pnvnonline@phunuvietnam.vn
Bảo vệ môi trường bằng vỏ hạt điều và lá cây dã quỳ
Nhóm học sinh trường PTTH Chuyên Hùng Vương (tỉnh Gia Lai) sáng chế ra chế phẩm Combo-Far-Sup
Tận dụng phế thải nông nghiệp
Đây là sản phẩm được tạo ra từ ý tưởng xây dựng quy trình khép kín, tận dụng phế thải nông nghiệp từ sản xuất điều nhằm bảo vệ môi trường. Tác giả của sản phẩm thân thiện môi trường trên là nhóm học sinh: Lê Nhật Minh (lớp 11 C2A), Trần Lê Hải (lớp 12 C8), Phan Lê Khánh Dương (lớp 11 C6), Huỳnh Thị Thanh Huyền (lớp 11 C2B) và Võ Trọng Nhân (lớp 11 C5A) dưới sự hướng dẫn của Tiến sỹ Phùng Thị Kim Huệ.
Theo em Lê Nhật Minh, Nhóm trưởng, với ý thức bảo vệ môi trường được học trong nhà trường và các câu lạc bộ kỹ năng sống, áp dụng kiến thức được học và với niềm đam mê nghiên cứu của cả nhóm, cộng với sự hướng dẫn tận tình của thầy, cô giáo, nhóm đã tìm tòi, nghiên cứu và sáng chế thành công chế phẩm Combo (Far-Sup).
Nhật Minh cho hay, theo tìm hiểu của các em, mỗi năm, tỉnh Gia Lai có khoảng 50.000 tấn vỏ hạt điều bị thải ra ngoài môi trường sau khi thu hoạch lấy nhân. Lượng vỏ này gây ô nhiễm môi trường vì chứa nhiều chất độc hại.
"Sau khi nghiên cứu, chúng em biết trong vỏ hạt điều có chứa một số chất giúp ức chế hoạt động của côn trùng. Cao chiết lấy từ vỏ thải hạt điều nếu kết hợp với cao chiết từ lá cây dã quỳ sẽ tạo ra một hỗn chất có tác dụng chống lại bọ xít mũi xanh hại cây điều. Phần bã thu được đem ủ phân hữu cơ (compost) sẽ tạo được phân hữu cơ sinh học bón cho cây điều. Với nghiên cứu này, chúng em đã xây dựng được một quy trình khép kín vòng tuần hoàn vật chất trong sản xuất điều, lấy những gì cây tạo ra mà con người không sử dụng để phục vụ lại cho cây", Nhật Minh nói.
Chế phẩm sinh học Combo (Far-Sup) của các em sẽ hỗ trợ bà con nông dân sử dụng làm thuốc trừ sâu sinh học (Far - dạng nước xịt) chống lại các loại sâu bệnh gây hại cho cây điều (đặc biệt là bọ xít muỗi xanh) và phân bón (Sup - dạng bột mịn) giúp chăm sóc cho cây điều cũng như các loại cây trồng khác.
Để thực hiện thành công đề tài này, nhóm học sinh này đã tìm về khu vực trồng nhiều cây điều của tỉnh Gia Lai là xã Ia O (huyện Ia Grai) để khảo sát, thực nghiệm, đồng thời bố trí thời gian hợp lý giữa học tập và nghiên cứu. Kết quả, sau hơn một năm khám phá, thực nghiệm, dự án đã có những thành công đột phá.
Em Trần Lê Hải tâm sự, công việc khó khăn nhất trong dự án là việc chiết xuất các chất từ vỏ hạt điều. Vốn dĩ vỏ hạt điều chứa chất gây dị ứng nên nhóm nghiên cứu đã phải mất hàng tháng để loại bỏ chất này. Điều chế nhiều lần thất bại mới tạo ra được chế phẩm.
Sản phẩm chưa từng có trên thị trường
Tiến sỹ Phùng Thị Kim Huệ (trường THPT Chuyên Hùng Vương), chia sẻ: "Chế phẩm Combo (Far-Sup) được chiết từ phế thải thực vật là vỏ cứng hạt điều, lá cây dã quỳ dùng để bảo vệ và chăm sóc cây điều tại vườn trồng điều hiện nay chưa từng có trên thị trường. Sản phẩm của các em rất có giá trị thực tiễn, không chỉ tận dụng được nguồn vỏ thải của cây điều mà còn khai thác được loại cây dại đặc trưng của địa phương làm nguyên liệu nên giá thành rẻ, giúp bà con nông dân có cơ hội sử dụng các chế phẩm hữu cơ an toàn, đồng thời phát triển cây công nghiệp bền vững".
Tỉnh Gia Lai có hơn 176.000ha cây công nghiệp dài ngày, trong đó diện tích cây điều chiếm gần 18.000ha. Sau khi thu hoạch, người dân chỉ lấy phần nhân sản xuất ra các sản phẩm từ hạt điều (điều sấy, điều rang muối), còn vỏ hạt điều bị thải bỏ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao. Cùng với đó, lượng lớn cây dã quỳ mọc hoang dại, không chỉ là nét đẹp đặc trưng của vùng đất Tây Nguyên mà còn được sử dụng để tạo nên các chế phẩm sinh học hữu ích.
Mô hình kết hợp loại phế thải nông nghiệp và cây cỏ mọc hoang của Gia Lai tạo ra chế phẩm sinh học hữu ích vừa trừ sâu bệnh, vừa bổ sung chất dinh dưỡng cho cây, góp phần bảo vệ môi trường của học sinh trường THPT Chuyên Hùng Vương (tỉnh Gia Lai) cần được quan tâm phổ biến, nhân rộng.