Bạo lực giữa các cặp đôi: Chuyện riêng hay chuyện chung?

PV
04/09/2020 - 08:14
Bạo lực giữa các cặp đôi: Chuyện riêng hay chuyện chung?

Bạo lực với phụ nữ. Ảnh minh họa

Khi chứng kiến một tình huống bạo lực giữa các cặp đôi, bà Elisa Fernandez Saenz - Trưởng Đại diện của Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tại Việt Nam nhấn mạnh: “Nếu bạn chứng kiến hành vi này, hãy lên tiếng!”. PNVN xin giới thiệu bài viết của bà Elisa về vấn đề này.

Ngày 2/9, khi cùng một số bạn bè đi ăn trưa tại một quán ăn nhỏ để kỷ niệm ngày độc lập, tự do của Việt Nam, tôi đã chứng kiến một tình huống bạo lực ngang nhiên diễn ra ngay trước mắt tất cả mọi người.

Người đàn ông ngồi bàn kế bên đã quát rất to vào mặt một cô gái, rất có thể là vợ hoặc bạn gái của anh ta. Sự hung hãn của anh ta khiến cô gái phải rời khỏi bàn và ngồi vào một chiếc bàn trống khác. Khuôn mặt và ngôn ngữ cơ thể cho thấy cô ấy đang cố gắng chịu đựng sự việc. Qua thái độ nhẫn nhịn của cô gái, tôi nghĩ đây không phải là lần đầu tiên cô ấy bị đối xử như vậy.

Bạo lực giữa các cặp đôi: Chuyện riêng hay chuyện chung?  - Ảnh 1.

Bà Elisa Fernandez Saenz - Trưởng Đại diện UN Women tại Việt Nam

Người đàn ông tiếp tục lớn tiếng và ngày càng tức giận. Đột nhiên, anh ta đứng dậy, cầm lấy một chiếc ghế nhựa màu xanh và tiến nhanh tới chỗ cô gái đang ngồi. Trong khoảnh khắc đó, tôi cũng đứng bật dậy và hét lên "Dừng lại!" (bằng tiếng Anh) và "Không!" (bằng tiếng Việt) kết hợp với hai cánh tay bắt chéo làm dấu "Không" một cách dứt khoát. Hành động của tôi có lẽ đã giảm cường độ bạo lực của anh ta nhưng anh ta vẫn dùng chiếc ghế đập vào người cô gái một lần. Chắc hẳn hành động của tôi đã làm cho không khí trong quán trở nên "ngột ngạt"; do đó, anh ta trả tiền và nhanh chóng rời khỏi nhà hàng cùng cô gái và một cặp đôi khác.

Toàn bộ sự việc đã khiến tôi vô cùng bức xúc và tức giận, tôi tự hỏi chúng ta có thể làm gì để nạn bạo lực với phụ nữ mãi mãi chấm dứt. Dù chỉ một người phụ nữ bị đánh đập vẫn là quá nhiều!

Tôi không thể ngừng nghĩ tới hình ảnh người đàn ông dùng chiếc ghế nhựa đánh vợ/ bạn gái của mình. Trong đầu tôi có quá nhiều câu hỏi chưa được giải đáp:

- Tại sao anh ta lại thấy mình có quyền được xúc phạm và đánh phụ nữ ở nơi công cộng mà không sợ bất kỳ sự can thiệp nào?

- Tại sao cô gái ấy lại không đáp trả để tự bảo vệ mình và yêu cầu sự giúp đỡ của những người xung quanh? Liệu cô ấy có biết cô ấy có quyền đó hay không?

- Tại sao rất nhiều người trong quán ăn hôm ấy lại có thể thờ ơ và không giúp đỡ cô gái bị bạo lực như chúng ta thường làm trong trường hợp chứng kiến người khác gặp khó khăn?

Những gì xảy ra trong quán ăn đó không hề ổn chút nào! Những hành động bạo lực bằng lời nói và thể xác mà người phụ nữ ấy phải trải qua là không thể chấp nhận được! Đây không phải là vấn đề riêng của hai người mà là vấn đề chung của cả cộng đồng. Nó ảnh hưởng tới tất cả chúng ta và chúng ta cần phải hành động! Bất kể lý do của sự mâu thuẫn là gì, người phụ nữ ấy hay bất kỳ người phụ nữ nào trên thế giới này đều không đáng phải chịu đựng hành vi bạo lực đó. Sự khác biệt và mâu thuẫn có thể xảy ra trong mọi mối quan hệ và gia đình. Nhưng chúng hoàn toàn có thể được giải quyết bằng cách giao tiếp TÔN TRỌNG và KHÔNG BẠO LỰC. Tất cả chúng ta đều có trách nhiệm hành động khi bạo lực với phụ nữ xảy ra: Hãy lên tiếng, ngăn cản, gọi cảnh sát, đảm bảo an toàn cho nạn nhân và sẵn sàng giúp đỡ. Đồng thời cần giới thiệu nạn nhân đến các đường dây nóng và nơi trú ẩn an toàn, cũng như các dịch vụ trợ giúp thiết yếu khác.

Người phụ nữ bị bạo lực ở quán ăn mà tôi đã chứng kiến có thể đồng nghiệp của tôi, một nữ chính trị gia, nữ doanh nhân, công nhân đường phố, hay học sinh và cũng có thể là tôi. Số liệu thống kê về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam quá cao và không hề thuyên giảm trong suốt thập kỷ qua. Nghiên cứu quốc gia lần thứ 2 về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019 cho thấy cứ 3 phụ nữ thì có gần 2 người (62,9%) đã trải qua một hoặc nhiều hình thức bạo lực về thể xác, tình dục, tâm lý và kinh tế và bị chồng kiểm soát hành vi trong thời gian chung sống, và con số này là 31,6% ở thời điểm hiện tại (trong 12 tháng qua)*. Trừ khi chúng ta nhận ra những thiệt hại mà vấn nạn này gây ra đối với toàn xã hội, mọi thứ sẽ không thay đổi. Nam giới phải là một phần của giải pháp này.

Trong những năm qua, Việt Nam đã có rất nhiều nỗ lực nhằm cải thiện luật pháp và dịch vụ nhằm ngăn ngừa và bảo vệ phụ nữ khỏi bạo lực giới trong cả không gian riêng tư lẫn nơi công cộng. Nhưng nếu chúng ta không thay đổi suy nghĩ của chính mình thì sẽ còn rất lâu nữa sự khác biệt trong cách chúng ta hành xử với nhau mới xảy ra. Sẽ còn nhiều phụ nữ bị tổn thương trong suốt quá trình lâu dài này.

Khi chúng ta quay trở lại cuộc sống bình thường mới, hãy suy ngẫm về một thực tế rằng: Không thể có một xã hội tự do, hòa bình và thịnh vượng thực sự cho đến khi chúng ta chấm dứt hoàn toàn bạo lực trong gia đình, trong suy nghĩ và trong trái tim của mỗi người!

*Báo cáo do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Tổng cục thống kê và Quỹ Dân số Liên hợp quốc thực hiện và được tài trợ bởi Chính phủ Úc https://vietnam.unfpa.org/vi/publications/national-study-violence-against-women-viet-nam-2019]

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm