hưng Mỹ tiếc thương vô hạn và đau đớn tột cùng. Biết không còn cơ hội được gặp Bác, Đảng ủy xã Hưng Mỹ (bà Ba Bay lúc đó là Phó Bí thư) cùng nhân dân trong vùng bí mật góp cây, lá, công lao động xây dựng nơi thờ Bác tại ngã ba Đầu Sấu, trên phần đất của ông Nguyễn Văn Cung (ấp Rau Dừa, xã Hưng Mỹ) và hoàn thành sau 10 ngày.

 

Địch nhiều lần tổ chức càn quét, bắn phá khu vực dựng đền thờ nhưng được du kích địa phương và nhân dân anh dũng bảo vệ, đánh trả, nên đền thờ Bác ở Hưng Mỹ vẫn an toàn. Đến năm 1974, khi bà Ba Bay làm Bí thư Đảng ủy xã Tân Đông Hưng, do làm bằng cây lá, đền bị xuống cấp. “Tại Đại hội Đảng bộ xã Tân Hưng Đông tháng 3/1974, chúng tôi hạ quyết tâm khi nào giải phóng Chi khu Cái Nước, mới tổng kết Đại hội và báo công với Bác; lúc đó sẽ xây dựng lại đền thờ Bác kiên cố, khang trang hơn”, bà Ba Bay hồi tưởng.

 

Tình cảm nhân dân Hưng Mỹ nói riêng, tỉnh Cà Mau nói chung dành cho Bác biến thành hành động, làm chuyển biến mạnh mẽ phong trào “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Tại Hưng Mỹ, chưa có thống kê cụ thể các hình thức treo ảnh, thờ Bác trong dân nhưng hội viên cựu chiến binh xã có hơn 300 người, nhà hội viên nào cũng có nơi trang nghiêm để treo, thờ ảnh Bác. Từ hiệu quả việc học và làm theo tấm gương đạo đức của Bác, điều kiện kinh tế, xã hội của Hưng Mỹ không ngừng phát triển, đến năm 2016 được công nhận là xã nông thôn mới. “Ngoài hương khói hằng ngày, vào Ngày sinh của Bác và Ngày giỗ Bác, các hội viên Cựu chiến binh làm mâm cơm thắp hương để tưởng nhớ Bác. Điều ấy chứng tỏ tình cảm nhân dân dành cho Bác vô cùng sâu đậm và mãnh liệt”, Bí thư Đảng ủy xã Hưng Mỹ, ông Nguyễn Thế Trường, nói.

 

dscn4472.jpg
Cựu chiến binh Trần Trung Kiên ở thị trấn Cái Nước (huyện Cái Nước) bên bàn thờ Bác Hồ tại gia đình

 

Ông Lê Thanh Toàn, nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cà Mau, nhớ lại: Như tất cả đồng bào Nam bộ, trong lòng người dân Đất Mũi Cà Mau luôn dành những tình cảm yêu thương, tôn kính vô vàn đối với Bác Hồ kính yêu. Sau ngày Bác đi xa, nhiều nơi trong tỉnh Cà Mau đã được Đảng bộ, chính quyền, các đoàn thể và nhân dân xây dựng đền thờ, phủ thờ Bác. Tuy nhiên, do chiến tranh rất ác liệt, cho nên hầu hết đền thờ, phủ thờ Bác được xây dựng trong vùng giải phóng chủ yếu bằng cây gỗ địa phương.

 

“Đền thờ, phủ thờ nào cũng có nhà hội, nhà khói để nấu nướng khi cúng giỗ Bác; có hành lang, cầu bắc qua kênh rạch với mặt tiền, mặt hậu để tạo thuận lợi cho xuồng ghe cập bến khi bộ đội, cơ quan và nhân dân đến hành lễ. Hầu hết đền thờ, phủ thờ được xây cất rộng rãi, là nơi tôn kính, trang nghiêm nên thường xuyên các đơn vị bộ đội, cơ quan đến đây hội họp; hoặc mỗi khi các đơn vị du kích, bộ đội chủ lực xuất trận đến đền thờ Bác dâng hoa, thắp hương và khi chiến thắng về lại báo tin vui lên Bác”, ông Toàn nói.

 

Hiện nay, tất cả các đền thờ Bác Hồ tại Cà Mau đều được công nhận là Di tích lịch sử, văn hóa gắn liền với đời sống, tình cảm tôn kính, thương nhớ Bác của người dân Đất Mũi Cà Mau. Hằng năm, vào ngày sinh, ngày giỗ của Bác hay các ngày lễ hội trọng đại của đất nước, không chỉ có người dân Đất Mũi Cà Mau thương nhớ Bác khôn nguôi mà còn có cả khách thập phương ở mọi miền đất nước mỗi khi có dịp đến tham quan, du lịch Cà Mau đến viếng Bác bằng cả tấm lòng tôn kính.

 

Tháng 5 lại về. Người dân Đất Mũi Cà Mau càng nhớ Bác khôn nguôi về công ơn trời biển vì dân vì nước, sự hy sinh cao cả, đạo đức cách mạng ngời sáng của Bác Hồ. Nhớ Bác, mọi người nguyện trân trọng giữ gìn, phát huy truyền thống đoàn kết, yêu nước; đẩy mạnh sản xuất, phấn đấu xây dựng quê hương Cà Mau ngày càng giàu đẹp.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm