Trào lưu không cưới hỏi, không sinh con
Chính phủ Hàn Quốc đang đối mặt với những thách thức cả về dân số lẫn kinh tế khi ngày càng nhiều phụ nữ nước này quyết định hưởng ứng trào lưu NoMarriage (Không cưới hỏi). Ngày 2/9, cộng đồng mạng Hàn Quốc phẫn nộ khi ông Jeong Kab Yoon, nghị sĩ thuộc đảng đối lập bảo thủ Liberty Korea chỉ trích nữ giáo sư kinh tế Joh Sung Wook, vốn là ứng viên cho vị trí lãnh đạo Ủy ban Thương mại Công bằng vì không có con, không hoàn thành nghĩa vụ với quốc gia. "Tôi biết rằng bà vẫn còn độc thân và vấn đề lớn nhất ở Hàn Quốc là phụ nữ không sinh con. Bà có bản lý lịch tuyệt vời nhưng xin vui lòng hoàn thành nghĩa vụ của mình với quốc gia ", ông Jeong nói tại phiên điều trần để phê chuẩn bà Joh làm người đứng đầu Ủy ban Thương mại Công bằng. Người dùng mạng xã hội tại Hàn Quốc đã bày tỏ sự tức giận trước vụ việc nói trên. "Đây hoàn toàn là vụ tấn công tình dục và vi phạm quyền phụ nữ", một tài khoản viết.
Cơ quan thống kê Hàn Quốc ngày 2/9 công bố báo cáo về tình hình dân số của nước này, trong đó nêu bật vấn đề già hóa dân số trong 48 năm tới. Dân số của Hàn Quốc được dự báo sẽ giảm từ 51,7 triệu người trong năm 2019, còn 39 triệu người vào năm 2067. Cùng với đó, nhóm người trên 65 tuổi cũng tăng vọt từ tỷ lệ 14,9% hiện nay, lên mức 46,5%. Nhóm dân số dưới 15 tuổi của Hàn Quốc sẽ giảm từ 12,4% hiện nay, còn 8,1% vào năm 2067 và số người trong độ tuổi lao động của Hàn Quốc (15-64) có thể giảm từ 72,7% còn 45,4% trong cùng thời gian trên. Điều này có thể làm gia tăng gánh nặng tài chính đối với thế hệ trẻ và ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của Hàn Quốc trong vài chục năm tới.
Dù đạt được nhiều thành tựu kinh tế, xã hội Hàn Quốc vẫn có tính gia trưởng cao và đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nhân khẩu học. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do tỷ lệ sinh ở Hàn Quốc giảm và tuổi thọ tăng. Số trẻ em mà một phụ nữ Hàn Quốc dự kiến sinh đã giảm xuống còn 0,98 năm 2018, vượt xa mức 2,1 cần thiết để duy trì sự ổn định dân số. Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ sinh ở Hàn Quốc giảm là do thế hệ trẻ Hàn Quốc đang "trốn tránh" hẹn hò, kết hôn và sinh con do họ không thể tìm được việc làm ổn định trong thời kỳ kinh tế suy giảm. Ngoài ra, chi phí học thêm đắt đỏ và giá nhà leo dốc hoặc những khó khăn mà phụ nữ gặp phải trong việc tìm kiếm việc làm sau thời gian nghỉ việc ở nhà chăm sóc con cái cũng là những yếu tố khiến tỷ lệ sinh giảm. Kể từ năm 2005, chính phủ Hàn Quốc đã chi hàng tỷ USD nhằm tăng tỷ lệ sinh bằng việc trợ cấp cho trẻ em và mở rộng thêm các dịch vụ trông trẻ ban ngày. Tuy nhiên, các chính sách này không thành công. Tỷ lệ sinh của Hàn Quốc hiện ở mức thấp nhất thế giới.
Ly hôn không còn là chuyện lạ
Ngoài ra, ly hôn dần trở nên phổ biến trong xã hội tương đối bảo thủ như Hàn Quốc. Nhiều vụ ly hôn đình đám của các ngôi sao điện ảnh khiến công chúng càng dễ "làm quen" với khái niệm này. Chỉ vài ngày sau ngày lễ Chuseok (tết Trung thu) 2018, cô Kim Jin Ju quyết định ly hôn. “Tôi đã chán phải làm cái bị cho chồng tôi xả mọi tức giận”, người mẹ hai con kể lại. Cô Kim Jin Ju nằm trong số ngày càng nhiều phụ nữ quyết định ly hôn ở “xứ sở kim chi”, nơi đang có tỷ lệ ly hôn cao nhất ở Đông Á và xếp thứ 14 trong khối các nước OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế). Theo Cục Thống kê Hàn Quốc, số vụ ly hôn tăng 2,5% năm 2018 lên 108.700 vụ.
Ly hôn vẫn là việc không được tán thành trong một xã hội bảo thủ như Hàn Quốc. Tuy vậy, tư duy về việc ly hôn đang dần thay đổi sau khi ngày càng nhiều cặp vợ chồng “đường ai nấy đi”, phụ nữ ngày càng có chỗ đứng trong xã hội và do thông tin dày đặc về chuyện “đổ vỡ” của cặp đôi Song Joong Ki và Song Hye Kyo, hai ngôi sao của bộ phim nổi tiếng Hậu duệ Mặt trời. Những người nổi tiếng bàn về chủ đề này một cách công khai và nhẹ nhàng đã khiến quan niệm thay đổi. Cặp đôi ngôi sao bóng rổ Seo Jang Hun và người dẫn chương trình Kim Gu Ra cũng công khai bàn về cuộc ly hôn của mình một cách cởi mở trên sóng truyền hình.
Hiện phụ trách một nhóm hỗ trợ các cha mẹ đơn thân, cô Kim Se Ri chia sẻ: “Việc ly hôn đã thay đổi nhiều khi phụ nữ đi làm ngày càng đông và không còn bất lợi trong quá trình ly hôn. Trong xã hội trọng nam này, phụ nữ không còn chịu nhịn, ấm ức nữa”. Theo số liệu từ Tòa án Tối cao, số đơn ly hôn tăng 30,8% từ tháng 3/2018. Cô Kim Jin Ju quyết định dứt áo ra đi sau 8 năm hôn nhân vì không hợp với gia đình chồng, trong khi chồng rất gia trưởng. Chồng cô đã tức giận và quát tháo vì cô chia sẻ các bức xúc trong nhà với gia đình chồng. Cuộc hôn nhân của họ xuống dốc sau một số biến cố về kinh tế. Họ cùng nhau kinh doanh mỹ phẩm nhưng Kim nghỉ 2 năm sau khi sinh đứa con thứ hai. “Chồng tôi làm việc kinh doanh đi xuống khiến chúng tôi lún sâu nợ nần, mà giấy tờ lại đứng tên tôi. Ổn định về kinh tế là điều bắt buộc cho một mối quan hệ hạnh phúc thời nay”, cô nói.
Các số liệu cũng cho thấy, Kim Jin Ju nói đúng. Khủng hoảng tiền tệ những năm 1990 khiến nhiều người Hàn Quốc mất việc làm và năm 1997, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) phải cấp tiền cứu trợ nước này. Tỷ lệ ly hôn vài năm sau đó đã tăng kỷ lục. Số liệu từ Tòa Tối cao cho thấy, tỷ lệ ly hôn đạt kỷ lục 3,54 trên 1.000 người năm 2003, so với tỷ lệ 2/1.000 người của những năm 1980. Tỷ lệ năm 2018 là 2,1/1.000. “Chúng ta đang ở thời điểm mà cả hai bên đều độc lập trong tài chính, công việc và mâu thuẫn về kinh tế dễ dàng xảy ra”, cô Kim Se Ri nói. Phụ nữ 40-44 tuổi có tỷ lệ ly hôn cao nhất - 8,8 trên 1.000 người. Trong khi đó, đàn ông 45-49 tuổi cũng ly hôn với tỷ lệ lên tới 8,6 trên 1.000.
Son Min Hee, nhân viên một trung tâm trông trẻ, đã ly hôn năm 2015, cho rằng, quan niệm về ly hôn giờ đây đã trở nên công bằng hơn khi ngày càng nhiều cặp vợ chồng bỏ nhau. 33,4% người Hàn Quốc ly hôn sau 20 năm kết hôn, trong khi 21,4% ly hôn sau dưới 4 năm.