pnvnonline@phunuvietnam.vn
Bài học dạy con từ ký ức tuổi thơ
Bài học dạy con từ ký ức tuổi thơ
Hồi tôi 5 tuổi, năm ấy bố mẹ đang bận đổ mái nhà nên không chú ý, để tôi đi chơi với các anh chị họ. Mấy anh chị em kéo nhau chơi gói bánh, nhỏ núi bằng cát và lá khoai ở bờ ao gần nhà. Tôi trượt chân ngã xuống ao, do còn bé không biết bơi, tôi bị trôi dạt vào bè muống và chìm dần xuống bùn. Nghe mọi người kể lại, khi vớt tôi lên người lạnh toát, toàn bùn đất, ai cũng lắc đầu nghĩ không qua khỏi, tưởng lần đó tôi ra đi mãi mãi. Ngày ấy, mẹ tôi khóc ngất lên ngất xuống.
Mẹ bảo vệ tôi bằng cấm đoán
Sau lần chết hụt ấy, mẹ cấm đoán tôi không được chơi ở gần ao hồ sông ngòi. Đặc biệt, mẹ có đi coi bói, thầy bảo số tôi đề phòng sông nước. Nỗi ám ảnh, lo lắng của mẹ càng gia tăng, sự cấm đoán tôi càng trở nên gay gắt.
Nhớ như in có lần buổi trưa tôi trốn ngủ, đi bắt được một rổ đầy ốc. Trong đầu nghĩ chắc cả nhà sẽ vui vì có nồi ốc luộc ngon lành. Đang hân hoan vui vẻ về khoe thành tích cả buổi trưa bắt ốc. Chẳng một lời khen mà thay vào đó là một trận đòn chí tử, miệng thì sa sả quát: "Ai cho con đi bắt ốc, mẹ đã cấm con bao lần rồi". Đỉnh điểm của cơn giận dữ ấy là mẹ đem đổ hết số ốc tôi bắt được ra sông. Vừa đổ mẹ vừa mắng "này thì ốc này!" mặc kệ tôi có gào thét khi mất số ốc cả buổi trưa mình hăng say bắt. Lúc đó tôi thấy mẹ ghê gớm, dữ dằn, còn bản thân thì thấy ấm ức vô cùng. Tôi thấy mẹ thật vô lý và khó hiểu. Tôi ghét mẹ.
Nhưng tôi đâu biết rằng lý do sâu thẳm của những hành động đó chỉ đơn giản là nỗi sợ, không muốn mất con vì đuối nước của mẹ. Bây giờ lớn lên và có con tôi mới hiểu, mẹ nổi giận là có lý do riêng của mẹ, mẹ rất yêu và thương mình. Nhưng nếu ngày đó, thay vì cấm đoán, thay vì những trận đòn roi, mẹ tâm sự cùng tôi nỗi lo của mẹ, kể cho tôi nghe về những trường hợp đuối nước thương tâm, nhờ ai đó dạy tôi học bơi, phân tích cho tôi hiểu sự nguy hiểm của đuối nước thì có lẽ tôi đã không làm mẹ phiền lòng, không thấy mẹ vô lý, không thấy tủi thân và ghét mẹ như thế.
Phân tích, hướng dẫn con nhiều hơn
Chính từ câu chuyện này, khi làm mẹ, trong việc xử lý tình huống với con, tôi có kinh nghiệm hơn: Tôi lắng nghe con nhiều hơn, hiểu tâm trạng và ý muốn của con hơn, tâm sự, phân tích và hướng dẫn con nhiều hơn.
Có lần tôi thấy con bị cuốn hút bởi việc bật lên bật xuống của cái nút phích nước. Tôi đến gần và cùng con trải nghiệm luôn. Nếu như ngày trước không trải qua việc cấm đoán của mẹ, có khi tôi cũng sẽ hành xử y như mẹ.
Thay vì việc quát con, cấm con không được nghịch thì tôi đến gần bên con, ngồi xuống và phân tích: "Đây là phích nước nhé - một đồ dùng để chứa nước sôi, hơi nước và nước trong phích rất nóng. Nút phích đẩy lên là do hơi nóng từ bên trong đẩy ra con nhé. Nếu con thấy phích nước như thế này, không tự nghịch nhé. Hơi nước và nước nóng trong phích có thể làm con bỏng. Con sẽ đau, con sẽ khó chịu và mẹ hoàn toàn không vui vì điều đó". Con ngồi chăm chú nghe nhưng có vẻ chưa bị thuyết phục cho lắm.
Tôi nhẹ mở nắp phích nước, đưa tay con lại gần miệng phích, hơi nóng bốc lên, theo phản xạ tự nhiên con co tay lại. "Con thấy sao, con thấy nóng không?", con khẽ gật đầu. Lần này có vẻ con bị thuyết phục hoàn toàn. Từ đó về sau, con cảnh giác hơn, chủ động tránh xa phích nước. Có hôm về quê, nhìn thấy phích nước còn ra dáng nói: "Bà ơi, phích nước nóng lắm, bà trách xa ra nhé, đừng nghịch nhé, bỏng đau lắm ý."
Trẻ con là thế, vốn rất tò mò, hồn nhiên, muốn thử, muốn khám phá, nhưng một khi được phân tích, trải nghiệm, thỏa mãn, chúng sẽ hiểu và tự biết cách bảo vệ bản thân.
Là cha mẹ, đừng cấm đoán con trẻ mà hãy là người đồng hành và trải nghiệm cùng con để con tự cảm nhận sự việc. Bởi một lẽ đơn giản, sự cấm đoán con một cách vô lý sẽ gây tổn thương, khó chịu nơi con. Đặc biệt mình không thể kiểm soát, bên cạnh con trong mọi tình huống, sự cấm đoán có thể khiến con tò mò, nghịch dại.