Bạc Liêu: Tăng cường chăm lo đời sống cho phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số

Theo Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Bạc Liêu Trương Hồng Trang, thời gian qua, các cấp Hội LHPN trong tỉnh đã giúp chị em cán bộ và hội viên, phụ nữ nhận thức rõ tầm quan trọng trong việc tham gia kinh tế tế tập thể nhằm có cơ hội phát triển thương hiệu sản phẩm ra thị trường, đồng thời góp phần thực hiện các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Phụ nữ đề ra, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh trong công tác xóa đói giảm nghèo.

Kết quả, sau 1 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu Phụ nữ tỉnh Bạc Liêu nhiệm kỳ 2021-2026, các cấp Hội đã thành lập được 20 tổ liên kết, 23 tổ hợp tác trong sản xuất kinh doanh, thành lập mới 7 hợp tác xã… có trên 2.000 thành viên tham gia.

Trong thời gian qua, việc xây dựng các mô hình, hoạt động giúp phụ nữ thoát nghèo bền vững được các cấp Hội LHPN trong tỉnh triển khai thực hiện ra sao, thưa bà?

Bà Trương Hồng Trang: Công tác giảm nghèo, giảm nghèo bền vững được Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh xác định là nhiệm vụ trọng tâm, nhằm giúp cho hội viên phụ nữ tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Qua đó, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo các cơ sở Hội tiến hành rà soát hộ gia đình hội viên nghèo, hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ; xây dựng kế hoạch giúp đỡ phụ nữ thoát nghèo bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, phù hợp với hoàn cảnh của từng hộ như hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà, giúp ngày công lao động, cây giống, con giống, heo đất tiết kiệm…

Bạc Liêu: Tăng cường chăm lo đời sống cho phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số   - Ảnh 1.

Bà Trương Hồng Trang, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh trao Bằng khen của Hội LHPN Việt Nam cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua và công tác Hội

Hội còn tập trung khai thác các nguồn vốn giúp phụ nữ vay phát triển kinh tế như: Ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội, tranh thủ các nguồn vốn của TƯ Hội và các tổ chức quốc tế. Khai thác tốt các nguồn vốn từ phát huy nội lực, Hội đã vận động hội viên nêu cao tinh thần chủ động vượt khó, tích cực thực hiện phong trào "Phụ nữ làm kinh tế giỏi", "Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế", "Giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ", xây dựng nhiều mô hình phát triển kinh tế.

Các cấp Hội trong tỉnh cũng tập trung triển khai có hiệu quả các hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, dạy nghề cho phụ nữ. 

Bên cạnh đó, để giúp hội viên nắm vững kiến thức, kỹ năng xây dựng các mô hình phát triển kinh tế, Hội thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn cách làm ăn. Từ những nguồn vốn và kinh nghiệm trên, nhiều mô hình phát triển kinh tế đã được xây dựng và áp dụng thành công vào thực tế, góp phần cùng địa phương thực hiện công tác giảm nghèo hiệu quả.

+ Để tạo điều kiện cho hội viên, phụ nữ phát triển kinh tế thì việc hỗ trợ vốn vay cũng hết sức quan trọng. Vậy các cấp Hội đã triển khai hoạt động này thế nào?

Công tác hỗ trợ cho hội viên tham gia vay vốn sản xuất phát triển kinh tế gia đình là một trong các nhiệm vụ quan trọng, tạo cơ hội cho chị em được tiếp cận với các nguồn vốn có lãi suất thấp như vốn Ngân hàng Chính sách xã hội thông qua ủy thác với các Hội đoàn thể, vốn tín chấp do Hội quản lý, vốn thế chấp thông qua các ngân hàng như Ngân nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Ngân hàng Liên Việt… thông qua hình thức thành lập tổ nhóm vay vốn, các mô hình.

Hội LHPN tỉnh Bạc Liêu triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế

Từ đầu năm 2022 đến nay, các cấp Hội đã khai thác, quản lý hiệu quả nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội giúp hơn 24.900 lượt hộ hội viên vay với tổng số tiền trên 691,3 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Hội còn tạo điều kiện cho các hội viên vay hơn 1,5 tỷ đồng từ nguồn vốn xoay vòng do Hội quản lý với lãi suất ưu đãi; các hoạt động hỗ trợ cho vay vốn đã tạo điều kiện cho chị em hội viên có vốn sản xuất, thoát nghèo bền vững, vươn lên trong cuộc sống.

+ Hoạt động hỗ trợ dạy nghề, giới thiệu việc làm cho hội viên, phụ nữ nghèo được các cấp Hội trong tỉnh triển khai thực hiện thế nào, thưa bà?

Xác định tầm quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ "Nâng cao quyền năng kinh tế, ngay đầu nhiệm kỳ, Hội LHPN tỉnh đã xây dựng kế hoạch, hướng dẫn các cấp hội tổ chức thực hiện. Kết quả trong năm 2022, các cấp Hội đã tổ chức 131 lớp tập huấn kiến thức về chăn nuôi, quản lý nhóm cho 2.013 người tham gia; 93 lớp đào tạo nghề cho 1.872 học viên.

Ngoài ra dạy miễn phí 20 nhóm, lớp với hơn 500 lao động, nâng tổng số hiện nay lên 45 nhóm, lớp, giải quyết cho hơn 2.500 lao động ở địa phương có thu nhập ổn định (thấp nhất 50.000 đồng/ngày, cao nhất 120.000 đồng/ngày).

Hội LHPN tỉnh phối hợp với Sở Công thương mở 2 lớp "Khởi sự kinh doanh", trong đó có 70  chị là cán bộ hội, thành viên hợp tác xã, tổ liên kết tham dự. Qua đó thành lập mới 182 tổ, nhóm tiết kiệm "Phụ nữ phát triển kinh tế"; 150 tổ hợp tác; tổ liên kết với trên 2.969 thành viên và 7 hợp tác xã có 206 thành viên. Thông qua các mô hình này, các chị em có dịp học hỏi kỹ thuật từ ngành chuyên môn, chia sẻ kinh nghiệm, đoàn kết giúp đỡ nhau, tăng dần quy mô đầu tư cho mô hình sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm cho lao động nữ tại địa phương.

Hội viên phụ nữ tích cực phát triển kinh tế gia đình

Đồng thời, phối hợp tổ chức tư vấn giới thiệu việc làm trong và ngoài tỉnh được hơn 10.200 lao động, trong đó có 1.194 lao động nữ, giới thiệu xuất khẩu lao động nước ngoài 74 lao động. Qua đó, giúp các chị em có thêm việc làm, tăng thu nhập trong thời gian rảnh rỗi tại gia đình, giúp 1.010 hộ do phụ nữ làm chủ thoát nghèo vươn lên trong cuộc sống, giúp hơn 3.000 chị em có việc làm ổn định, tăng thu nhập.

+ Từ các chương trình, hoạt động đa dạng như trên, kết quả mà Hội đã góp phần vào công tác giảm nghèo trên địa bàn toàn tỉnh đạt được cụ thể ra sao?

Chỉ tiêu hỗ trợ hộ nghèo do phụ nữ làm chủ đều đạt và vượt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra. Trong năm đã hỗ trợ trên 460 hộ nghèo, trên 500 hộ cận nghèo thoát nghèo vươn lên trong cuộc sống.

Bên cạnh đó, các cấp Hội còn tổ chức vận động các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh ủng hộ xây dựng "Mái ấm tình thương". Trong năm đã hỗ trợ xây dựng 59 "Mái ấm tình thương" với tổng kinh phí trên 2 tỷ đồng, tặng  học bổng, quà, sổ tiết kiệm... cho trẻ em mồ côi do dịch Covid-19 trị giá trên 1 tỷ đồng.

Thông qua các mô hình nêu trên, các chị em có dịp học hỏi kỹ thuật từ ngành chuyên môn, chia sẻ kinh nghiệm, đoàn kết giúp đỡ nhau, tăng dần quy mô đầu tư cho mô hình sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm cho lao động nữ tại địa phương.

+ Các hoạt động nhằm hỗ trợ hội viên, phụ nữ thoát nghèo hiện có thuận lợi và gặp phải khó khăn gì?

Về thuận lợi, được sự thống nhất và đồng thuận trong hệ thống Hội và được sự thống nhất ủng hộ cuả cấp ủy cùng cấp, giúp cho hệ thống Hội LHPN thực hiện các chương trình hỗ trợ phụ nữ tham gia mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình, góp phần thực hiện công tác xóa đói giảm nghèo trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu.

Hội viên, phụ nữ tích cực tham gia và thực hiện đạt hiệu quả các chương trình, các mô hình do tổ chức Hội hướng dẫn thực hiện. Các chương trình hoạt động thiết thực, phù hợp với điều kiện thực tế của hộ gia đình trên từng địa bàn.

Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng còn có những khó khăn nhất định. Do nguồn lực để Hội LHPN các cấp thực hiện các phong trào, chương trình còn hạn chế, các chị em mới chủ yếu được tiếp cận với nguồn vốn Ủy thác Ngân hàng Chính sách xã hội.

Các cấp Hội LHPN tỉnh Bạc Liêu sẽ tăng cường Tăng cường chăm lo đời sống cho phụ nữ vùng sâu vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số

Năng lực điều hành, quản lý của đội ngũ chi Hội trưởng còn hạn chế. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh nên người dân thất nghiệp nhiều, làm ảnh hưởng đến các hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế.

+ Trong thời gian tới, Hội LHPN tỉnh có các giải pháp trọng tâm nào để tiếp tục hỗ trợ hội viên, phụ nữ thoát nghèo bền vững, vươn lên làm giàu?

Hội tăng cường công tác nắm bắt tình hình tư tưởng, tâm tư nguyện vọng và chăm lo đời sống cho các tầng lớp phụ nữ, nhất là những nơi vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tiếp tục hướng dẫn chị em huy động nguồn vốn tại chỗ thông qua các hình thức như nuôi heo đất, tổ hùn vốn, nhóm tiết kiệm…….

Đồng thời, các cấp Hội tiếp tục phối hợp với các ban, ngành, chính quyền cùng cấp tiếp tục tổ chức triển khai, thực hiện sâu rộng trong cán bộ, hội viên phụ nữ hiểu và tham gia thực hiện tốt các chủ trương, Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; các Nghị quyết, chương trình trọng tâm của Tỉnh ủy; các nhiệm vụ trọng tâm của Hội gắn với thực hiện Đề án 939 "Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế" giai đoạn 2017-2025.

Bên cạnh đó, Tỉnh Hội cũng sẽ phối hợp với Ban Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế TƯ Hội và Ngân hàng Chính sách xã hội chỉ đạo các cấp Hội mở đợt cao điểm củng cố, nâng cao chất hoạt động ủy thác. Tổ chức tập huấn hướng dẫn về giải pháp nâng cao chất lượng ủy thác của Hội cho cán bộ Hội các cấp và Ban quản lý tổ tiết kiệm - vay vốn do Hội quản lý, nhằm thực hiện có hiệu quả nguồn vốn Ủy thác Ngân hàng Chính sách xã hội.

Thời gian tới, để tiếp tục hỗ trợ hội viên, phụ nữ thoát nghèo bền vững, vươn lên làm giàu, Hội LHPN tỉnh tiếp tục xây dựng, củng cố tổ chức Hội vững mạnh. Đồng thời phối hợp với các ngành tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật; hỗ trợ hội viên về vốn, giống, giúp hội viên yên tâm lao động sản xuất, chăn nuôi hiệu quả, góp phần thực hiện tốt chương trình giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu tại địa phương.

Xin cảm ơn bà !

Bạc Liêu có dân số trên 900.000 người, với 3 dân tộc chủ yếu gồm: Kinh, Khmer, Hoa (trong đó dân tộc Khmer chiếm 8,5%, dân tộc Hoa chiếm 3%). Các dân tộc thiểu số sống cộng cư cùng với cộng đồng người Kinh ở khắp các địa bàn trên toàn tỉnh, nhưng tập trung đông ở các xã thuộc TP. Bạc Liêu, các huyện Vĩnh Lợi, Hòa Bình và Hồng Dân.


Minh Trang (thực hiện)
Minh Trang, ST
14/12/2022 14:23