Bài học đắt giá cho doanh nghiệp gia đình từ vụ ly hôn của chủ Cà phê Trung Nguyên

26/02/2019 - 07:15
Theo Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, bài học lớn nhất từ vụ ly hôn của chủ Cà phê Trung Nguyên là về quản lý. Dù doanh nghiệp cổ phần hay của gia đình, phải phân định rạch ròi trong sở hữu và quản lý, dù đó có là vợ chồng, anh em, bạn bè. Tuy nhiên, bà Chi Lan khẳng định, doanh nghiệp gia đình vẫn là mô hình chủ đạo của kinh tế tư nhân Việt Nam.
“Tôi thấy rất buồn”, đó là câu trả lời đầu tiên của bà Phạm Chi Lan, nguyên thành viên Ban nghiên cứu Kinh tế của Thủ tướng, nguyên Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khi được PV Báo PNVN hỏi về vụ ly hôn đã làm ảnh hưởng đến thương hiệu cà phê Trung Nguyên. Cần nói thêm, bà Phạm Chi Lan là người luôn xem cà phê Trung Nguyên là một điểm sáng của doanh nghiệp Việt và chính bà đã giới thiệu cho cố Thủ tướng Phan Văn Khải khi đó về cà phê Trung Nguyên và sau đó đích thân ông Phan Văn Khải đã đến thăm và thưởng thức cà phê của “chàng trai khởi nghiệp” Đặng Lê Nguyên Vũ.
 
trungnguyen.png
Cố Thủ tướng Phan Văn Khải trong một lần đến thăm và thưởng thức cà phê Trung Nguyên. Bên cạnh là bà Phạm Chi Lan (phải) và Đặng Lê Nguyên Vũ (trái). Ảnh: TTO

 

Bây giờ, sau gần hai chục năm, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan vẫn tin rằng ông Đặng Lê Nguyên Vũ của hôm nay sẽ sớm lấy lại phong độ của chàng thanh niên khởi nghiệp ngày nào, vực dậy cà phê Trung Nguyên sau những ngày tháng thăng trầm. “Đặng Lê Nguyên Vũ vẫn đang là một doanh nhân thành công, cống hiến rất nhiều cho xã hội và luôn là nhân vật đầy cảm hứng về khởi nghiệp cho thanh niên Việt Nam.
 
Trên thị trường cạnh tranh gay gắt cả bên trong và bên ngoài ngày nay, doanh nghiệp Việt Nam có quá nhiều khó khăn, vất vả để làm ăn, đặc biệt để tạo dựng thương hiệu. Trung Nguyên là một điển hình rất đẹp, khi chỉ trong vòng 10 năm sau đổi mới đã làm nên một thương hiệu lẫy lừng trong ngành chế biến nông sản, đưa hạt cà phê từ vùng Tây Nguyên qua chế biến và dịch vụ thành sản phẩm có giá trị gia tăng gấp nhiều lần, chinh phục thị trường trong nước rồi tiến ra thị trường thế giới”, bà Lan nói.
 
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, trong quy luật khắc nghiệt của thị trường, Việt Nam muốn phát triển phải có những người làm ăn giỏi, phải có thương hiệu tên tuổi phát triển lên, nhất là trong sản xuất, chế biến các sản phẩm của mình. Nền tảng sản xuất bao giờ cũng là số 1 đối với nền kinh tế của một quốc gia, nhất là một đất nước đông dân và có nhiều tài nguyên như Việt Nam.
 
“Đặng Lê Nguyên Vũ, với khát vọng, ý chí và tài năng của mình đã tạo dựng nên một Trung Nguyên như vậy. Tất nhiên có sự cộng tác của cả một đội ngũ những cộng sự cũng đầy nhiệt huyết và tài năng được ông tập hợp và truyền lửa, cùng sự ủng hộ nhiệt tình của người tiêu dùng Việt. Dù sau này cạnh tranh ngày càng quyết liệt với sự có mặt của các công ty đa quốc gia, Trung Nguyên vẫn không ngừng lớn mạnh và giữ vững vị trí dẫn đầu trên thị trường cà phê trong nước, đồng thời liên tục mở rộng xuất khẩu ra các thị trường bên ngoài. Tôi tin là ông Vũ sẽ giúp Trung Nguyên phát triển hơn”, bà Lan nhận xét.
 
Bà Phạm Chi Lan nhận xét, vụ việc gia đình của vợ chồng chủ cà phê Trung Nguyên trong hơn một năm qua đã làm ảnh hưởng rất nhiều đến thương hiệu của tập đoàn này và cũng để lại những bài học đắt giá cho nhiều doanh nghiệp khác. “Theo tôi, bài học lớn nhất đó là về quản lý. Dù doanh nghiệp cổ phần hay của gia đình, phải phân định rạch ròi trong sở hữu và quản lý, dù đó có là vợ chồng, anh em, bạn bè. Việc này phải được xem là điều kiện ngay từ đầu khi thành lập doanh nghiệp”, bà Lan nói.
 
Vị nguyên Tổng Thư ký VCCI cũng cho rằng, bên cạnh nỗi buồn về thương hiệu Trung Nguyên bị ảnh hưởng thì bà còn buồn vì cách khai thác của truyền thông, dư luận đối với vụ ly hôn của vợ chồng ông Đặng Lê Nguyên Vũ, bà Lê Hoàng Diệp Thảo. “Tôi có cảm giác như dư luận đang tấn công Trung Nguyên khi khai thác đến vụ việc tận cùng. Câu chuyện của vợ chồng họ tòa án đang giải quyết nhưng chính truyền thông và dư luận lại làm cho câu chuyện rối tinh lên. Đây là điều rất không nên”.
 
Theo bà Phạm Chi Lan, mô hình doanh nghiệp gia đình vẫn là mô hình chủ đạo và phổ biến hiện nay trong các doanh nghiệp Việt Nam.
 
“Tôi cho rằng mô hình doanh nghiệp gia đình vẫn là mô hình phổ biến và là tất yếu ở Việt Nam hiện nay. Trong bối cảnh Chính phủ đang khuyến khích kinh tế tư nhân phát triển và chuyển đổi mô hình kinh tế thì doanh nghiệp chính là một thành tố không thể thiếu trong sự chuyển đổi này. Chúng ta không nên chỉ nhìn vào một hiện tượng của cà phê Trung Nguyên để từ đó nhận xét rằng mô hình doanh nghiệp gia đình ở Việt Nam hiện nay đang bị khủng hoảng, mà phải xem vụ việc của Trung Nguyên là một bài học cho các doanh nghiệp gia đình khác”, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhìn nhận.
 
Doanh nghiệp gia đình: Cạnh tranh khốc liệt để tồn tại
 
Trong cuốn sách mang tựa đề “The business map” (Bản đồ kinh doanh), Joseph Fan đến từ ĐH Hồng Kông (Trung Quốc) nhận xét rằng, mô hình doanh nghiệp gia đình hiện nay có 4 dạng chủ yếu và đang có sự thay đổi, chuyển giao để tồn tại và phát triển.
 
Mô hình thứ nhất, một gia đình nắm cả hai quyền là sở hữu và kiểm soát công ty. Nhưng khi công ty ngày càng phình to, khó có thể duy trì cả hai yếu tố sở hữu và kiểm soát, do đó sẽ nảy sinh tranh chấp hoặc phân nhánh.
 
Mô hình thứ hai, gia đình sẽ sở hữu cổ phần kiểm soát nhưng giao việc điều hành cho các nhà quản lý chuyên nghiệp. Tuy nhiên, mô hình này được xem là “sở hữu bị động” và ẩn chứa nhiều rủi ro đối với các gia đình bởi có thể bị người điều hành chiếm quyền kiểm soát. Tuy vậy, một số công ty gia đình vẫn có thể giành lại được quyền kiểm soát bằng những cách khác nhau.
 
Mô hình thứ ba, trong một số công ty gia đình, gia đình chỉ sở hữu một lượng nhỏ cổ phần nhưng tiếp tục đóng vai trò điều hành. Mô hình này khá phổ biến ở Nhật Bản. Toyota và Suzuki là những ví dụ phổ biến với những tập đoàn lâu đời mang chính tên của họ.
 
Mô hình thứ tư, các gia đình chính là những quỹ đầu tư mạo hiểm rót vốn cho những thành viên trẻ tuổi trong gia đình khởi nghiệp.
 
Ngoài ra, có rất nhiều công ty gia đình ở trạng thái “lai” giữa 4 mô hình kể trên. Sự phổ biến của những “đứa con lai” cho thấy, các công ty gia đình đang có xu hướng chuyển từ việc tự quản lý sang thuê các nhà quản lý chuyên nghiệp. Đây cũng là mô hình phổ biến ở nước Anh.
 
Dẫu vậy, trên thực tế, dù mô hình nào đi chăng nữa thì cuộc chiến giữa các gia đình và những CEO ngoại tộc vẫn thường xuyên diễn ra.
 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm