Bao giờ Bộ Y tế ban hành quy chuẩn sữa học đường?

18/07/2019 - 19:12
Muốn tham gia đấu thầu chương trình sữa học đường, các doanh nghiệp phải tự tìm tòi, tự hỏi các nơi do Bộ Y tế vẫn chưa ban hành quy chuẩn.

Hơn 3 năm chưa ra quy chuẩn

Sau 3 năm từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt chương trình sữa học đường, đến nay các tiêu chuẩn cụ thể vẫn chưa được ban hành khiến các doanh nghiệp đều mắc kẹt.

Cụ thể, tháng 7.2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1340/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020. Trong đó quy định về trách nhiệm của Bộ Y tế là “Xây dựng và ban hành các quy định về sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình sữa học đường, định mức, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm”.

sua-hoc-duong.png
Học sinh Hà Nội uống sữa học đường

 

Đến tháng 9.2016, Bộ Y tế ban hành Quy định tạm thời đối với sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình sữa học đường. Trong đó, Bộ Y tế giao Viện Dinh dưỡng chủ trì, phối hợp với Cục An toàn thực phẩm và các đơn vị liên quan tiến hành nghiên cứu, tổng hợp nhu cầu vitamin, khoáng chất ở trẻ Việt Nam và quy định của quốc tế, đề xuất bổ sung vào sữa dùng cho Chương trình sữa học đường phù hợp với các nhóm đối tượng trẻ em mẫu giáo, tiểu học. Quyết định trên cũng nêu rõ Báo cáo Bộ Y tế trước ngày 30.6.2017.

Nhưng mãi đến ngày 6/7/2017, Viện Dinh dưỡng Quốc gia mới có Công văn 351/VDD-DHĐ&NN gửi Cục An toàn thực phẩm kèm theo báo cáo kỹ thuật đề nghị tăng cường ít nhất 5 vi chất bắt buộc và 16 vi chất không bắt buộc vào sữa học đường.

Kéo dài thêm gần 1 năm, đến tháng 4/2018, Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế mới đăng tải công khai trên website về Dự thảo Thông tư Quy định đối với sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020…

Từ đó đến nay, đã có nhiều hội thảo góp ý về quy chuẩn đối với sữa tươi tham gia chương trình sữa học đường. Mới nhất là vào giữa tháng 6 vừa qua, Bộ Y tế chủ trì cuộc họp góp ý dự thảo quy định này. Sau đó, Bộ này tiếp tục ban hành Dự thảo 9.7 Thông tư quy định đối với sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020 và đề nghị các doanh nghiệp liên quan góp ý trước ngày 12/7.

Thế nhưng giờ đã gần hết tháng 7, cũng hơn 3 năm tính từ thời điểm Thủ tướng phê duyệt chương trình sữa học đường, trải nhiều cuộc họp nhưng đến nay vẫn chưa có thông tin Dự thảo 9/7 này khi nào sẽ được ký ban hành.  

Chậm trễ gây lãng phí lớn

Năm học mới sắp tới, nhiều tỉnh thành đang chuẩn bị đấu thầu sữa học đường nhưng không biết xây dựng tiêu chuẩn sữa như thế nào. Địa phương nào muốn triển khai đấu thầu cung cấp sữa cho các cháu thì phải phát văn bản hỏi khắp nơi như Viện Dinh dưỡng, Cục An toàn thực phẩm... Không chỉ các địa phương, các doanh nghiệp, trường học muốn tham gia đều phải tham khảo hàng loạt văn bản, công văn nhưng vẫn không biết xây dựng tiêu chuẩn sữa căn cứ theo quy định nào? Điều này làm mất nhiều thời gian lẫn chi phí của các doanh nghiệp lẫn các tỉnh thành và trường học.

sua-hoc-duong1.png
Các giáo viên chuẩn bị sữa học đường để phân phát cho học sinh

 

TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) nhận định Chương trình sữa học đường là một chủ trương đúng để góp phần nâng cao thể chất cho trẻ em. Việc thực hiện đấu thầu là hình thức cạnh tranh để tìm ra nhà cung cấp sản phẩm sữa hiệu quả nhất cho các trường học. Do đó nếu không đưa ra tiêu chí cụ thể thì làm sao có sự cạnh tranh để tổ chức đấu thầu? Việc chậm trễ ban hành quy định này có bí ẩn gì phía sau? Điều này cũng khiến cho việc tổ chức đấu thầu không được công khai, minh bạch khiến các đơn vị tham gia cũng như người dân có quyền đặt dấu hỏi nghi ngờ.

“Đây không phải là một chương trình quá bí mật hay là xây dựng một đề án quá khó mà kéo dài hơn 3 năm. Càng chậm trễ càng gây tốn kém cho cả doanh nghiệp và xã hội, gây mất niềm tin của người dân. Trong bối cảnh chính phủ đang tạo thuận lợi kinh doanh thì thủ tục, thời gian cho một vấn đề quan trọng của đất nước thế này là quá chậm chạp, gây phiền hà. Cần quy trách nhiệm rõ ràng của các đơn vị liên quan khi đã được phân công cụ thể”, TS Ngô Trí Long nói.

Đồng quan điểm, luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty luật Basico, nhấn mạnh việc chậm trễ của Bộ Y tế cho thấy sự quan liêu, thiếu trách nhiệm của cơ quan quản lý chuyên ngành. Nhất là khi các quy chuẩn về sữa không phải quá khó bởi đây là sản phẩm phổ thông đã được lưu hành rất lâu. Thậm chí trong trường hợp cần thiết, Bộ Y tế có thể ban hành quy định áp dụng hằng năm và sau đó có thể bổ sung chỉnh sửa cho phù hợp với thực tế hoặc theo kịp tiến bộ khoa học công nghệ.

"Việc chậm chạp trong các quy định hướng dẫn thực hiện ở nhiều cơ quan quản lý nhà nước cấp dưới thường không được quy trách nhiệm cụ thể với những người đứng đầu nên cũng không được xử lý triệt để. Từ đó càng khiến cho nhiều chủ trương của Chính phủ khi thực hiện lại trễ dần và hậu quả là các doanh nghiệp và người dân phải gánh chịu thiệt hại".

                                                                                                                                  LS Trương Thanh Đức

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm