pnvnonline@phunuvietnam.vn
Tiếng nói của con trẻ trong gia đình hiện đại: Học cách lắng nghe con
Greta Thunberg và mẹ
"Chỉ cần con cảm thấy vui là chúng tôi hạnh phúc rồi"
Greta Thunberg đang là cái tên thu hút sự chú ý trong giới các nhà hoạt động bảo vệ môi trường. Danh tiếng của em được mọi người biết đến nhiều hơn với bài diễn thuyết đanh thép trước các nhà lãnh đạo tại Hội nghị biến đổi khí hậu Liên hợp quốc, Ủy ban Liên hợp quốc về Quyền trẻ em. Greta Thunberg trở thành biểu tượng của giới trẻ toàn cầu trong cuộc chiến bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu. Em kêu gọi thanh thiếu niên và những người ủng hộ khác khuyến khích các hoạt động bảo vệ trẻ em trước đại dịch Covid-19. Cô gái 18 tuổi người Thụy Điển này đã trở thành một hiện tượng toàn cầu, được mời tham gia nhiều chương trình, hội nghị, diễn đàn quốc tế uy tín.
Nhìn Greta tự tin đứng trước đám đông thể hiện quan điểm của mình, nhiều người không khỏi ngưỡng mộ. Nhưng ít người biết rằng, ở tuổi 11, Greta từng được chẩn đoán mắc các hội chứng liên quan đến hệ thần kinh như tự kỷ, Asperger (làm suy giảm khả năng giao tiếp), rối loạn ám ảnh cưỡng chế, rối loạn tăng động giảm chú ý. Mẹ của Greta, bà Malena Ernman, đã không xem con mình bị bệnh, thậm chí còn cho rằng đó là "siêu năng lực". Bà luôn lắng nghe, động viên con. Mỗi bước đi trong nỗ lực hành động vì môi trường của Greta luôn có sự đồng hành, ủng hộ của cha mẹ cô. Sự ủng hộ không chỉ bằng những lời động viên mà còn bằng hành động hưởng ứng thông điệp vì một hành tinh xanh. Gia đình Greta đã lắp đặt hệ thống điện mặt trời và trồng rau cho nhu cầu tiêu thụ của gia đình mình. Họ cũng mua một chiếc ô tô điện để đi xa khi cần còn trong phạm vi Stockholm, nơi gia đình đang ở, cả nhà chủ yếu di chuyển bằng xe đạp. "Chúng tôi tôn trọng những nỗ lực của con. Chỉ cần con cảm thấy vui là chúng tôi hạnh phúc rồi", cha của Greta cho biết.
Tôn trọng nhưng không nuông chiều
Câu chuyện của Greta Thunberg cho thấy, ở Thụy Điển, sự gắn kết giữa cha mẹ và con cái rất quan trọng. Trẻ em Thụy Điển có tính tự lập cao và biết quan tâm đến những người xung quanh. Tính cách này được hình thành từ rất sớm bởi phương pháp giáo dục đặc biệt của bố mẹ. Người Thụy Điển nuôi dạy con trong điều kiện nghiêm khắc. Họ không nuông chiều con theo những yêu cầu vô lý bởi nuông chiều sẽ khiến con ngày càng ỷ lại vào người lớn. Nhưng bố mẹ Thụy Điển luôn tôn trọng, không bao giờ đánh đòn hay quát mắng con. Ngay cả với người trẻ đã tốt nghiệp đại học và bước qua tuổi trưởng thành, các bậc phụ huynh Thụy Điển vẫn sẵn sàng mở lòng trước những sai lầm của con, miễn là chúng biết đứng dậy và học hỏi từ đó.
Cha mẹ Thụy Điển luôn tạo cho con môi trường lành mạnh nhất để phát triển tư duy cũng như cách sống độc lập. Đây chính là cách họ thể hiện tình yêu thương với con. Cha mẹ sẽ có những tiêu chuẩn rõ ràng cho con, đối xử với con như một người trưởng thành. Cha mẹ sẽ áp dụng biện pháp kỷ luật khi cần thiết, luôn khuyến khích sự tự lập, công bằng, tôn trọng về quyền lợi của cả hai bên. Họ nhấn mạnh tính công bằng trong giao tiếp, cởi mở thể hiện tình cảm với con cái kể cả khi chúng lớn. Những điều trên sẽ giúp trẻ cảm thấy được tôn trọng, an toàn và tin tưởng hơn.
Ở Thuỵ Điển, con trẻ được tham gia câu chuyện gia đình, được đề đạt ý kiến, nhất là những vấn đề liên quan đến bản thân. Để con trở nên dạn dĩ và tự tin hơn, các bậc cha mẹ ở quốc gia này thường khuyến khích con sống thật, dám bày tỏ quan điểm, chính kiến của bản thân.
Theo đánh giá của các chuyên gia, việc bỏ qua ý kiến của con có thể khiến chúng nghĩ rằng quan điểm và nhu cầu của mình không được xem trọng, dần dần hình thành cảm giác e ngại thể hiện quan điểm cá nhân. Do đó, tạo cơ hội, lắng nghe mong muốn của con trẻ không bao giờ là thừa. Từ trong gia đình đến nhà trường và ra xã hội, những suy nghĩ, tiếng nói của các em sẽ là cơ sở để ngày càng nhiều người hiểu các em hơn, từ đó góp phần thay đổi nhận thức, hành động, đảm bảo thực hiện quyền trẻ em.
Theo các chuyên gia giáo dục, cha mẹ cần dành thời gian quan tâm, lắng nghe con một cách chân thành. Từ vấn đề học tập hay vui chơi, giải trí, hoặc chỉ là những vấn đề nhỏ diễn ra hàng ngày, cha mẹ cũng nên nghiêm túc lắng nghe con. Có như vậy con trẻ mới tin tưởng, thoải mái để mở lòng chia sẻ nhiều hơn với cha mẹ.
Bên cạnh đó, cha mẹ cần tập trung vào cuộc trò chuyện với con, để con thấy được tôn trọng. Chọn cách trò chuyện phù hợp để việc lắng nghe đạt kết quả tốt cũng là việc cha mẹ nên làm. Trò chuyện trực tiếp với con vào thời gian, không gian thích hợp sẽ giúp cha mẹ có thể nhìn rõ thái độ của con, khơi gợi cho trẻ những suy nghĩ tích cực về chủ đề con muốn trao đổi. Cha mẹ cũng nên lắng nghe ý kiến của con trên nhiều phương diện. Như vậy mới có thể tránh được cái nhìn chủ quan, phiến diện về con. Cùng với đó là tạo bầu không khí ấm ấp, gần gũi khi trò chuyện với con. Bằng cách này, con trẻ cảm thấy suy nghĩ của chúng không bị xem nhẹ, bị áp đặt. Khi phụ huynh biết lắng nghe con trẻ đúng cách, lắng nghe với sự bình tĩnh, chân thành, yêu thương sẽ tạo ra sự thống nhất, hạnh phúc trong gia đình.