Bác sĩ gửi 2 con nhỏ tình nguyện vào Nam chống dịch: “Mẹ sẽ mãi là niềm tự hào của các con!”

Cận kề ngày mẹ lên đường, các con vẫn luôn hỏi bác sĩ Hồng Anh: "Mẹ ơi, tại sao mẹ lại làm bác sĩ?". Bác sĩ Hồng Anh nén giấu đi những cảm xúc trong lòng, ân cần nói với con: "Mẹ làm bác sĩ để có thể giúp được nhiều người hơn".

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Coivd-19 ở các tỉnh, thành phố phía Nam (TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai…), ngày 12/7, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã kêu gọi "Mỗi cá nhân, tập thể trong ngành y tế tiếp tục chung sức, đồng lòng với bản lĩnh, kiến thức, y đức của người thầy thuốc sẵn sàng tình nguyện, lên đường tham gia hỗ trợ các địa phương để chống dịch".

Hưởng ứng lời kêu gọi vị "tư lệnh" ngành, với trái tim nồng ấm của người thầy thuốc, bác sĩ Hà Hồng Anh, Khoa Tiếp nhận máu và các thành phần máu, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, đã gặp Công đoàn Khoa đề xuất nguyện vọng được lên đường vào Nam chống dịch.


Bác sĩ gửi 2 con nhỏ tình nguyện vào Nam chống dịch: “Mẹ sẽ mãi là niềm tự hào của các con!” - Ảnh 2.

Bác sĩ Hà Hồng Anh, Khoa Tiếp nhận máu và các thành phần máu, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương

"Trong khoa có 4 bác sĩ nữ, 1 bác sĩ có con nhỏ 8 tháng tuổi, 1 bác sĩ vì dị ứng nên chưa thể tiêm vaccine… Tôi tuy có con nhỏ nhưng một bé 5 tuổi, một bé đã 7 tuổi rồi. Hơn nữa bản thân cũng may mắn hơn khi đã được tiêm đầy đủ 2 mũi. Tôi có thể thu xếp việc nhà, gửi các con cho bố mẹ trông nom và tình nguyện lên đường chống dịch", bác sĩ Hồng Anh chia sẻ.

"Mẹ ơi, tại sao mẹ lại chọn làm bác sĩ?"

Ông Hà Văn Ngọc và bà Đặng Kim Oanh có 2 con gái, con gái út làm nghề giáo viên, người con cả là bác sĩ Hồng Anh. Vì mẹ bận việc, bé Tâm An (còn gọi là bé Sâu), con gái lớn của bác sĩ Hồng Anh, thường được mẹ gửi sang nhờ ông bà ngoại trông nom. Tại nhà ông bà ngoại, thấy em Ong hàng xóm có mẹ làm cô giáo, bé Sâu thường thắc mắc hỏi mẹ:

- Mẹ ơi, tại sao mẹ lại chọn làm bác sĩ?

Trong suy nghĩ non nớt của bé Sâu, mẹ làm cô giáo thì có nhiều thời gian dành cho con cái, còn làm bác sĩ thì vắng nhà suốt ngày. Những dịp "trọng đại" của bé toàn vắng mẹ, bé thường được dì và ông bà ngoại đưa đi chơi, đi tựu trường, họp phụ huynh. Mỗi khi thấy bạn bè có bố mẹ đưa đón, bé Sâu lại rầu rĩ, chạnh lòng.

"Tại sao mẹ không chọn làm cô giáo? Nếu làm cô giáo, nghỉ hè như thế này, mẹ có thời gian ở nhà với chúng con. Mẹ không có phải đi trực, mẹ không phải đi chống dịch", bé Tâm An hỏi mẹ.

Bác sĩ gửi 2 con nhỏ tình nguyện vào Nam chống dịch: “Mẹ sẽ mãi là niềm tự hào của các con!” - Ảnh 3.

Bác sĩ Hồng Anh và 2 con - Tâm An (7 tuổi), Bảo Long (5 tuổi)

Tuy đây không phải lần đầu nghe con hỏi như vậy nhưng bác sĩ Hồng Anh cũng khó khăn khi giải thích với con. "Mẹ làm bác sĩ để có thể giúp mọi người được nhiều hơn, giúp được nhiều người hơn", bác sĩ Hồng Anh nói với con.

- Các con ở nhà ngoan, nghe lời ông bà, để mẹ yên tâm đi đánh nhau với con Cô Vy, cho các con nhanh được đi học, để cho nhanh được đi chơi nhá!

- Mẹ ơi, thế làm sao con nhìn thấy mẹ?

- Khi nào con xem tivi thấy những ai mặc quần áo trắng, xanh đang giúp đỡ bệnh nhân thì đấy là mẹ. Tất cả những đồng nghiệp của mẹ, các cô chú ở viện đều giống mẹ hết, cũng đều phải xa các con.

Một đoạn trò chuyện ngắn giữa hai mẹ con, trước ngày bác sĩ Hồng Anh lên đường chống dịch. Tâm An vẫn thường kể với mẹ về ước mơ làm bác sĩ nhưng cũng có lúc bé thay đổi sang nghề giáo viên. Bé tự hào, hãnh diện nói với mẹ: "Nếu bạn con hỏi mẹ đi đâu, con sẽ nói, mẹ tớ là bác sĩ, mẹ tớ đi chống dịch".

Bác sĩ gửi 2 con nhỏ tình nguyện vào Nam chống dịch: “Mẹ sẽ mãi là niềm tự hào của các con!” - Ảnh 4.

Bé Tâm An thử làm "bác sĩ" giống mẹ

- Mẹ ơi, mẹ đi như thế thì bao giờ mẹ về? Bao giờ mẹ về?" (khóc)

- Mẹ sẽ đi về nhanh thôi, chỉ cần các con ở nhà ngoan. Các con đi ra đường không thấy ai đeo khẩu trang, tụm năm tụm ba. Các con nói, "bác ơi, cô ơi, bạn ơi đi về nhà thôi để cho mẹ cháu nhanh được về".

Nhớ lại lời các con nói, trong giờ phút cận kề này, bác sĩ Hồng Anh không kìm nổi những giọt nước mắt. "Có thể trước mặt anh tôi xúc động nhưng chưa bao giờ trước mặt các con tôi có một thái độ lo sợ hay buồn bã cả. Tôi phải luôn là thành trì vững chắc để cho con dựa vào, cố gắng học thật giỏi. Dẫu không làm bác sĩ như mẹ thì cũng làm cô giáo, mang tri thức đến với nhiều trẻ em", chị tâm sự.

Bác sĩ gửi 2 con nhỏ tình nguyện vào Nam chống dịch: “Mẹ sẽ mãi là niềm tự hào của các con!” - Ảnh 5.

Bác sĩ Hồng Anh vội lau đi những giọt nước mắt đang lăn tăn trên gò má

"Hành trang" trước ngày lên đường

Cách Hà Nội hơn 100 cây số, thị trấn Diêm Điền (huyện Thái Thụy, Thái Bình) là nơi bà Đặng Kim Oanh (mẹ bác sĩ Hồng Anh) về tĩnh dưỡng sau cơn tai biến. Khi biết tin con lên đường chống dịch, bà Oanh không giấu nổi sự lo lắng.

"Đoàn đi rất đông, mọi người đều được hỗ trợ đi lại, ăn ở. Mọi thứ dành cho chúng con rất tốt. Mẹ ở nhà an tâm giữ gìn sức khỏe, giúp con trông các cháu, chờ ngày con về. Con còn lo cho mẹ nhiều hơn, bố mẹ giữ gìn sức khỏe để con an âm đi làm nhiệm vụ", bác sĩ Hồng Anh động viên mẹ.

Bác sĩ gửi 2 con nhỏ tình nguyện vào Nam chống dịch: “Mẹ sẽ mãi là niềm tự hào của các con!” - Ảnh 6.

Bác sĩ Hồng Anh và bố mẹ

Bác sĩ Hồng Anh tâm sự, chị có thể tỏ ra mạnh mẽ trước các con, trước bố mẹ nhưng trong thẳm sâu nơi chị là một tâm hồn nhạy cảm, dễ xúc động. Thật may mắn, trong lúc này, bên cạnh chị còn có những người bạn, những người thân, quan tâm lo lắng, động viên cả vật chất lẫn tinh thần.

"Từ ngày tôi nhận được tin báo lên đường, từng người một động viên tôi, lo lắng chuẩn bị từng vật dụng, thuốc men", bác sĩ Hồng Anh xúc động nói.

Bác sĩ gửi 2 con nhỏ tình nguyện vào Nam chống dịch: “Mẹ sẽ mãi là niềm tự hào của các con!” - Ảnh 7.

Các đồng nghiệp tổ chức sinh nhật cho bác sĩ Hồng Anh

"Tình yêu thương và sự chờ đợi của mọi người là động lực lớn nhất giúp tôi chiến thắng chính bản thân mình. Kiên cường đối mặt với cuộc chiến không tiếng súng nhưng vô cùng khắc nghiệt đang chờ đón phía trước".

Bác sĩ Hồng Anh ghi trong nhật ký chống dịch

Không chỉ mang theo những giá trị tinh thần ấy, trong hành trang của mình, bác sĩ Hồng Anh còn đem thêm 10 cuốn sách. "Khi vào tâm dịch tiếp xúc với toàn F0 như thế, mình cũng coi chính mình là F0, cách ly với chính những đồng nghiệp của mình. Ngoài 6 tiếng theo dõi, điều trị cho bệnh nhân, một mình mình trong căn phòng vắng. Trong thời gian này chẳng may bản thân buồn thì sao, nên tôi chọn mang theo các sách về cuộc sống, có tư duy tích cực, khích lệ niềm yêu đời…".

Bác sĩ gửi 2 con nhỏ tình nguyện vào Nam chống dịch: “Mẹ sẽ mãi là niềm tự hào của các con!” - Ảnh 8.

Những cuốn sách bác sĩ Hồng Anh mang theo trên đường vào Nam chống dịch

Sáng mai, 24/8, bác sĩ Hồng Anh sẽ cùng 64 cán bộ, nhân viên y tế của Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương lên đường vào Nam chống dịch. Trước ngày con gái lên đường, ông Hà Văn Ngọc (64 tuổi) chia sẻ, "Hồng Anh ơi, con và các đồng nghiệp an tâm lên đường đi làm nhiệm vụ. Khi nào chiến thẳng "giặc" Covid-19 trở về, gia đình ta sẽ lại sum vầy".

Đây là lần đầu tiên bác sĩ Hồng Anh xa các con lâu nhất, xa nhà lâu nhất. Dịch ở các tỉnh/thành miền Nam đang diễn biến phức tạp, số ca nhiễm mỗi ngày tăng cao, số ca tử vong cũng chưa giảm bớt. Lực lượng y tế đã có những hy sinh trong quá trình điều trị cho bệnh nhân Covid-19. "Khi nào số lượng bệnh nhân tử vong giảm bớt, số ca dương tính không còn tăng quá nhiều. Mọi thứ được kiểm soát tốt thì khi ấy tôi mới trở về", bác sĩ Hồng Anh bày tỏ quyết tâm.

Số lượng nhân lực y tế hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19 tại TPHCM của Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương gồm 175 người, chia làm 3 đoàn. Đoàn của bác sĩ Hà Hồng Anh là đoàn thứ 2, gồm 65 người, trong đó có 33 nữ, 32 nam.

Thực hiện: Trường Hùng