pnvnonline@phunuvietnam.vn
Bảo vệ gia đình trong thời cách mạng công nghệ 4.0
Công nghệ cũng có thể trở thành rào cản vô hình làm ảnh hưởng mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình và tương lai con trẻ. Ảnh minh hoạ
Nhu cầu tất yếu của cuộc sống
"Ở nhà con, bố mẹ, con và chị đều có điện thoại thông minh. Bố mẹ và chị con đang học đại học thì có thêm máy tính xách tay. Còn con mới học lớp 8 nên bố mẹ chỉ trang bị cho máy tính bàn, để phục vụ học online. Tất cả các thành viên nhà con đều dùng mạng xã hội nên kết nối, trao đổi thông tin với nhau rất tiện", em Trần Minh Vương, học sinh một trường cấp II ở quận Long Biên cho biết.
Minh kể, tất cả các bạn trong lớp em đều có điện thoại thông minh kết nối internet và khoảng ¾ bạn có máy tính riêng. Số còn lại, không có máy tính riêng nhưng gia đình có máy vi tính chung, có thể sử dụng chung khi cần. Thực tế, trong 2 năm học bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, học sinh phải chuyển hình thức học trực tiếp sang học trực tuyến, nên hầu hết các em học sinh đều được trang bị máy vi tính hoặc điện thoại thông minh có kết nối internet.
Nhìn vào mặt tích cực, cách mạng công nghệ 4.0 đã làm thay đổi rất nhiều diện mạo của cuộc sống. Với sợ hỗ trợ của công nghệ, việc kết nối, thông tin, liên lạc giữa con người với con người, giữa các thành viên trong gia đình, họ hàng đã được cải thiện vượt bậc. Nếu như trước đây, khi công nghệ chưa phát triển, con cái ra khỏi nhà, bố mẹ đi làm thì phải đợi hết giờ làm, giờ học trở về nhà mới có thể gặp gỡ, giao tiếp với nhau. Còn nay, chỉ cần một cuộc gọi, một cú nhấp chuột là chúng ta có thể trò chuyện, nắm bắt thông tin về nhau.
"Rào cản" vô hình
Không phủ nhận những giá trị tích cực mà công nghệ 4.0 mang lại cho con người, trở thành sợi dây gắn kết tình thân, gia đình. Tuy nhiên, cũng bởi sự tiện lợi, ưu việt mà không ít người "ỉ" lại vào công nghệ, trở nên "lười" hoặc vô hình ít giao tiếp trực tiếp với nhau.
Đơn cử, sau mỗi bữa cơm, thay vì cả nhà cùng ngồi uống nước, trò chuyện với nhau thì buông đũa buông bát xong là người thì tivi, người máy tính, người điện thoại; con chui vào phòng con, bố mẹ ở phòng bố mẹ. Hàng ngày, thay vì trao đổi, bàn thảo trực tiếp với nhau về một vấn đề gì đó, mọi người lại dùng Zalo, Messenger, Viber, Line, Skype, Telegram… để liên lạc, chat chit, nhắn tin cho nhau. Và rồi, lâu dần thành quen, chúng ta xao nhãng hình thức giao lưu trực tiếp; từ bao giờ, vợ chồng, cha mẹ, con cái trở nên kiệm lời với nhau.
Có câu chuyện thật như đùa: nhà nọ, hai vợ chồng cùng chui trong chăn ấm nằm trên một chiếc giường nhưng ai nấy "cắm mặt" vào chiếc điện thoại cá nhân "buôn" với bạn của mình. Chợt nhớ ra có việc cần trao đổi, tiện tay, cô vợ nhắn tin qua Zalo cho chồng. Anh chồng nhắn lại "Ok" trong tích tắc rồi tiếp tục chat với bạn. Chat chit chán, anh chồng đeo tai nghe xem thể thao, cô vợ cũng đeo tai nghe xem phim bộ. Hai vợ chồng nằm cạnh nhau nhưng mỗi người chìm trong thế giới mạng của riêng mình. Sự hấp dẫn của công nghệ lớn hơn cả những vòng ôm cùng lời nói yêu thương dành cho nhau.
Lại có chuyện người mẹ và cô con gái giận nhau cả tuần không nói chuyện, cần thông báo cái gì thì nhắn tin cho nhau. Hay như ngày cuối tuần, ở nhiều gia đình trẻ, thay vì vợ chồng đưa con nhỏ ra công viên chơi đùa, hoà mình vào thiên nhiên thì lại đưa con đến trung tâm thương mại, con thoả thích chơi game, còn bố mẹ tha hồ "buôn" điện thoại.
Những dẫn chứng trên cho thấy, với sự "phủ sóng" của công nghệ hiện đại đối với con người, thói quen sinh hoạt vì thế mà dần bị thay đổi. Bên cạnh đó, việc trẻ em ngày nay được tiếp cận với những thiết bị thông minh từ rất sớm và sử dụng hàng ngày, dần biến nó trở thành một thói quen rồi nghiện lúc nào không hay.
Chủ động bảo vệ gia đình
Hiểu rõ "bệnh" ắt mới mong trị "bệnh". Để bảo vệ gia đình an toàn trước sự "xâm lấn", len lỏi của công nghệ số, cần phải hiểu rõ về thực trạng cũng như có nhận thức đúng về lợi ích, nguy cơ, tác hại của công nghệ số đối với đời sống gia đình. Từ đó, có biện pháp phù hợp, chủ động trong việc thay đổi bản thân, định hướng cho các thành viên trong gia đình cách thức sử dụng các thiết bị công nghệ hiệu quả nhất. Cần phải đặt ra những quy tắc chung, thống nhất giữa các thành viên để xây dựng nề nếp, quy định cụ thể trong việc sử dụng các thiết bị số.
Trước những nguy hại của việc lạm dụng thiết bị thông minh, mỗi bậc làm cha, làm mẹ cần chủ động thay đổi bản thân để làm gương cho con trẻ thay đổi theo. Thay vì quan tâm đến thế giới mạng, hãy chuyển sự quan tâm cho con cái, dành nhiều thời gian cho các hoạt động chung của gia đình... Không ai khác, cha mẹ phải chủ động để giám sát, hướng con cái đến việc sử dụng mạng an toàn, lành mạnh; chia sẻ với con cái những cạm bẫy, nguy hại trên không gian mạng; quản lý chặt chẽ việc sử dụng thiết bị thông minh truy cập vào các trang mạng xã hội, phim ảnh, game... Chỉ khi các thành viên trong gia đình tăng cường trò chuyện, kết nối, chia sẻ hàng ngày với nhau thì mới có sự thấu hiểu, yêu thương, gần gũi, gắn kết bền chặt. Có như vậy, tổ ấm mới không bị mai một, có nguy cơ chuyển hoá thành "tổ lạnh".
Điều cha mẹ cần làm để bảo vệ hạnh phúc gia đình trước sự tác động của công nghệ
- Tắt toàn bộ các thiết bị công nghệ ít nhất 20 phút mỗi ngày để dành thời gian trò chuyện, chơi đùa với các con; có nguyên tắc và quy định rõ ràng về thời gian dùng mạng xã hội.
- Hạn chế thấp nhất thời gian sử dụng các thiết bị công nghệ, thay vào đó tăng cường các hoạt động chung của gia đình.
- Làm gương tốt trong việc hạn chế xem ti vi, truy cập internet và nên khuyến khích con cái sử dụng thời gian vào các hoạt động vui chơi, rèn luyện thể chất, thăm bạn bè, người thân, du lịch, làm công tác xã hội…
- Cùng ăn cơm tối, nghe con cái trò chuyện về việc học hành, về kế hoạch chung của cả nhà… cũng đủ giúp hâm nóng tình cảm gia đình và khiến mỗi thành viên cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc.