Bất cập trong cuộc sống và đo lường chuẩn nghèo của nữ lao động di cư

25/03/2016 - 20:40
Khi Viện Light tổ chức Hội thảo về nghèo đa chiều với lao động di cư phi chính thức chiều 24/3, có nhiều ý kiến đề cập đến những khó khăn của hộ gia đình và phụ nữ di cư trong việc rà soát, đo lường theo chuẩn nghèo mới.

Đây là hoạt động trong khuôn khổ Dự án "Stones - Hỗ trợ Mô hình nhóm Tự lực của lao động di cư bán hàng rong và thu nhặt phế liệu" tại Hà Nội, do Viện Phát triển Sức khỏe Cộng đồng Ánh sáng - LIGHT và Hội LHPN Thành phố Hà Nội phối hợp thực hiện.
Tham dự hội thảo bà Chu Thị Hạnh, Phó Chánh Văn phòng quốc gia về giảm nghèo (Bộ Lao động thương binh và xã hội) đã cung cấp thông tin: “Quốc hội khóa 13, kỳ họp thứ 7 đã thông qua Nghị quyết về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020, trong đó nêu rõ: xây dựng chuẩn nghèo mới theo phương pháp tiếp cận đa chiều nhằm đảm bảo mức sống tối thiểu và đáp ứng các dịch vụ xã hội cơ bản. Theo đó, đến nay, việc tiếp cận xác định hộ nghèo, bên cạnh yếu tố “thu nhập bình quân đầu người” thì còn căn cứ vào các tiêu chí xác định mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản như y tế, giáo dục, nhà ở…”.

5 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt các dịch vụ cơ bản:  

  • Các dịch vụ y tế (bao gồm tiếp cận các dịch vụ y tế và bảo hiểm y tế).
  • Giáo dục (bao gồm trình độ giáo dục của người lớn và tình trạng đi học của trẻ em).
  • Nhà ở (chất lượng nhà ở và diện tích nhà ở bình quân đầu người).
  • Nước sinh hoạt và vệ sinh (nguồn nước và loại hố xí/nhà tiêu)
  • Tiếp cận thông tin (sử dụng dịch vụ viễn thông và tài sản phục vụ tiếp cận thông tin).

Tuy nhiên, theo bà Lê Thúy Hạnh, Viện Phát triển sức khỏe cộng đồng ánh sáng Light: “Khi đem hầu hết các tiêu chí đo lường về nghèo đa chiều mới này, áp vào đời sống thực tế của người di cư, đặc biệt là phụ nữ di cư thì thấy họ đang là đối tượng bị thiếu hụt nhiều nhất".
Theo nghiên cứu mới nhất của Oxfam (2015), có tới 99% người lao động thuộc khu vực phi chính thức đang không có bảo hiểm xã hội tự nguyện. 21,2% trẻ em di cư trong độ tuổi từ 6 đến 14 không được bố mẹ cho đi học. Chỉ có 7,7% trẻ em di cư được đi nhà trẻ công lập, điều này đồng nghĩa với trẻ em di cư phải học ở những trường mẫu giáo tư thục là rất nhiều và phụ huynh thì buộc phải trả mức học phí rất cao. Hơn 2/3 lao động di cư phải trả tiền nước cao gần gấp 3 lần và tiền điện cao gần gấp đôi so với các gia đình người dân địa phương. 80% những người di cư và gia đình của họ phải sống trong các nhà trọ nghèo nàn, không đảm bảo vệ sinh… Song theo bà Lê Thúy Hạnh, để xét cho họ thuộc vào diện là “phụ nữ nghèo” hay là “hộ gia đình nghèo” theo các tiêu chí đa chiều để giúp họ được tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản, các  chính sách hỗ trợ an sinh của Nhà nước thì lại gặp rất nhiều khó khăn.

img_20160324_145632.jpg
Nhiều ý kiến đề cập đến những khó khăn của gia đình và phụ nữ di cư. Họ là những đối tượng có khả năng rơi vào "bẫy nghèo đa chiều" tại nơi đến. 

Lý giải về nguyên nhân, theo bà Phạm Hồng Hạnh, chủ tịch Hội LHPN phường Chương Dương cho biết: “Trên địa bàn phường chúng tôi hiện cũng đang có khoảng 2.000 lao động di cư, trong đó có nhiều hộ gia đình. Tuy nhiên, theo tôi biết, hầu hết đều không có đăng ký tạm trú, tạm vắng. Nhiều người di cư lên Hà Nội làm việc theo thời vụ, hay thay đổi công việc, chỗ ở, ít khi ở cố định một chỗ trong vòng 6 tháng. Có những gia đình di cư lên đây làm nhiều năm rồi nhưng vẫn không làm thủ tục khai báo với công an, chính quyền. Điều này đã cản trở họ trong việc tiếp cận các dịch vụ an sinh xã hội tại nơi họ đến”.

img_20160324_144558_edit.jpg

Anh Nguyễn Văn Thế, đại diện cho Hợp tác xã Ngày mới, có thành viên là người lao động di cư từ nông thôn ra chợ Long Biên làm việc có băn khoăn “Tại Hà Nội, người di cư đã bị loại ra khỏi cuộc điều tra rà soát hộ gia đình nghèo vì không có đăng ký hộ khẩu tạm trú, tạm vắng". 

Theo anh Nguyễn Văn Thế: “Tại nơi đến, người di cư đã bị loại ra khỏi cuộc điều tra rà soát hộ gia đình nghèo. Vậy còn nhà ở (hộ khẩu chính) dưới quê thì thế nào? Nhiều hộ vẫn để con cái học hành ở quê, sống với ông bà. Với mức tiền trung bình người di cư phải chắt bóp mãi mới được chừng 2 đến 4 triệu đồng/tháng để gửi về nhà thì đây lại được coi là mức cao so với mặt bằng chung ở quê. Hoặc có những gia đình cố gắng vay mượn khắp nơi để xây được một cái nhà cho tương đối khang trang. Rồi sau đó vợ di cư ra thành phố, phải sống thuê trọ tạm bợ, thiếu thốn đủ đường để lao vào mưu sinh, kiếm tiền gửi về quê trả nợ… Tuy nhiên, khi cán bộ đến nhà có người di cư để điều tra rà soát về hộ nghèo, nếu họ chỉ căn cứ vào diện tích, chất lượng nhà ở, tình hình đi học của con, mức thu nhập của gia đình để đánh giá, xếp loại thì tất nhiên gia đình này cũng bị xếp vào loại “không thuộc diện hộ nghèo”…

Với ông Trần Duyên Hải đến từ Trung tâm dạy nghề nhân đạo cho người di cư tại Hà Nội có ý kiến: “Phương pháp tiếp cận đo lường nghèo từ đơn chiều sang đa chiều là một chủ trương rất đúng, nhân văn nhằm hướng tới việc hỗ trợ giảm nghèo toàn diện. Tuy nhiên, riêng với nhóm lao động di cư lại là nhóm đặc thù. Thực tế, những chính sách hỗ trợ an sinh, cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản tại nơi đến cho người di cư vẫn còn quá thiếu. Vì vậy, khả năng người di cư và các gia đình có người di cư bị "bỏ sót" khi rà soát đánh giá là rất cao. Họ tuy bị rơi vào chuẩn nghèo theo tiêu chí đa chiều nhưng lại không được xét để trợ giúp”.

Hiện nay, xu hướng nữ hóa và trẻ hóa di cư đang được dự báo là ngày càng gia tăng. Theo tổng điều tra Dân số và nhà ở mới nhất, tỷ lệ nữ di cư đang chiếm 54%. Lao động di cư có độ tuổi khá trẻ và khoảng 1/2 đã có gia đình. Tỷ lệ thất nghiệp của người di cư cao gần gấp 5 lần so với tỷ lệ thất nghiệp của lao động từ tuổi 15 trở lên. Mức thu nhập cơ bản của hầu hết lao động di cư chưa đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu và phụ nữ thì có mức thu nhập cơ bản thấp hơn nam giới…
Để góp phần hỗ trợ người lao động di cư được tiếp cận với an sinh xã hội, có nhiều cơ hội hơn trong tương lai, mới đây, có 1 mạng lưới hành động vì lao động di cư M.net đã được thành lập với sáng kiến của tổ chức Oxfam tại Việt Nam. Hiện, M.net đang hướng tới các hoạt động: Can thiệp trực tiếp thí điểm các mô hình dựa vào cộng đồng nhằm trợ giúp lao động di cư; Xây dựng năng lực cho các bên liên quan chủ chốt về quyền của lao động di cư; Vận động chính sách nhằm hướng tới một hệ thống chính sách bình đẳng và dễ tiếp cận hơn cho lao động di cư; Đưa ra tầm nhìn, đến năm 2020, quyền lao động của người lao động di cư sẽ được đảm bảo công bằng hơn thông qua hệ thống thiết chế quản lý hiệu quả và tiếp cận được với các chính sách an sinh xã hội…

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm